SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM tìm lời giải cho bài toán huy động nguồn lực xã hội vào khoa học công nghệ

20-05-2025
TP.HCM đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành đô thị tri thức, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng phát triển. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Thành phố cần vượt qua những rào cản thể chế, tư duy cũ kỹ và huy động hiệu quả nguồn lực xã hội. Buổi làm việc giữa Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM với đoàn công tác của Đại sứ nước Cộng hòa Áo tại Việt Nam chiều ngày 19/5 được xem như bước khởi đầu cho hành trình kiến tạo hệ sinh thái nghiên cứu mở, nơi mọi chủ thể – từ Nhà nước, doanh nghiệp đến viện trường – cùng chung vai thúc đẩy tri thức đi vào đời sống.

1QUANGCANH.png

Quang cảnh buổi thảo luận chuyên đề “Thúc đẩy nghiên cứu phát triển và giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” tổ chức tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chiều ngày 19/5.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, ông Lê Thanh Minh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM – nhấn mạnh rằng trong bối cảnh Thành phố đang đẩy mạnh triển khai chiến lược phát triển khoa học công nghệ và nâng cao năng lực sáng tạo, việc tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm quốc tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là yêu cầu khách quan trong quá trình hội nhập và là động lực để TP.HCM nâng cao chất lượng chính sách, hiệu quả quản lý, tính thực tiễn trong triển khai các chương trình hành động.

Lãnh đạo Sở khẳng định TP.HCM luôn đánh giá cao vai trò của Cộng hòa Áo với tư cách là đối tác chiến lược trong hành trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thành phố. Với nền tảng hợp tác tích cực giữa hai bên, ông Lê Thanh Minh cho biết Sở sẽ đóng vai trò đầu mối trong việc thúc đẩy và điều phối các chương trình hợp tác cụ thể, nhằm kết nối hiệu quả hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của TP.HCM với các đối tác tại Áo. Những nỗ lực này được kỳ vọng sẽ mở ra các cơ hội hợp tác thực chất, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững của Thành phố trong giai đoạn tới.

2SEPMINH.png

Ông Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu tại sự kiện.

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Áo tại Việt Nam - ông Philipp Agathonos, Chính phủ Áo rất quan tâm, khuyến khích các cơ hội hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đại sứ cũng bày tỏ sự quan tâm và đánh giá cao hoạt động của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM trong vai trò hỗ trợ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chương trình nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ của Thành phố. 

Ông Philipp Agathonos chia sẻ, Cộng hòa Áo được xem như quốc gia đi đầu trong việc xây dựng mô hình thành phố thông minh, ứng dụng công nghệ để bảo tồn di sản văn hóa, phát triển du lịch, cải thiện dịch vụ công, tăng cường sự tham gia của người dân và tối ưu hóa tài nguyên đô thị. Ông Philipp Agathonos cho rằng, mục tiêu phát triển quốc gia không đơn giản là phát triển kinh tế mà còn gồm nhiều yếu tố đem lại sự tiện lợi cho cuộc sống như phát triển công nghệ đô thị thông minh, cân bằng giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường, tạo lập môi trường sống và làm việc tốt hơn cho người dân, khai thác dữ liệu công, số hóa dịch vụ công, tinh gọn khung pháp lý của chính quyền, tăng cường hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các nhà khoa học. 

Hơn hết, cần cân bằng và tìm được tiếng nói chung trong mối quan hệ “3 nhà”. Cụ thể, Nhà nước cần đóng vai trò “kiến trúc sư thể chế” - không chỉ tài trợ, mà còn định hình luật chơi minh bạch và hỗ trợ chia sẻ rủi ro, đặc biệt với các nghiên cứu ứng dụng có hàm lượng đổi mới cao. Việc thúc đẩy hợp tác ba bên này được xem là hướng đi căn cơ, từ đó tạo động lực thị trường cho các đề tài khoa học.

3AGATHONOS.png 
Ông Philipp Agathonos - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nước Cộng hòa Áo tại Việt Nam  (ngồi giữa) trao đổi tại sự kiện.

Không chỉ là bài toán nội tại của hệ thống KH&CN, vấn đề xã hội hóa nguồn lực cũng được nhìn nhận là yếu tố mang tính quyết định để mở rộng quy mô và tăng tính lan tỏa cho đổi mới sáng tạo. Quan điểm này được các chuyên gia đồng tình. Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần chuyển từ tư duy “quản lý” sang “kiến tạo” - tức là tạo ra khoảng không gian chính sách đủ rộng mở để thử nghiệm, chấp nhận rủi ro có kiểm soát, và sẵn sàng tiếp nhận những kết quả chưa hoàn hảo nhưng có tiềm năng đột phá.

Trên tinh thần trao đổi cởi mở, thiện chí, đại diện Viện Công nghệ Áo - AIT gợi mở về các mô hình hợp tác công - tư trong đầu tư cho KH&CN - một cấu trúc mà doanh nghiệp có quyền cùng tham gia đề xuất, đồng tài trợ và hưởng lợi từ các đề tài nghiên cứu. Trong đó, đáng chú ý là mô hình hoạt động 40:30:30 của AIT - phân bổ nguồn lực giữa nghiên cứu cơ bản, hợp tác công nghiệp và phát triển công nghệ - cho phép tổ chức cân bằng giữa nghiên cứu hàn lâm và nhu cầu thị trường. Điều kiện tiên quyết để huy động nguồn lực doanh nghiệp tư nhân vào KH&CN, theo chuyên gia là các yếu tố: minh bạch trong chính sách, linh hoạt trong quản trị rủi ro, và đảm bảo lợi ích thiết thực. Đại diện AIT khuyến nghị rằng, về phía đơn vị nghiên cứu - đại diện “cho bên cung” - cần tăng cường giao lưu quốc tế, xây dựng uy tín, chứng minh được năng lực trước “bên cầu”, cũng như cần có kế hoạch thương lượng và đưa ra tư vấn cụ thể về xử lý rủi ro giữa các bên.

4AIT.png

Đại diện Viện Công nghệ Áo trình bày về mô hình hoạt động 40:30:30 của AIT.

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM - cho biết, Hội đang triển khai mô hình hợp tác công - tư (PPP) hiệu quả, trong đó Hội đóng vai trò kết nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp để phát triển các hệ thống phục vụ quản lý Nhà nước và chuỗi cung ứng. Thay vì chỉ là đơn vị tham vấn, Hội trực tiếp tham gia khảo sát, thiết kế hệ thống, giám sát vận hành và đào tạo, với nguồn kinh phí được huy động từ doanh nghiệp thành viên. Các dự án do Hội thúc đẩy, như truy xuất nguồn gốc thực phẩm hay quản lý chất lượng sản phẩm, được vận hành miễn phí trong giai đoạn đầu, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách công và tạo điều kiện thử nghiệm công nghệ mới. Dữ liệu thu thập được thuộc sở hữu Nhà nước, đảm bảo tính minh bạch và phục vụ đa mục tiêu quản lý. Mô hình của Hội Công nghệ cao cho thấy cách tiếp cận linh hoạt, hiệu quả, đồng thời có thể nhân rộng trong các lĩnh vực thiết yếu, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.  

5CNC.png
Ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM (vest đen) - trao đổi tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực này sẽ khó đạt hiệu quả nếu không có sự chuyển động đồng bộ từ thể chế. Trong giai đoạn TP.HCM đang định hình lại chiến lược phát triển, yêu cầu về hệ thống pháp lý nhất quán, minh bạch, có tính ổn định cao được đặt ra như điều kiện cần để thu hút nguồn lực và xây dựng niềm tin trong hệ sinh thái KH&CN. 

6DAIBIEU.png

Sự kiện nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các chuyên gia và khách mời.

Buổi thảo luận chuyên đề ngày19/5 không khép lại bằng một kết luận cố định, mà mở ra chuỗi các gợi ý về cách tạo động lực nội sinh cho nghiên cứu, về cơ chế kích hoạt đầu tư xã hội, về mô hình tài chính khoa học hiệu quả và về niềm tin xã hội với khoa học. TP.HCM, với vị thế đầu tàu cả nước và khát vọng vươn lên thành trung tâm kinh tế - khoa học - công nghệ của khu vực, đang cần nhiều hơn những thảo luận như thế. Không phải để tô điểm chiến lược, mà để định hình hành động; không phải để nói về khoa học, mà để làm cho khoa học thực sự phục vụ cuộc sống.

Và trong tiến trình đó, sự vào cuộc của toàn xã hội - từ người làm chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp đến người dân - sẽ là điều kiện không thể thiếu để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là trụ cột phát triển, mà là linh hồn của một Thành phố tri thức trong tương lai.

7LUUNIEM1.png
Đại diện hai bên chụp hình lưu niệm.

Minh Nhã (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378