TP.HCM sẽ xây dựng hệ sinh thái Trí tuệ nhân tạo
25-09-2019Hệ sinh thái này sẽ tham gia vào hệ sinh thái Trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu.
Chiều nay (25/9), Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - Khuyến cáo cho Thành phố Hồ Chí Minh” do UBND TP.HCM phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức đã kết thúc sau một ngày làm việc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu kết luận hội thảo.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá cao việc tổ chức hội thảo với lượng khách mời là đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện nhân cho biết, những nước phát triển đã khởi động chương trình này từ khoảng 10 năm trước đây và mức đầu tư cho AI rất lớn. Thành phố tuy không thể đầu tư lớn như các nước phát triển nhưng lại có nhiều chuyên gia về khoa học kỹ thuật giỏi, lượng nhân lực chất lượng cao dồi dào, số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước và hơn 10 triệu dân… nên Thành phố sẽ làm được việc ứng dụng AI vào cuộc sống và sản xuất. Trước mắt, từ nay đến cuối năm Thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo về trí tuệ nhân tạo (nằm trong Ban Chỉ đạo về đô thị thông minh). Nếu Thành phố làm tốt việc ứng dụng và phát triển AI sẽ đóng góp quan trọng vào chương trình trí tuệ nhân tạo của quốc gia.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, để đạt được mục tiêu đề ra, Thành phố cần phải xây dựng mô hình hệ sinh thái cho AI, trong đó có đào tạo nhân lực, mạng AI mở cho mọi người cùng học. Hệ sinh thái này sẽ tham gia vào hệ sinh thái AI toàn cầu, cùng hợp tác nghiên cứu về AI với các nước trên thế giới để từ đó phát huy hệ sinh thái AI của Việt Nam và tiếp thu để phát triển, đóng góp vào hệ sinh thái AI toàn cầu.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Bên cạnh đó, Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh đề án xây dựng đô thị thông minh của thành phố, trong đó áp dụng AI vào các cấu phần; phải có đề án số hóa tài nguyên của thành phố và cần làm nhanh, làm ngay công việc này, không chờ đợi các cấu phần khác. Ngoài ra, Thành phố cần cụ thể hóa việc đào tạo nhân lực về AI, trong đó các trường đại học phải xây dựng đại học chia sẻ, đào tạo cho các cấp học từ đại học, đến việc bổ túc và phổ cập kiến thức cho các cán bộ về AI để có thể triển khai các chính sách về AI tốt. Các chương trình đào tạo về AI cần thiết kế mở để học viên có thể tự học, tự cập nhật các kiến thức.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cần xây dựng hệ tri thức người Việt thành hệ tri thức khai thác tốt nhất cho người Việt Nam. Từ thực tiễn, một số vấn đề Thành phố đang đối mặt, Bí thư Thành ủy cho rằng cần kêu gọi các doanh nghiệp tham gia: xây dựng hệ thống cảm biến dự báo nhanh về tình hình ngập nước, việc điều tiết phải thông minh; về giao thông tiếp tục đẩy mạnh điều tiết thông minh gắn với dự báo. Bên cạnh đó, Thành phố phải cùng cả nước hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm AI để tạo động lực cho các đơn vị sáng tạo.
Bí thư Thành ủy cũng đề nghị phải xây dựng Trung tâm nghiên cứu AI của thành phố. Ngoài cơ sở có sẵn ở các trường đại học, thành phố có thể đặt hàng, lựa chọn doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm về AI cùng làm.
Sau khi kết thúc hội thảo, ngày mai (26/9), Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức lớp tập huấn giới thiệu, cập nhật, bổ sung thông tin, kiến thức, nâng cao nhận thức về AI cũng như khả năng ứng dụng AI trong nghiên cứu, quản lý và sản xuất.
Thành phần tham dự tập huấn là lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các quận - huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông, các trường, viện nghiên cứu.
Tại Hội thảo, ông Ousmane Dione Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã nêu kiến nghị ba yếu tố chính để đảm bảo thành công của việc ứng dụng AI tại TP.HCM gồm: Thứ nhất, cần đặt kỳ vọng một cách rõ ràng và thực tế về các lĩnh vực và cách thức áp dụng AI cho TP; Thứ hai, phải đảm bảo môi trường thuận lợi cho AI thành công trên thực tế, đặc biệt liên quan đến vấn đề truy cập và tích hợp dữ liệu cần thiết để giải quyết các thách thức của thành phố; Cuối cùng, cần đảm bảo hiểu và quản lý mọi rủi ro chính liên quan đến AI. |