SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM tìm kiếm ý tưởng đổi mới sáng tạo phát triển nhà ở xã hội

29-04-2022

Đây là hoạt động rất thiết thực nhằm thực hiện chương trình xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người lao động có thu nhập thấp ở Thành phố.

Ngày 28/4/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng Sở Xây dựng tổ chức buổi tọa đàm “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM”. Ban tổ chức mong muốn Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản khai thác các yếu tố về khoa học và công nghệ; tìm những ý tưởng mới, những hướng đi mới giàu tính đổi mới sáng tạo để phục vụ cho hoạt động tạo phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM. Qua đó, có thể góp phần thúc đẩy thay đổi công nghệ xây dựng, cả về kiến trúc lẫn nội thất, nhằm kéo giảm chi phí trong điều kiện vẫn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người lao động.

220428hk1.jpg

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại buổi tọa đàm

Ba lần thất bại vì vật liệu mới

Đó là chia sẻ của ông Lê Hữu Nghĩa (Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành) về những lần thử nghiệm vật liệu nhẹ trong thi công công trình nhà ở nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm giá thành. Theo ông Lê Hữu Nghĩa, tuy vật liệu mới có ưu điểm vượt trội là rút ngắn thời gian thi công, nhưng những “bất ngờ” mà chúng mang đến thì rất tốn kém. Do đó việc ứng dụng trong thực tế xây dựng nhà ở xã hội về cơ bản vẫn khó khả thi.

Thực tế là khi doanh nghiệp đầu tư ứng dụng vật liệu nhẹ (giá đầu vào cao hơn vật liệu thông thường), họ rất kỳ vọng vào việc giảm chi phí đầu tư cho nền, móng, cột… Nhưng do chưa có tiêu chuẩn – thông số đo lường chính thức áp dụng cho vật liệu mới, nên các đơn vị thẩm tra thiết kế đều không chấp nhận, vẫn buộc phải xây dựng theo tiêu chuẩn vật liệu thông thường. Tiếp đó, khi thi công nội thất, việc khoan cắt vật liệu mới cũng phức tạp hơn vật liệu cũ, không đồng bộ, làm đội lên rất nhiều chi phí nhân công cũng như vật tư phụ trợ.

Tuy khó khăn là vậy, ông Lê Hữu Nghĩa vẫn hứa sẽ xem xét sử dụng vật liệu mới ở những khâu, công đoạn xây dựng nếu có thể, để phối hợp hài hòa chi phí và tiến độ thi công.

Cần nhiều hơn nữa sự đóng góp của khoa học và công nghệ

Nhận xét về việc ứng dụng công nghệ mới trong phát triển nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM) cho rằng muốn giảm giá thành thì cần nguồn vật liệu mới, điển hình như bê tông nhẹ, các panel vách lắp ghép dạng khổ lớn với chi phí sản xuất thấp dựa trên nguồn nguyên liệu mới.

Với “bài học đầy nước mắt” từ Công ty Lê Thành nêu trên, ông Lê Hoàng Châu đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Sở Xây dựng quan tâm hơn đến việc phát triển, nghiên cứu các nguồn vật liệu mới, đồng thời có các kiến nghị cần thiết với Bộ Xây dựng (cụ thể là Vụ Khoa học - Công nghệ) về các tiêu chuẩn của vật liệu mới. Chẳng hạn như câu chuyện của gạch không nung được quy định "buộc phải sử dụng trong xây dựng nhà ở xã hội", bởi gạch không nung về cơ bản có kích thước và trọng lượng lớn, dẫn đến câu chuyện năng suất lao động của công nhân giảm, trong khi đó chi phí đầu tư cho phần móng cũng tương ứng cao lên. Hay câu chuyện về tiêu chuẩn và ứng dụng cát nhân tạo, đất nhân tạo… vẫn là những chương, hồi dài kỳ nhiều tập chưa có lời kết.

220428hk2.jpg

Ông Lê Hoàng Châu đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Sở Xây dựng

Góp ý tại buổi tọa đàm, ông Khương Văn Mười (Hội Kiến trúc sư TP.HCM) cho rằng, trong phát triển và xây dựng nhà ở xã hội, ngoài phần kiến trúc thì vật liệu cần phải được linh hoạt thay đổi, và khoa học - công nghệ chắc chắn sẽ phát huy ở chỗ này. "Tùy chiều cao mà loại vật liệu được điều chỉnh và chúng ta cần đưa vật liệu mới vào sử dụng ở các chỗ này để phù hợp với sức khỏe người sử dụng, mục đích sử dụng phù hợp với công năng của công trình", ông Khương Văn Mười nhấn mạnh.

Tại tọa đàm, đồng chí Huỳnh Thanh Khiết (Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) bày tỏ quan điểm, trước mắt rất cần các nhà khoa học góp sức hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chuẩn, quy chuẩn về kiến trúc, kết cấu; định mức (diện tích) đối với nhà ở xã hội.

Dịp này, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng Sở Xây dựng cũng chính thức đặt hàng đến các nhà khoa học, doanh nghiệp và startup công nghệ về những ý tưởng đổi mới sáng tạo tập trung vào tiêu chí giá thành, vật liệu mới và quy trình xây dựng phát triển nhà ở xã hội.

Hoàng Kim (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378