SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM tập huấn về đăng ký bảo hộ và quản lý tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm thuộc chương trình OCOP

30-05-2024
Ngày 30/5, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội nghị tập huấn "Đăng ký bảo hộ, quản lý tài sản trí tuệ, truy xuất nguồn gốc và ghi nhãn hàng hóa đối với các sản phẩm thuộc chương trình OCOP".

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung (Phó Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), chương trình OCOP hiện nay đang tạo ra sân chơi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản phầm lợi thế vùng miền. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang nỗ lực hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP. Thông qua chương trình tập huấn này, Sở mong muốn cung cấp nhiều thông tin bổ ích, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã về cách thức đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như các hoạt động liên quan truy xuất nguồn gốc, ghi nhãn hàng hóa và định lượng hàng đóng gói sẵn đối với các sản phẩm đặc trưng, góp phần tạo lợi thế để đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

03HDKHLVtaphuanspOCOPh2.jpg

Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung (Phó Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại chương trình tập huấn

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Ba (Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam) đã trình bày báo cáo về "Vai trò của sở hữu trí tuệ trong phát triển sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc thù địa phương". Bên cạnh đó, bà Võ Đình Liên Ngọc (Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cũng giới thiệu, phổ biến các quy định về nhãn hàng hóa, quy định đo lường đối với hàng đóng gói sẵn; bà Lý Cún Mùi (Phòng Quản lý Tiêu chuẩn và TBT, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM) trình bày hướng dẫn các quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa (theo Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN ngày 18/3/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ).

03HDKHLVtaphuanspOCOPh3.jpg

Bà Võ Đình Liên Ngọc (Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) giới thiệu, phổ biến các quy định về nhãn hàng hóa, quy định đo lường đối với hàng đóng gói sẵn

Ông Nguyễn Văn Ba cho biết, chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương,…) và gia tăng giá trị. Mục tiêu của chương trình là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Sản phẩm tham gia chương trình OCOP có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương, thuộc các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, thuốc dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh, dịch vụ du lịch,...

03HDKHLVtaphuanspOCOPh4.jpg

Ông Nguyễn Văn Ba (Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam) trình bày nội dung chính của chương trình

Tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Theo đó, một trong những điều kiện bắt buộc đối với sản phẩm đề nghị xét, công nhận 4 sao trở lên là phải có nhãn hiệu được đăng ký, sản phẩm gắn với cộng đồng địa phương được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và dấu hiệu bảo hộ nguồn gốc địa lý phải được sử dụng trên thực tế. Tính đến tháng 5/2024, có 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, với 12.758 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong đó, TP.HCM có 107 sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP 3 sao và 36 sản phẩm 4 sao.

Chia sẻ kinh nghiệm về sở hữu trí tuệ trong phát triển sản phẩm OCOP, ông Ba lưu ý một số chỉ tiêu, tiêu chí trong đánh giá sản phẩm OCOP như giá trị văn hóa và lợi thế của địa phương, yêu cầu về sở hữu trí tuệ,… Trong đó, vai trò của sở hữu trí tuệ trong phát triển sản phẩm OCOP thể hiện qua việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm (câu chuyện sản phẩm); kiểu dáng, sáng chế (bao bì, phát triển sản phẩm mới); bảo hộ nhãn hiệu, tên thương mại (thương hiệu của chủ thể); chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận (thương hiệu, quản trị cộng đồng). Bảo hộ sở hữu trí tuệ là công cụ hữu hiệu để quảng bá và lưu thông hàng hóa trên thị trường, đảm bảo một môi trường cạnh tranh lành mạnh; là công cụ hữu hiệu trong công tác chống hàng giả, hàng nhái nhằm bảo vệ người tiêu dùng và các nhà sản xuất,... Đơn cử với phát triển sản phẩm OCOP, việc gắn câu chuyện vào từng sản phẩm là một cách thức marketing hết sức hiệu quả, nhất là đối với các sản phẩm của làng nghề. Một sản phẩm được gắn với một câu chuyện (được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ) sẽ tạo được ấn tượng tốt, để lại ghi nhớ trong tâm thức người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

03HDKHLVtaphuanspOCOPh5.jpg

Phần trao đổi, thảo luận, giải đáp thắc mắc tại chương trình tập huấn

Theo bà Võ Đình Liên Ngọc, việc xây dựng, bảo hộ, quản lý tài sản trí tuệ đối với sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương ngày càng được quan tâm và đã trở thành định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh, giá trị của các đặc sản, sản phẩm đặc trưng địa phương, góp phần phát triển quy mô sản xuất, thị trường trên cơ sở lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa địa phương. Tại TP.HCM, UBND Thành phố đã giao Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện theo Quyết định 1039 về Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2030, nội dung truy xuất nguồn gốc cũng là một phần trong quá trình đăng ký sản phẩm OCOP. Do đó, từ năm 2022 đến nay, Sở đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu, quan tâm các nội dung này có thể liên hệ với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) để tiếp tục được hỗ trợ.

03HDKHLVtaphuanspOCOPh6.jpg

03HDKHLVtaphuanspOCOPh7ok.jpg

Diễm Hương - Lam Vân (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378