TP.HCM tiếp tục khuyến khích sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp
11-07-2024Chiều 11/7, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng Vụ Chính sách - Tổng cục Thuế và Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp - Động lực thúc đẩy đầu tư cho khoa học và công nghệ”.
Toàn cảnh Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) nhận định, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, việc đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho khoa học và công nghệ (KH&CN) trở thành một trong những yếu tố then chốt để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua Hội nghị “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp - Động lực thúc đẩy đầu tư cho khoa học và công nghệ” lần này, Sở mong muốn nhận được nhiều trao đổi, ý kiến đóng góp từ cấp lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, hoàn thiện về quy định quản lý, cải thiện việc triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu nhằm phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu KH&CN.
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu khai mạc Hội nghị.
Theo ông Phan Quốc Tuấn (Phó Trưởng phòng - Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), việc tăng cường tư vấn, khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ là một trong những chính sách đang được Chính phủ quan tâm, nhằm mục đích khích lệ cộng đồng doanh nghiệp tham gia đầu tư, nghiên cứu, cải tiến quy trình, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tại TP.HCM, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được thành lập với mục tiêu: thông qua nguồn tài chính thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển, giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất; hỗ trợ đầu tư vào các dự án khởi nghiệp sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra các giá trị mới cho thị trường; hỗ trợ việc đào tạo, phát triển nhân lực chuyên môn, giúp nâng cao trình độ và kỹ năng của người lao động; cải thiện hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Ông Phan Quốc Tuấn (Phó Trưởng phòng - Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ) trình bày báo cáo tại Hội nghị.
Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được sử dụng chi cho những nội dung: trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động KH&CN của doanh nghiệp, mua quyền sử dụng, quyền sở hữu công nghệ, kiến thức kỹ thuật về công nghệ, mua máy móc, thiết bị để đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh, trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức KH&CN trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động KH&CN của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Quỹ được chi cho hoạt động sáng kiến, chi vào việc thực hiện hoạt động chuyển giao, thực hiện nhiệm vụ, đào tạo nhân lực KH&CN của doanh nghiệp; hoạt động hợp tác về KH&CN, đánh giá, thử nghiệm, giám định, kiểm định, quảng bá, thương mại hóa sản phẩm mới, công nghệ mới, chi tài trợ, hỗ trợ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Ông Tuấn cho biết, hiện có khoảng 127 doanh nghiệp đã thành lập Quỹ với tổng số tiền trích Quỹ hơn 6.020 tỷ đồng, số tiền chi sử dụng Quỹ hơn 2.108 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 21 doanh nghiệp điều chuyển về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Thành phố với tổng số tiền 93,5 tỷ đồng. Những số liệu này cho thấy, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ chưa phát huy được tối đa tiềm năng và lợi ích cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Ðây cũng là rào cản lớn cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu tham dự đã trao đổi một số vấn đề như: cụ thể hóa những nội dung chi cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; làm rõ điểm khác nhau giữa Thông tư 05/2022/TT-BKHCN ngày 31 tháng 5 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư 67/2022/TTLT-BTC ngày 07/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; hướng dẫn trường hợp doanh nghiệp Nhà nước sử dụng Quỹ để đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hướng dẫn cách xác định phần giá trị còn lại của tài sản và thành phần hồ sơ khi chuyển giao; quy chế KH&CN, quy chế chi tiêu; trình tự và thủ tục chi của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ địa phương khi có yêu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, phân tích những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn thành lập Quỹ. Nhiều ý kiến cho rằng, một phần do việc chưa nắm được thủ tục thanh quyết toán tài chính khi sử dụng Quỹ, phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, thiếu liên kết giữa các bên liên quan, hạn chế trong việc đánh giá và giám sát sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp dẫn đến việc chưa phát huy được tối đa tiềm năng và lợi ích mà Quỹ mang lại.
Bà Mạnh Thị Tuyết Mai (Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế) trình bày nội dung Thông tư 67/2022/TTLT-BTC ngày 07/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về “Hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp”.
Ðể khai thông nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN, một số ý kiến cho rằng cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp sao cho phù hợp với quy định hiện hành cũng như thực tế hoạt động của doanh nghiệp; ban hành sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ kế toán, quản lý tài chính doanh nghiệp, thuế có liên quan đến Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp; Nhà nước cần sớm ban hành các quy định xác lập cơ chế quản lý đối với hoạt động của Quỹ, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Nam Hải (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ) giải đáp thắc mắc của các đại biểu trong phiên thảo luận tại Hội nghị.
Được biết, thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ công tác quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực KH&CN. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý, tháo gỡ vướng mắc để có thể vận hành các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp một cách hiệu quả, thu hút và tiếp nhận được nguồn kinh phí cả từ trong và ngoài ngân sách Nhà nước, vừa đáp ứng được đặc thù của hoạt động triển khai nghiên cứu KH&CN, vừa đảm bảo hiệu quả tài trợ, hỗ trợ. Từ đó, tạo tiền đề để Sở tham mưu cho Ban cán sự Đảng của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như Thành ủy TP.HCM trong việc xây dựng đề án thí điểm Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại TP.HCM, dự kiến trình thông qua vào quý 4 năm nay.
Minh Nhã (CESTI)