SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

“Trái ngọt” từ kết nối nhà trường và doanh nghiệp

01-11-2020
Sân trường của Trường Đại học Bách Khoa TPHCM trong ngày tổ chức Chuỗi sự kiện liên kết trường đại học và doanh nghiệp 2020 với chủ đề: “Tăng cường liên kết Đại học - Công nghiệp phục vụ phát triển bền vững” sôi động và náo nhiệt với hàng ngàn em sinh viên và hàng trăm điểm (là các gian hàng) kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Chúng tôi đặc biệt chú ý tới một em có tác phong hồn nhiên, nhiệt tình của sinh viên song lại đang “khoác áo” của Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng – Kỹ thuật Biển (Portcoast), đơn vị tư vấn đầu ngành trong lĩnh vực cảng – đường thủy và công trình hàng hải. Em đang hướng dẫn tận tình cho các bạn sinh viên, khách tham quan về những công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực xây dựng, công trình…

Trò chuyện với em, chúng tôi được biết em tên Nguyễn Hữu Đại, vốn là sinh viên của Trường Đại học Bách Khoa TPHCM vừa ra trường năm 2019 và hiện đang công tác tại Portcoast. Nguyễn Hữu Đại hiện là trưởng một đội của Trung tâm PC BIM LAB của Portcoast. Có lẽ vì vậy mà bên cạnh nét sinh viên hồn nhiên vẫn còn lấp lánh trong đôi mắt của em là sự chín chắn của một người đã đi làm…

Nguyễn Hữu Đại cho biết, những kiến thức về công nghệ, về xây dựng mà em học được ở trường giờ đang được mở mang, thực hành ở Portcoast. Điều này tạo cảm hứng, sự đam mê cho em trong nghề nghiệp… Có lẽ vì vậy mà mới ra trường 1 năm, đầu quân về 1 đơn vị tư vấn đầu ngành về cảng biển em đã nhanh chóng thành công, tạo được chỗ đứng trong đơn vị…  

Điểm nhấn đặc biệt ấn tượng trong chuỗi sự kiện là buổi trình diễn về công nghệ mới BIM và Scan to BIM ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng của Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng – Kỹ thuật Biển (Portcoast), do những kỹ sư trẻ như Nguyễn Hữu Đại thực hiện. 

Mô hình thông tin công trình (Building Information Modelling – BIM) là thuật ngữ không còn quá xa lạ đối với nhiều người nhưng Scan to BIM và ứng dụng thực tế ảo, mô phỏng Game để phục vụ quản lý công trình, cơ sở hạ tầng thì ít người biết đến bởi công nghệ này cũng rất mới mẻ đối với các nước phát triển.

tn1
Một khách tham quan đang được hướng dẫn tham quan thực tế ảo
Mô hình thông tin công trình được Portcoast giới thiệu là cả một hệ sinh thái từ công nghệ BIM, BIM 360, Quét laser 3 chiều, Scan to BIM cho đến mô hình ảo của công trình.

Quét laser trước hết là phương pháp lập bản đồ chính xác cao hoặc chụp ảnh thực địa nhưng khác với các phương pháp chỉ xác định từng điểm tại một thời điểm. Một máy quét nhanh chóng chụp lại chi tiết toàn bộ bề mặt vật thể hay một khu vực, giống như một máy ảnh chụp 360 độ nhưng với vị trí chính xác cho từng mm. Công nghệ quét laser áp dụng vào các công việc như: Khảo sát địa hình; Mô phỏng hiện trạng địa hình, khu đô thị, nhà máy, công trình hay hạng mục chi tiết công trình dưới dạng 3 chiều; Tính toán khối lượng; Quan trắc lún và biến dạng công trình; Phân tích mặt phẳng;… Kết quả cho được sẽ rất chi tiết, chính xác và đầy đủ, nhanh chóng, mà không cần phải đi hay đứng ở các khu vực nguy hiểm như các khối chất đống nguy hiểm, sườn dốc hay mặt đường đầy xe cộ…

tn2
Em Nguyễn Hữu Đại đang xử lý dữ liệu tại sự kiện
Theo những người tổ chức sự kiện, sự kiện được tổ chức với mong muốn tạo cầu nối để các trường đại học trong và ngoài nước, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, các tổ chức và cá nhân quan tâm có cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm về việc đẩy mạnh liên kết đại học – công nghiệp. Và để cho những bạn sinh viên của Trường Đại học Bách Khoa TPHCM có cơ hội tiếp cận những tiến bộ về khoa học công nghệ… để có thêm nhiều em được truyền cảm hứng và có thể thành công khi ra trường như kỹ sư trẻ Nguyễn Hữu Đại.

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang định hình rõ nét kỷ nguyên mới trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. CMCN 4.0 sẽ tạo những thay đổi cơ bản, chưa từng có tiền lệ, trong đó những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong thời đại 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật - Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data). 

SƠN LAM - SGGP


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378