TP.HCM kết nối phát triển các giải pháp công nghệ chế biến thực phẩm theo xu hướng sản phẩm "không thịt"
15-12-2023Chiều 14/12, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sự kiện kết nối sáng tạo (kỳ 2 tháng 12/2023) với chủ đề Giải pháp khoa học công nghệ chế biến nông sản theo xu hướng sản phẩm "không thịt".
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, sự kiện nằm trong chuỗi các sự kiện Inno-coffee năm 2023 (kết nối hợp tác giữa khu vực nghiên cứu và khu vực công) nhằm kết nối chia sẻ khó khăn trong khu vực công, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, startup đưa ra những sáng kiến giải quyết vấn đề, đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại sự kiện
Theo bà Huệ, giai đoạn vừa qua có thể nhận thấy tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, trong đó phải đối mặt với nhiều dịch bệnh liên quan tới chăn nuôi (heo, bò). Do vậy, việc điều chỉnh khẩu phần ăn, lựa chọn sử dụng sản phẩm thực phẩm lành mạnh, giảm tác hại tới môi trường là một xu thế tất yếu. Với sự kiện kết nối sáng tạo kỳ này, Sở mong muốn kết nối các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp để cùng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, dinh dưỡng, cũng như đặt ra các bài toán về xu hướng sản xuất và giải pháp công nghệ đáp ứng nhu cầu sản xuất trong thời gian tới.
Tại sự kiện, BSCKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp (Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM) đã trình bày tham luận đề dẫn về dinh dưỡng phòng bệnh không lây nhiễm và xu hướng sản phẩm "không thịt". Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng trình bày các báo cáo tham luận như Tiềm năng sử dụng nấm làm nguồn protein thay thế đạm động vật; Vi tảo - nguồn cung cấp dinh dưỡng cho con người trong tương lai.
BSCKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp (Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam) trình bày báo cáo đề dẫn tại sự kiện
Theo BS. Diệp, bệnh không lây nhiễm là các bệnh mạn tính, không có khả năng lây truyền, có thời gian bị bệnh dài và tiến triển chậm, là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới và Việt Nam. Bệnh có thể phòng ngừa được thông qua can thiệp các yếu tố nguy cơ trọng tâm là chế độ dinh dưỡng lành mạnh và môi trường thuận lợi. Hiện nay, 4 loại bệnh không lây nhiễm chính là tăng huyết áp và bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ), ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản), đái tháo đường. Bệnh không lây nhiễm đang tiếp tục gia tăng, trẻ hóa và là gánh nặng sức khỏe lớn cho cộng đồng.
Để phòng ngừa bệnh không lây nhiễm, BS. Diệp cho rằng, nên tiếp cận các giải pháp toàn diện, từ chủ trương chính sách, quản lý, nguồn lực, truyền thông giáo dục, cho đến giải pháp về chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất - cung cấp thực phẩm phù hợp mục tiêu nâng cao sức khỏe, phòng ngừa yếu tố nguy cơ, yếu tố trung gian, bổ sung vi chất, chất xơ vào thực phẩm,… là giải pháp được quan tâm chú trọng hiện nay. Bên cạnh các khuyến nghị về chế độ ăn cân bằng, đa dạng, truyền thông giáo dục dinh dưỡng, thực phẩm, việc nghiên cứu sử dụng thực phẩm nguồn gốc thực vật giàu dinh dưỡng, ứng dụng KH&CN để tạo ra giá trị vượt trội cho các sản phẩm giàu protein có nguồn gốc thực vật, can thiệp dinh dưỡng,… đang trở thành xu hướng tất yếu. Trong đó, xu hướng can thiệp dinh dưỡng để phòng ngừa bệnh không lây nhiễm tập trung vào các giải pháp tạo giống thực phẩm giàu dinh dưỡng, bổ sung chất dinh dưỡng vào thực phẩm; sản xuất thực phẩm dinh dưỡng chuyên biệt, thực phẩm chức năng, thực phẩm có nguồn gốc thực vật,…
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp trình bày, chia sẻ thông tin, thảo luận tại sự kiện
Các ý kiến trình bày, chia sẻ, đề xuất tại sự kiện cũng cho rằng, dinh dưỡng không lành mạnh, mất cân đối là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề về sức khỏe. Tỷ lệ người Việt Nam ăn chay vì lý do tôn giáo và lý do sức khoẻ cũng đang có xu hướng tăng cao, việc sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật để cung cấp protein giúp cung cấp nhiều lợi ích cho sức khỏe,… Do đó, ngành thực phẩm cần đón đầu nhu cầu ăn thuần chay của người tiêu dùng; hợp tác đưa ra các ý tưởng sản phẩm, giải pháp công nghệ sản xuất thực phẩm đáp ứng những thay đổi theo xu hướng cân bằng dinh dưỡng (thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật), lựa chọn thực phẩm nguồn gốc thực vật giàu dinh dưỡng; thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất sản phẩm thực phẩm mới, thực phẩm lành mạnh, thực phẩm hỗ trợ sức khỏe có nguồn gốc thực vật giúp cung cấp các hợp chất hoạt tính sinh học quan trọng, có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe con người bên cạnh vai trò dinh dưỡng cơ bản.
Lam Vân (CESTI)