SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM tập huấn hỗ trợ nâng cao năng suất cho doanh nghiệp

27-11-2024
Trong hai ngày 26-27/11, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức lớp tập huấn "Các giải pháp nâng cao toàn diện về năng suất cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố".

Đây là một trong 4 lớp tập huấn về năng suất và chất lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của TP.HCM năm 2024 nhằm tuyên truyền, phổ biến và chia sẻ kinh nghiệm cũng như cung cấp kiến thức về các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, chuyển đổi số, các mô hình, công cụ cải tiến năng suất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn Thành phố.

Tại lớp tập huấn, PGS.TS. Phạm Ngọc Tuấn (chuyên gia về năng suất chất lượng) trao đổi và làm rõ các nội dung liên quan đến khái niệm, định nghĩa về năng suất, các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất; tầm quan trọng của năng suất; năng suất và những yếu tố liên quan; tác động của các công nghệ 4.0 đến năng suất và chất lượng; các giải pháp nâng cao năng suất;…

Theo đó, năng suất không còn là một khái niệm mới mẻ, hiện nay, ba hình thức năng suất khác nhau đã được hầu hết các nhà nghiên cứu và thực hành năng suất chấp nhận rộng rãi, bao gồm: năng suất tổng hợp là "tỷ lệ giữa tổng sản lượng với tất cả các yếu tố đầu vào"; năng suất nhân tố tổng hợp là "tỷ lệ giữa tổng sản lượng trên tổng số lao động liên quan và các yếu tố đầu vào khác"; năng suất một phần là "tỷ lệ giữa tổng sản lượng đầu ra với một loại đầu vào".

10HDKHLVtaphuanNSCLdoanhnghieph2ok.jpg

Lớp tập huấn "Các giải pháp nâng cao toàn diện về năng suất cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố" do Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức từ ngày 26-27/11  

Phân tích một số định nghĩa về năng suất cho thấy, năng suất là mối quan hệ giữa số lượng đầu ra (hàng hóa và dịch vụ được sản xuất) và số lượng đầu vào (bao gồm các nguồn lực như lao động, vật liệu, máy móc và năng lượng) được sử dụng trong sản xuất. Trong định nghĩa "năng suất = hiệu quả x hiệu suất x hiệu năng": hiệu quả là tỷ lệ giữa kết quả đạt được và tổng số nguồn lực đã sử dụng để đạt được kết quả đó; hiệu suất là tỷ lệ giữa thời gian và nguồn lực đã sử dụng để hoàn thành công việc; hiệu năng là tỷ lệ giữa khả năng hoạt động thực tế của hệ thống và khả năng hoạt động trong điều kiện tối ưu nhất.

Qua phân tích một số khái niệm, định nghĩa, thuật ngữ, và ý kiến về năng suất của một số chuyên gia và tổ chức, ông Tuấn lưu ý, năng suất theo cách tiếp cận mới một cách chung nhất và cơ bản nhất hiện nay nhấn mạnh vào việc giảm lãng phí trong mọi hình thức (giảm lãng phí chứ không phải là giảm đầu vào); năng suất là làm việc thông minh hơn chứ không phải vất vả hơn. Tăng năng suất đồng nghĩa với sự đổi mới, sáng tạo và cải tiến liên tục. Trong thực tế, những cải tiến được tạo ra từ những thay đổi trong thiết kế, sản xuất, giao hàng,… Đây là những thay đổi cần phải có do ảnh hưởng của các yếu tố như công nghệ, quản lý, yêu cầu về sản phẩm và phương pháp làm việc.

10HDKHLVtaphuanNSCLdoanhnghieph4.jpg

PGS.TS. Phạm Ngọc Tuấn (chuyên gia về năng suất chất lượng) là báo cáo viên chính của chương trình 

Đạt được năng suất cao hơn là một trong những mục tiêu chính của bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh nào. Điều này mang lại những lợi ích thiết thực như chi phí sản xuất giảm; tăng lợi thế cạnh tranh; tăng khối lượng bán hàng; lợi nhuận tăng; sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn; sự hài lòng của khách hàng được cải thiện;… Để tăng năng suất và chất lượng cho doanh nghiệo, hàng loạt nội dung về các giải pháp và công cụ đã được đề cập và trao đổi tại lớp tập huấn. Cụ thể như bảy công cụ kiểm soát chất lượng; sản xuất tinh gọn; sáu Sigma; Kaizen; 5S; KPI; một số công cụ đổi mới; phương pháp giải quyết vấn đề sáng tạo; lý thuyết giải quyết các bài toán sáng chế; công thái học trong cải tiến sản phẩm, hệ thống và môi trường làm việc; quản lý dự án; quản lý và cải tiến quy trình; siêu tập trung; trí tuệ nhân tạo; tư duy thiết kế; trí tuệ cảm xúc;...

Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những công nghệ 4.0 có thể cung cấp cho doanh nghiệp những công cụ cần thiết để tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm lãng phí và tăng hiệu quả; tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và nâng cao tính linh hoạt, cải thiện tính minh bạch của chuỗi cung ứng. Bằng cách cung cấp thông tin chi tiết và đề xuất dựa trên phân tích dữ liệu thời gian thực, AI có thể giúp doanh nghiệp cải thiện quá trình ra quyết định, xác định các lĩnh vực cần cải thiện và thực hiện các điều chỉnh để tối ưu hóa quy trình; phát hiện các lỗi trong thời gian thực và thực hiện các điều chỉnh để cải thiện chất lượng sản phẩm. AI cũng có thể được sử dụng để tạo ra những ý tưởng và đổi mới (tạo ra các thiết kế mới hoặc tối ưu hóa các thiết kế hiện có), giúp các sản phẩm và quy trình được cải tiến.

Theo thông tin từ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, các lớp tập huấn được tổ chức miễn phí dành cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh và tổ chức thử nghiệm hoạt động trên địa bàn Thành phố. Trước đó, 2 lớp tập huấn đã diễn ra là Đánh giá hiệu quả công việc (KPI) và chuyển đổi số (ngày 12-13/11) và Tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025:2017 (ISO/IEC 17025:2017) cho các tổ chức thử nghiệm trên địa bàn Thành phố (ngày 19-20/11). Sắp tới, lớp tập huấn về "Năng suất xanh và kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố" được tổ chức từ ngày 03-04/12.

Lam Vân (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378