Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo không phải là nơi cho thuê văn phòng
18-07-2019Làm sao để Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM mang lại giá trị thật sự cho cộng đồng chứ không phải là nơi cho thuê mặt bằng là vấn đề nhiều người quan tâm.
Đó là ý kiến của các chuyên gia, doanh nhân trong cộng đồng khởi nghiệp đóng góp ý kiến tại Hội thảo “Tham vấn xây dựng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sáng 17/07.
Cần chọn những startup với lĩnh vực chủ lực của TP.HCM
Dự án 'Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM' vừa được kỳ họp thứ 15 HĐND TP.HCM khóa IX thông qua cuối tuần trước.
Theo đó, công trình sẽ được xây dựng tại số 123 Trương Định, quận 3 và dự kiến sẽ được khởi công vào nửa đầu năm 2020. Tòa nhà có diện tích sàn khoảng 20 nghìn mét vuông, với 6 tầng nổi, 4 tầng hầm. Tổng chi phí xây dựng vào khoảng 323 tỉ đồng.
Trung tâm sẽ được xây dựng theo mô hình hợp tác công - tư. Nhà nước chịu trách nhiệm về đất đai, xây dựng tòa nhà và các khu vực dành cho hoạt động chung. Khối tư nhân tham gia ươm tạo, quỹ đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp... sẽ tự thiết kế, trang bị, vận hành các không gian riêng phù hợp với nhu cầu.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cần xác định mô hình vận hành để tòa nhà đúng nghĩa là trung tâm đầu mối về khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho rằng: "Có thể đây không phải là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo duy nhất của Thành phố trong tương lai, nhưng trước mắt cố gắng làm cái đầu tiên với mô hình thật tốt". Theo đó, cần xác định mô hình vận hành ra sao để đúng nghĩa là trung tâm đầu mối về khởi nghiệp chứ không phải nơi cho thuê văn phòng.
Đồng quan điểm, ông Francis Nguyễn Tuấn Anh, Chuyên gia cấp cao của Microsoft Châu Á - Thái Bình Dương, cũng nhấn mạnh, trung tâm không phải nơi cho thuê mặt bằng. Việc xây dựng trung tâm về khía cạnh cơ sở hạ tầng có thể làm dễ dàng, nhưng làm thế nào để “thổi hồn” tạo ra những hoạt động kết nối, hợp tác mới khó. Vì thế, chính quyền thành phố cần có nhiều buổi tiếp xúc, trao đổi với các thành phần của hệ sinh thái để đưa ra một mô hình hoạt động mang tính bền vững, lâu dài.
Ông Nguyễn Francis Tuấn Anh (cầm mic), chuyên gia cấp cao của Microsoft, đưa ra đề xuất tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Minh.
"Tôi cho rằng, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phải là đầu mối thực hiện những hoạt động kết nối giữa nhà nước và cộng đồng khởi nghiệp nhằm tìm ra mô hình hoạt động cho trung tâm này"- ông Tuấn Anh nói.
Ông Tuấn Anh cho biết thêm, Microsoft hiện nay có đến 7 trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên thế giới. Trong đó, Microsoft rất quan tâm đến lĩnh vực y tế và có hẳn một trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp về lĩnh vực này và đang rất thành công. Mô hình này được thực hiện với sự tham gia hợp tác chặt chẽ của ba nhà: Nhà nước (Bộ Y tế), doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chỉ trong vòng 6 tháng, trung tâm này đã thu hút được tới 60 dự án là các startup công nghệ về y tế.
Chính vì thế, vị chuyên gia này đề xuất, hoạt động của trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM cần phải hướng đến những ngành kinh tế chủ lực, là thế mạnh của TP.HCM. Ở các quốc gia phát triển, các vườn ươm thường là mô hình vườn ươm chuyên sâu, tạo dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị, con người chỉ để phát triển trong một ngành, lĩnh vực. Và họ đã rất thành công.
"Tôi chưa thấy mô hình vườn ươm chuyên sâu này ở Việt Nam, mà chủ yếu là dạng vườn ươm tổng hợp, nhiều ngành nghề. Chúng ta cũng cần cân nhắc đến mô hình vườn ươm chuyên sâu này"- ông Tuấn anh chia sẻ.
Ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch Trí Tri Group, cũng cho rằng, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM cần nhắm đến hỗ trợ những lĩnh vực, ngành nghề là thế mạnh, cũng như nằm trong chiến lược phát triển của TP.HCM.
Ông Lý Trường Chiến (cầm mic) đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Minh.
Ví như TP.HCM đang xây dựng đề án thành phố thông minh, thì cần phải tuyển chọn các startup, xây dựng các phòng lab về lĩnh vực này. Các đơn vị, doanh nghiệp vào đầu tư, đặt văn phòng tại trung tâm cần tuyển chọn là những cá nhân, tập thể có sản phẩm, dự án chất lượng, có chiều sâu, mang lại giá trị thật sự cho cộng đồng. Doanh nghiệp được tuyển chọn vào nhận được ưu đãi nhưng cũng phải có những KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) cụ thể.
"Hoạt động của Trung tâm cần có những chuyên viên thuộc khối Nhà nước quản lý, vận hành, hoạt động đúng mục tiêu nhưng không can thiệp quá sâu vào hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp" - ông Chiến nói.
Trung tâm là cầu nối về chính sách cho startup
Chia sẻ tại hội thảo, ông Hoàng Linh, CEO CirCO - startup cung cấp các dịch vụ về không gian làm việc chung (Co working Space) cho cộng đồng khởi nghiệp, bày tỏ hi vọng, trung tâm sẽ tạo ra những tính hiệu tích cực cho cả hệ sinh thái. Sự ra đời của trung tâm này cho thấy nhà nước rất quan tâm và thật sự mong muốn hỗ trợ cộng đồng, bên cạnh những tổ chức tư nhân. Đây là điều mà cộng đồng startup mong đợi.
Ông Hoàng Linh, CEO CirCo chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Minh.
"Trung tâm này cũng sẽ là một đầu mối hỗ trợ về chính sách, thứ mà các startup luôn cần. Muốn làm được điều này, tôi cho rằng, phải có một đơn vị đầu mối được lãnh đạo thành phố chỉ định để hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng. Đơn vị này phải có sự gắn bó với cộng đồng để có thể đưa ra những chính sách hỗ trợ mang tính kịp thời, giúp cộng đồng khởi nghiệp đi nhanh, đi xa hơn"- ông Linh nói.
Trong khi đó, ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia khởi nghiệp, cho rằng cần xác định rõ vai trò của trung tâm là vì lợi nhuận, hay nơi hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Song song với phần cứng hạ tầng, trung tâm cần có một chương trình dài hạn phát triển nguồn nhân lực, bao gồm chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp và nguồn nhân lực khởi nghiệp. Cơ chế quản lý trung tâm cần lấy cộng đồng làm trọng tâm, do cộng đồng vì cộng đồng và tạo giá trị cho cộng đồng.