TP.HCM: khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo khẳng định vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội
06-11-2024Thông tin đưa ra tại hội thảo Đánh giá, tổng kết 5 năm thực hiện "Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021-2025" và kết quả triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức ngày 06/11, nhằm trao đổi, thảo luận, góp ý về kết quả thực hiện của giai đoạn 2021-2025 và đánh giá cụ thể các mặt đạt được, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đồng thời đề xuất nội dung, nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong nhiệm kỳ 2025-2030,… Những nội dung này được thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân TP.HCM về Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện "Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021-2025" (còn gọi là Đề án 672), nhằm phục vụ xây dựng Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XII.
Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe 2 báo cáo tham luận: Dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2021-2025 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2026-2030; Đánh giá kết quả triển khai Đề án 672 giai đoạn 2021-2025 và đề xuất các giải pháp cải thiện. Qua đó đưa ra các ý kiến đóng góp, trao đổi, thảo luận để hoàn hoàn thiện các báo cáo.
Nhiều kết quả thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thành phố
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, giai đoạn 2020-2025, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) của Thành phố tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm xây dựng thành phố thông minh, phục vụ chương trình chuyển đổi số và các ngành công nghiệp chủ lực; nghiên cứu và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức KH&CN trong và ngoài nước để triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ các chương trình, đề án của Thành phố giai đoạn 2020-2025; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), đồng hành và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
Ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) trình bày dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2021-2025 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2026-2030
Nhìn chung, hoạt động khoa học công nghệ và ĐMST đã khẳng định được vai trò động lực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính sách về khoa học, công nghệ và ĐMST ngày càng hoàn thiện, bám sát nhu cầu thực tế, Thành phố luôn năng động, kịp thời trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, kết nối hệ sinh thái, tăng cường hoạt động truyền thông, hoạt động ĐMST, hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn lực phục vụ phát triển Thành phố. Qua đó, thúc đẩy đầu tư của xã hội cho hoạt động KH&CN: bình quân giai đoạn 2021-2023 chi đầu tư cho KH&CN của xã hội ước đạt 0,88%/GRDP, ước đến năm 2025 đạt bình quân 1%/GRDP. Tỉ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP Thành phố của doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp và 9 ngành dịch vụ trọng yếu của Thành phố giai đoạn 2021-2022 bình quân đạt trên 47,2%.
Cụ thể, Thành phố đã tái cấu trúc các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển, giải mã, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phục vụ trực tiếp cho các ngành công nghiệp, dịch vụ và các đề án đô thị thông minh/đô thị sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI),… Trong đó, tập trung triển khai thực hiện 6 chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST trọng điểm giai đoạn 2020-2025 (Chương trình Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ phục vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số; Chương trình Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ công nghiệp; Chương trình Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ; Chương trình Nghiên cứu phát triển, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; Chương trình Nghiên cứu ứng dụng phục vụ quản lý và phát triển đô thị; Chương trình Vườn ươm khoa học và công nghệ Trẻ).
Một số kết quả nổi bật như: Chương trình Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ phục vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số đã xây dựng hoàn chỉnh Bộ hướng dẫn mô hình hóa thông tin công trình (BIM) áp dụng cho các hạng mục khác nhau trong các dự án đường sắt đô thị tại TP.HCM từ giai đoạn đầu lập dự án, nghiên cứu tiền khả thi, khả thi, thiết kế cơ sở đến khai thác, vận hành bảo dưỡng, giúp các bên tham gia tương tác hiệu quả, giảm sai sót và đẩy nhanh tiến độ xây dựng; chế tạo thành công Hệ thống đo lường nước thông minh, giúp làm chủ công nghệ chế tạo, giảm phụ thuộc vào thiết bị nhập khẩu, góp phần thực hiện chiến lược Smart City và công nghệ 4.0; thiết kế Mạng băng thông rộng cho thành phố thông minh, kết quả nhiệm vụ là tiền đề triển khai cơ sở hạ tầng cho đô thị thông minh và chuyển đổi số; xây dựng Hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro sử dụng cảm biến năng lượng thấp và dữ liệu viễn thám, giúp kiểm soát ô nhiễm không khí, nhiệt độ bề mặt và cung cấp thông tin nguy hiểm như dịch bệnh, biến đổi khí hậu,…
Chương trình Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ công nghiệp đã hỗ trợ các ngành công nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, đặc biệt là nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm tiềm năng của Thành phố, điển hình như các nghiên cứu: "Hoàn thiện công nghệ và chế tạo thiết bị tự động lắp - vặn đầu xoắn E27 cho bóng đèn Led", giúp doanh nghiệp nâng cao mức độ tự động hóa trong sản xuất bóng đèn LED, cho phép sản xuất nhiều chủng loại bóng đèn LED trên một máy duy nhất, giúp tiết kiệm không gian và diện tích, nâng cao tính nội địa hóa và sự chủ động trong công nghệ sản xuất; "Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm hố ga nhựa đa dụng chống trào ngược, ngăn mùi và thu gom rác" tập trung vào việc cải thiện các sản phẩm hố ga nhằm nâng cao hiệu quả và thân thiện với môi trường, có tính năng chống trào ngược, ngăn mùi và thu gom rác, dễ dàng lắp đặt và sử dụng, với độ bền cao, cung cấp cho nhiều đối tượng khác nhau; "Nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo khuôn Preform phôi nhựa PET 96 Cavity phục vụ cho sản xuất thổi chai nhựa PET19", đây là một bước đột phá trong việc làm chủ thiết kế và chế tạo khuôn Preform phôi nhựa PET, phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất chai nhựa PET, giúp sản xuất sản phẩm khuôn tại Việt Nam với chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh so với hàng nhập khẩu;…
Về kết quả xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, báo cáo cho biết, trong giai đoạn 2020-2025, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Thành phố là nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động ĐMST và ngày càng lớn mạnh, đang tiến gần đến Top 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động nhất toàn cầu. Theo xếp hạng của Startupblink năm 2023, TP.HCM xếp hạng 111 trên thế giới. Thành phố có mặt trong Top 100 thành phố toàn cầu về bốn lĩnh vực: Fintech (thứ 54), Edtech (thứ 62), Thương mại điện tử & Bán lẻ (thứ 71) và Giao thông vận tải (thứ 87).
Ở góc độ đóng góp kinh tế và so sánh với khu vực, TP.HCM đang đứng thứ ba tại Đông Nam Á về giá trị hệ sinh thái khởi nghiệp, với tác động kinh tế lên đến 5,22 tỉ USD, sau Singapore và Jakarta. Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Hà Nội đứng đầu trong top 10 địa phương đạt chỉ số ĐMST cấp địa phương cao nhất cả nước. Điều này góp phần nâng tỉ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ vào GRDP giai đoạn 2020-2025 ước đạt trên 50%.
Những kết quả ấn tượng của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Thành phố đạt được một phần là nhờ các đóng góp từ Đề án 672. Thời gian qua, Đề án đã tập trung phát triển hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, hình thành mạng lưới các cơ sở ươm tạo thuộc khu vực Nhà nước (HIN) với 7 thành viên. Bên cạnh đó, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố được thành lập (trong năm 2024) với diện tích hơn 17.000m2, cùng với mạng lưới 45 tổ chức ươm tạo, nâng tổng diện tích hỗ trợ lên hơn 34.000m2, đây là môi trường thuận lợi cho các startup phát triển.
Về nâng cao năng lực và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, Đề án 672 đã hỗ trợ nâng cao năng lực ĐMST cho 5.063 doanh nghiệp, đạt 168,8% so với chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ ươm tạo, phát triển 1.001 dự án khởi nghiệp ĐMST, đạt 100,1% chỉ tiêu giai đoạn; hỗ trợ 276 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm (vượt 276% chỉ tiêu đề ra). Về nội dung hỗ trợ phát triển sản phẩm và thị trường, Đề án đã tổ chức xét duyệt 133 dự án đăng ký hỗ trợ ở các giai đoạn tiền ươm tạo, ươm tạo và tăng tốc; triển khai thực hiện các nội dung về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn Thành phố, trung bình hàng năm tuyển chọn và ươm tạo cho hơn 300 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại các đơn vị công lập.
Tiếp tục thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và ĐMST
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, kết quả ấn tượng, hoạt động khoa công nghệ và đổi mới sáng tạo tại TP.HCM vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế. Đại diện Sở KH&CN TP.HCM cho rằng, một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc xoay quanh các vấn đề như cơ chế, chính sách tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy, nhân lực đối với tổ chức KH&CN công lập còn bất cập, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động KHCN&ĐMST, gây khó khăn cho công tác quản lý, chưa tạo được động lực thúc đẩy các tổ chức KH&CN phát triển. Các tổ chức KH&CN chưa phát huy tối đa hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất được đầu tư, chưa xây dựng các chương trình nghiên cứu trung và dài hạn làm định hướng phát triển. Bên cạnh đó, mối liên kết trong hoạt động KH&CN giữa trường, viện và doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ và bền vững; đầu tư của xã hội cho KH&CN chưa tương xứng với tiềm năng;…
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất, trao đổi thảo luận của các đại biểu đến từ các sở ban ngành, quận huyện, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp,... trên địa bàn Thành phố
Đối với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, số lượng và chất lượng các startup chưa cao; năng lực của các tổ chức trung gian hỗ trợ doanh nghiệp trong nước còn thấp, trong khi các trường đại học và tổ chức nghiên cứu công lập chưa thực sự hiệu quả trong việc chuyển giao công nghệ và hợp tác với ngành công nghiệp. Ngoài ra, các mô hình không gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo hiện nay còn thiếu cơ chế tài chính linh hoạt và chính sách đặc thù đột phá. Điều này hạn chế khả năng thu hút các tổ chức mạnh về khởi nghiệp ĐMST trong nước và quốc tế tham gia và cam kết đồng hành. Các chính sách hỗ trợ hiện hành chưa thật sự phát huy hiệu quả, nguyên nhân chính là do thiếu những cơ chế, chính sách mang tính đột phá đối với mô hình, cơ cấu tổ chức và hoạt động ĐMST của các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo do Nhà nước quản lý.
Do vậy, trong giai đoạn tiếp theo, TP.HCM tiếp tục tăng cường các giải pháp thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và ĐMST, đặt mục tiêu đến năm 2030, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng văn hóa, công nghiệp hiện đại. Một số chỉ tiêu cụ thể như, tỉ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP hàng năm từ 45%-50%; ít nhất 5 tổ chức KH&CN tiệm cận, đạt chuẩn quốc tế; hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Thành phố thuộc nhóm 5 hệ sinh thái dẫn đầu cả nước; số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp KH&CN và số doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tăng hai lần so với năm 2020, tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST đạt 40%;…
Để thực hiện, trong giai đoạn 2026 – 2030, Thành phố triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu như: tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển KH&CN và ĐMST; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu, ứng dụng KH&CN và ĐMST; tập trung phát triển một số tổ chức KH&CN đạt trình độ khu vực và thế giới; phát triển mạnh thị trường KH&CN, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh; thúc đẩy đào tạo và phát huy nguồn nhân lực KH&CN phục vụ phát triển Thành phố; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST theo hướng phát triển toàn diện, phát huy tối đa vai trò, chức năng của các thành tố để Thành phố trở thành trung tâm khởi nghiệp ĐMST quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển mô hình đại học khởi nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý sở hữu trí tuệ;…
Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội thảo đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Thành phố. Đồng thời góp ý, đề xuất một số giải pháp cho giai đoạn tiếp theo trong việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các startup, dự án khởi nghiệp của sinh viên; đẩy mạnh truyền thông hoạt động của Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố và nền tảng H.OIP (nền tảng trực tuyến thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo TP.HCM); kết nối các vườn ươm, cơ sở ươm tạo hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp; kết nối các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ ươm tạo ở các trường đại học; hướng dẫn chi tiết để doanh nghiệp, startup có thể tiếp cận các chính sách ưu đãi theo nội dung Nghị quyết số 98/2023/QH15 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM,…
Lam Vân (CESTI)