TP.HCM tập huấn tiêu chuẩn quốc gia truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
27-07-2023Tiêu chuẩn TCVN 13274:2020 hướng dẫn định dạng các mã dùng cho truy vết và TCVN 13275:2020 hướng dẫn định dạng vật mang dữ liệu, ứng dụng trong truy xuất nguốn gốc (TXNG) sản phẩm, hàng hóa.
Trong hai ngày 27&28/7/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức lớp tập huấn, phổ biến, hướng dẫn về các quy định, tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến TXNG sản phẩm, hàng hóa.
Theo bà Võ Đình Liên Ngọc (Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Sở KH&CN TP.HCM), lớp tập huấn này nằm trong kế hoạch năm 2023 của Sở KH&CN nhằm thực hiện theo Quyết định số 1659/QĐ-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Ủy ban Nhân dân TP.HCM về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TP.HCM năm 2023. Trong khuôn khổ lớp tập huấn, các báo cáo viên của Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia sẽ giới thiệu, phổ biến các tiêu chuẩn quốc gia về định dạng các mã dùng cho truy vết (TCVN 13274:2020) và tiêu chuẩn quốc gia về định dạng vật mang dữ liệu (TCVN 13275:2020). Đây là 2 nội dung quan trọng giúp các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nắm bắt các thông tin, quy định liên quan để có định hướng phù hợp và triển khai áp dụng hệ thống TXNG được tốt hơn.
Bà Võ Đình Liên Ngọc (Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Sở KH&CN TP.HCM) phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Bà Ngọc cho biết, thực hiện Quyết định 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triến khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030 tại Quyết định số 1039/QĐ-UBND. Thành phố giao Sở KH&CN là cơ quan thường trực chủ trì phối hợp với các sở ban ngành triển khai thực hiện kế hoạch. UBND Thành phố cũng đã ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai TXNG trên địa bàn TP.HCM theo Quyết định 1383/QĐ-UBND. Thực hiện quyết định này, TP.HCM đã và đang triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia về TXNG đối với 3 nhóm sản phẩm thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm. Trong năm 2022, Sở KH&CN TP.HCM cũng đã tổ chức các lớp tập huấn phổ biến, hướng dẫn cụ thể về các tiêu chuẩn TCVN 12850:2019 (yêu cầu chung đối với hệ thống TXNG), TCVN 12827:2019 (yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi), TCVN 13166-1:2020 (yêu cầu đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm),... Thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng ra các nhóm sản phẩm khác như rau củ quả tươi (bao gồm sản phẩm xoài cát), động vật giáp xác, tôm, thủy sản, tổ yến,...
Tại lớp tập huấn, các báo cáo viên của Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia đã trình bày các nội dung tổng quan TXNG ứng dụng mô hình TXNG theo tiêu chuẩn TCVN; tổng quan về tiêu chuẩn quốc gia TCVN mã số mã vạch và TXNG; giới thiệu cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hóa quốc gia; giới thiệu và hướng dẫn áp dụng TCVN 13274:2020, TCVN 13275:2020.
Ông Hoàng Quốc Việt (Báo cáo viên của Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia) trình bày tại lớp tập huấn
Theo đó, TCVN 13274 hướng dẫn định dạng các mã dùng trong truy vết hệ thống TXNG và TCVN 13275 định dạng vật mang dữ liệu để mã hóa các mã truy vết do Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/GS1 Mà số mã vạch và TXNG biên soạn. Tiêu chuẩn TCVN 13274 đưa ra các yêu cầu đối với mã truy vết vật phẩm (dãy số hoặc số và chữ được dùng để định danh vật phẩm ở các công đoạn sản xuất, kinh doanh trong quá trình TXNG); mã truy vết vận chuyển (dãy số hoặc số và chữ được dùng để định danh các đơn vị logistic ở các công đoạn sản xuất, kinh doanh trong quá trình TXNG); mã truy vết địa điểm (dùng để định danh địa điểm diễn ra sự kiện ở các công đoạn sản xuất, kinh doanh trong quá trình TXNG); mã truy vết tài sản (dùng để định danh tài sản ở các công đoạn sản xuất, kinh doanh trong quá trình TXNG).
Lớp tập huấn dành cho đối tượng học viên đến từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, sở, ban, ngành, UBND quận/huyện trên đia bàn TP.HCM
Tiêu chuẩn TCVN 13275 quy định về định dạng vật mang dữ liệu để mã hóa các mã truy vết được sử dụng trên các dạng bao gói và hộp/vật đựng đặc thù của sản phẩm, hàng hóa trong chuỗi TXNG. Tiêu chuẩn này đưa ra định nghĩa “định dạng” là cách thức bố trí, kiểu dáng của các thành phần; “vật mang dữ liệu” là thiết bị hoặc phương tiện được dùng để lưu trữ dữ liệu theo dạng cơ chế chuyển tiếp trong hệ thống AIDC (kỹ thuật thu thập và định danh tự động). Đồng thời đưa ra các yêu cầu chung về mã vạch một chiều (mã vạch EAN/UPC, mã vạch ITF, mã vạch GS1 128/Code 128,…) và mã vạch hai chiều (mã QR Code, mã Datamatrix).
Hiện nay Bộ KH&CN đã công bố 23 tiêu chuẩn quốc gia về TXNG, trong năm 2023 sẽ công bố thêm 10 tiêu chuẩn, nâng tổng số lên 33 tiêu chuẩn quốc gia về TXNG. Đồng thời, Bộ cũng đang vận hành thử nghiệm cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hóa quốc gia, dự kiến cuối năm 2023 sẽ đưa vào vận hành chính thức. Đây là những điều kiện thuận lợi, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp triển khai hệ thống TXNG áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia để đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin TXNG của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường; đảm bảo chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa, tăng cường tính giám sát, góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Lam Vân (CESTI)