TP.HCM sẵn sàng triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho 200 doanh nghiệp
06-07-2022Doanh nghiệp sẽ có điều kiện ứng dụng công nghệ đo lường tiên tiến, đổi mới trang thiết bị, công cụ để thực hiện các quy trình đo lường mới, phục vụ định hướng phát triển trong sản xuất - kinh doanh, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật và quản lý về đo lường cho nhân viên.
Ngày 1/7/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội nghị tuyên truyền Kế hoạch “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) khẳng định việc tổ chức tuyên truyền để doanh nghiệp biết Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (viết tắt là Đề án 996) là rất cần thiết. Qua đó, doanh nghiệp có thể trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật đo lường, nhận tư vấn và hỗ trợ từ Chương trình đảm bảo đo lường. Từ đó, doanh nghiệp dễ tìm kiếm giải pháp nâng cao năng suất chất lượng cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Mục tiêu của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM là góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới đo lường trong trong doanh nghiệp để đảm bảo đến năm 2025 có 50.000 doanh nghiệp và đến năm 2030 có 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động đổi mới đo lường. Riêng trong năm 2022, bên cạnh công tác truyền thông về vai trò của đo lường trong đời sống xã hội và trong công nghiệp, Sở dự kiến sẽ triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho 200 doanh nghiệp. Đồng thời, Sở cũng bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho trên 240 lượt cán bộ tham gia hoạt động đo lường.
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ (bên phải) và bà Võ Đình Liên Ngọc giải đáp thông tin về Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp
Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM giao Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM thực hiện 04 nhiệm vụ gồm: Phát triển hạ tầng đo lường của Thành phố; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường; Hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa; Truyền thông về hoạt động đo lường.
Trong các nhiệm vụ trên, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM sẽ tổ chức tư vấn, huấn luyện doanh nghiệp triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong đó, đảm bảo đo lường là tập hợp các nhiệm vụ, giải pháp và nguồn lực thực hiện tăng cường, đổi mới kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường, thiết bị thử nghiệm, kiểm tra; phương pháp đo, thử nghiệm, kiểm tra; lượng của hàng đóng gói sẵn nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai đo lường tại doanh nghiệp, ông Hồ Hữu Thái (Giám đốc Phòng thử nghiệm Công ty Cổ phần Điện Quang) cho biết Điện Quang đầu tư nhiều trang thiết bị đo lường, thử nghiệm hiện đại hướng đến kiểm soát chất lượng sản phẩm theo nhu cầu thực tế phát sinh. Điển hình là phòng tối Goniophotometer System dùng để đo biểu đồ phân bố cường độ sáng của đèn, hệ thống kiểm tra tuổi thọ đèn LED, hệ thống kiểm tra thông số chip LED… Công tác đo lường và hiệu chuẩn, Điện Quang có thể kiểm tra chất lượng nguồn hàng nhập vào, sẵn sàng đối chiếu kết quả với các phòng thử nghiệm độc lập để đảm bảo chất lượng hàng đạt đúng yêu cầu phục vụ sản xuất. Tuy vậy, thực tế còn nhiều phép thử mà Điện Quang chưa thể tiến hành, phải mời chuyên gia nước ngoài với mức chi phí rất cao (do trong nước chưa có nhiều phòng thử nghiệm công nghệ cao), hoặc giá thành thử nghiệm còn cao hơn việc mua thiết bị mới. Do đó, ông Hồ Hữu Thái rất hào hứng với Chương trình đảm bảo đo lường, đồng thời kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tạo dựng sự liên kết giữa các đơn vị, doanh nghiệp khi triển khai Chương trình để có mức giá thành thử nghiệm đo lường hợp lý hơn.
Ông Hồ Hữu Thái nêu góp ý về Chương trình đảm bảo đo lường
Theo ông Nguyễn Văn Khá (Tổng Công ty Điện lực TP.HCM – EVN HCMC), EVN HCMC đang chủ động sử dụng thiết bị kiểm định di động, công tơ điện tử kết hợp hệ thống thu thập dữ liệu tự động tập trung từ xa (công tơ đo xa) để kiểm tra định kỳ các công tơ điện nhằm giải quyết kịp thời các yêu cầu của khách hàng về kiểm tra, kiểm chứng công tơ điện. Về định hướng nâng cao năng lực đảm bảo đo lường khi tham gia Chương trình đảm bảo đo lường, EVN HCMC mong muốn nhận được sự hỗ trợ từng bước hiện đại hóa khâu quản lý kiểm định để đáp ứng kịp thời các yêu cầu về nghi ngờ độ chính xác của thiết bị đo. Đồng thời, phát triển hệ thống đo đếm thông minh để đảm bảo cho khách hàng có thêm những tiện ích hữu dụng.
Giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp tham gia Hội nghị, bà Võ Đình Liên Ngọc (Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) thông tin rằng doanh nghiệp sẽ cần xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, kinh phí thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường đủ tính khả thi, tính hiệu quả, phù hợp với thực tế của doanh nghiệp, đáp ứng định hướng phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh theo từng năm, từng giai đoạn.
Cụ thể, thời gian thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp được xác định cho một giai đoạn (ít nhất là 01 năm) để bảo đảm thực hiện được mục tiêu của Chương trình. Doanh nghiệp sẽ có điều kiện ứng dụng công nghệ đo lường tiên tiến, đổi mới trang thiết bị, công cụ để thực hiện các quy trình đo lường mới, phục vụ định hướng phát triển trong sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó là những hoạt động bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật và quản lý về đo lường cho nhân viên làm việc tại doanh nghiệp.
Tùy thuộc vào thực tế và nhu cầu phát triển sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp lựa chọn mục tiêu cụ thể để xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường, chẳng hạn như: (1) Chỉ tiêu định lượng về tiết kiệm nguyên vật liệu, nhiên liệu, nhân công, giảm thất thoát, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ; (2) Mức độ tăng cường kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo, thử nghiệm, kiểm tra; phương pháp đo, thử nghiệm, kiểm tra; lượng của hàng đóng gói sẵn; kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; (3) Mức độ tăng cường kiểm soát phát thải ra môi trường; bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; (4) Mức độ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm, hàng hóa toàn cầu.
Khi tham gia Chương trình đảm bảo đo lường, doanh nghiệp có thể tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trong nước hoặc nước ngoài trong hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ về đo lường tiên tiến. Hoặc là, triển khai hợp tác, liên kết khai thác, sử dụng các phương tiện đo, chuẩn đo lường, thiết bị thử nghiệm, các trang thiết bị, công cụ khác theo quy định để thực hiện nhiệm vụ của Chương trình.
Được biết, thông qua triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định – văn bản của pháp luật về đo lường.
Hoàng Kim (CESTI)