SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM: Tọa đàm về phát triển công nghiệp bán dẫn - Định hướng cho chiến lược dài hơi

13-12-2024
Sáng ngày 12/12/2024, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã diễn ra Tọa đàm lấy ý kiến hoàn thiện xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 tại TP.HCM. Sự kiện được tổ chức nhằm mục tiêu thống nhất các nội dung trong dự thảo kế hoạch, đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể để xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn trở thành một trụ cột trong nền kinh tế quốc gia, tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 QUANGCANH.png

Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Trao đổi tại buổi Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Sương (Trưởng phòng - Phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) chia sẻ, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang trải qua giai đoạn phát triển vượt bậc, đặc biệt với sự gia tăng nhu cầu về chip trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và các công nghệ tự động hóa. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu hiện tại vẫn phụ thuộc vào một số ít quốc gia, tạo ra nguy cơ đứt gãy và thiếu hụt nguồn cung.

Việt Nam, với vị trí địa lý chiến lược và nguồn nhân lực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) dồi dào, đang có cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Các chính sách của Đảng và Nhà nước hiện đang tập trung vào việc xây dựng hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và thu hút đầu tư, nhằm đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

BASUONG.png

Nguyễn Thị Thu Sương (Trưởng phòng - Phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) trao đổi tại sự kiện.

Theo thông tin tại buổi Tọa đàm, mục tiêu của Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam chia ra hai giai đoạn. Cụ thể, ngắn hạn (đến 2030): đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn, tập trung vào các lĩnh vực thiết kế vi mạch, đóng gói, kiểm thử và sản xuất; nâng cao năng lực cho 1.300 giảng viên để giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu về bán dẫn tại các cơ sở giáo dục đại học; hình thành 4 phòng thí nghiệm bán dẫn cấp quốc gia tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; xây dựng cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào ngành công nghiệp bán dẫn. Dài hạn (đến 2050): Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu về sản xuất chip chuyên dụng và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn đồng bộ, bao gồm nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, và kiểm thử, thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và Nhà nước; đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Trên tinh thần đó, Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại TP.HCM đặt ra hai mục tiêu chính:

Giai đoạn đến năm 2030: đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực chuyên môn cao trong các lĩnh vực thiết kế, sản xuất và kiểm thử vi mạch bán dẫn, phát triển 500 giảng viên chuyên sâu, phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu trong Thành phố; nâng cấp ít nhất 2 phòng thí nghiệm bán dẫn hiện đại đạt chuẩn quốc gia, đặt tại Đại học Quốc gia TP.HCM và Khu Công Nghệ Cao.

Giai đoạn đến năm 2050: đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu toàn bộ chuỗi giá trị bán dẫn; đưa TP.HCM trở thành trung tâm cung ứng nhân lực bán dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á và thế giới; hoàn thiện hệ sinh thái bán dẫn, bao gồm nghiên cứu, thiết kế, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm.

THAMLUAN1.png

TS. Trịnh Xuân Thắng trình bày tham luận “Triển khai chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh tại SHTP giai đoạn 2025-2030” tại sự kiện.

Để đạt được các mục tiêu trên, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ phối hợp thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Cụ thể, cần tập trung triển khai các nội dung như: đẩy mạnh giáo dục STEM từ cấp phổ thông đến đại học, với trọng tâm là các chuyên ngành liên quan đến công nghiệp bán dẫn, bên cạnh đó, tổ chức các khóa học ngắn hạn và chương trình đào tạo lại, nhằm nâng cao kỹ năng cho lao động trong ngành công nghệ thông tin và điện tử; triển khai mô hình hợp tác công-tư để kết nối doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục trong việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực; xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và các dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực bán dẫn; hoàn thiện và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp quốc gia, cung cấp cơ sở vật chất cho nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, đồng thời, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, bao gồm giao thông, điện, nước và viễn thông, để hỗ trợ các khu công nghiệp bán dẫn; đầu tư xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn tại các khu vực trọng điểm; tăng cường hợp tác với các quốc gia có nền công nghiệp bán dẫn phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…, cùng với đó, thu hút các chuyên gia và nhà khoa học Việt kiều trở về đóng góp cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước; tham gia các hiệp định quốc tế để mở rộng thị trường và nâng cao vị thế của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

THAMLUAN2.png

TS. Nguyễn Minh Sơn trình bày tham luận “Thực trạng và xu hướng phát triển nguồn nhân lực bán dẫn tại Thành phố Hồ Chí Minh” tại sự kiện.

Đóng góp ý kiến tại Tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, Thành phố hội tụ đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và mạng lưới hợp tác quốc tế để trở thành đầu tàu trong việc triển khai các mục tiêu của Chương trình, thế nhưng việc phối hợp với các đơn vị để cùng triển khai thực hiện nhiệm vụ thì cần có hướng dẫn cụ thể, sát hợp với thực tế. Nếu cách thức phối hợp rõ ràng, thì việc giải quyết các “bài toán” dài hơi cho ngành công nghiệp bán dẫn là hoàn toàn khả thi.

Mặt khác, dù TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách thu hút chuyên gia, nhưng chưa thực sự thu hút được những chuyên gia đầu ngành, có khả năng định hướng phát triển thị trường trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Do vậy, việc xây dựng chính sách thu hút các chuyên gia tình nguyện nước ngoài, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động công nghệ cao cần được chú trọng hơn nữa.

Buổi Tọa đàm sáng 12/12 phần nào đã cung cấp nền tảng quan trọng để hoàn thiện dự thảo “Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam”. Đồng thời, các ý kiến và đề xuất từ sự kiện giúp định hình hướng đi rõ ràng cho ngành công nghiệp bán dẫn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia. Với những giải pháp đồng bộ và sự quyết tâm của các bên liên quan, Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu vào năm 2050.

Minh Nhã (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378