SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Xây dựng cơ sở dữ liệu chất thải công nghiệp thông thường hỗ trợ công tác quản lý, thu gom và tái chế trên địa bàn TP.HCM

21-09-2022

Kết quả cho thấy tiềm năng tái chế tro xỉ từ các lò đốt nhiên liệu, chất thải khuôn đúc và bùn thải không nguy hại từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, cũng như công nghệ tái chế các loại chất thải nêu trên đều là những vấn đề còn đang bỏ ngỏ.

Tính đến năm 2022, trong tổng số 17 khu chế xuất/khu công nghiệp (KCX/KCN) đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM thì hiện chỉ có 3 KCX (Tân Thuận, Linh Trung 1, Linh Trung 2) và 3 KCN (Cát Lái 2, Đông Nam, Lê Minh Xuân) đã đầu tư trạm phân loại, trung chuyển chất thải các loại. Phần lớn KCN còn lại sử dụng dịch vụ do các đơn vị có chức năng thu gom trực tiếp tại các nhà máy có phát sinh. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp thông thường trong KCN/KCX chưa được kiểm tra, giám sát triệt để. 

tro1

Khảo sát các nguồn thải công nghiệp thông thường

Tổng thể, các nguồn phát thải chất thải công nghiệp nói chung và chất thải tro xỉ, bùn, chất thải khuôn đúc nói riêng chủ yếu là dạng phân tán và nhỏ lẻ, khó thu gom vì thế trong nhiều trường hợp chúng được quản lý tùy tiện, không có tính hệ thống và rất phức tạp ở các khâu quản lý tại nguồn, xả thải và xử lý. Thành phần chất thải công nghiệp thông thường đa dạng, biến động lớn, phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào, công nghệ, công suất, kỹ thuật vận hành... ảnh hưởng đến việc định tính để xác định tính nguy hại hay không nguy hại, đồng thời ảnh hưởng đến cơ hội tái chế và cộng sinh công nghiệp. Việc xử lý và thải bỏ vẫn còn bỏ ngõ, không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý KCX/KCN, do vậy các thông tin liên quan cũng như các giải pháp xử lý đối với từng loại chất thải không được công bố cụ thể và khó xác định được mức độ phù hợp của công nghệ và mức độ an toàn của các giải pháp. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng thiếu văn bản, thông tin hướng dẫn về hoạt động quản lý chất thải công nghiệp tại nguồn phát sinh, trong quá trình thu gom, vận chuyển, tái chế và cộng sinh công nghiệp, dẫn đến việc chưa có mô hình quản lý hiệu quả, khép kín từ công đoạn lưu trữ tại nguồn đến công đoạn tái chế hoặc xử lý cuối cùng.

tro2

Công nghệ đúc khuôn mẫu chảy và chất thải khuôn đúc tại một cơ sở sản xuất

Vì vậy, PGS.TS Lê Thị Kim Oanh (chủ nhiệm nhiệm vụ) và cộng sự ở Đại học Văn Lang đã triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về chất thải công nghiệp thông thường (tro, xỉ, vỏ khuôn đúc, bùn thải) từ các nhà máy công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Xây dựng Sổ tay hướng dẫn xử lý và tái sử dụng”. 

Theo PGS.TS Lê Thị Kim Oanh, ở hầu hết trạm xử lý nước thải của các nhà máy, quy trình vận hành chưa được tuân thủ nghiêm ngặt, đặc biệt là các hoạt động xả bùn định kỳ, xử lý bùn tại nguồn và lưu trữ bùn riêng hay chung với các loại bùn/chất thải khác. Do vậy, trong quá trình cân bằng vật chất, không chỉ sử dụng số liệu đo đạc trực tiếp, hoặc số liệu thống kê theo tháng hay năm, mà còn phải dùng số liệu thứ cấp để tính toán lượng bùn phát sinh. Ngoài ra, tùy mục tiêu tái sử dụng, tái chế và xử lý cuối cùng mà ngưỡng nguy hại có thể giao động. Do vậy, đối với các loại chất thải đặc thù, cần có các quy định chi tiết, cụ thể hơn, làm cơ sở phát triển từng lĩnh vực tái chế.

tro3

 

Lấy mẫu chất thải phục vụ quá trình cân bằng vật chất

Sau khi thực hiện khảo sát, lấy mẫu và thu thập thông tin từ các bên liên quan trong hệ thống quản lý chất thải công nghiệp và công nghiệp nguy hại (tập trung vào 3 loại chất thải: tro xỉ, bùn từ trạm xử lý nước thải công nghiệp và chất thải khuôn đúc), PGS.TS Lê Thị Kim Oanh cho biết, có một số vấn đề cần lưu ý hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, tăng cường tái sử dụng – tái chế, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn. Chẳng hạn như hệ thống văn bản, chính sách, quy định hiện hành liên quan đến việc quản lý chất thải công nghiệp/nguy hại tương đối đầy đủ, đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường, nhưng vẫn thiếu các hướng dẫn thực thi hiệu quả nhằm giảm thiểu chi phí quản lý và xử lý, đồng thời tăng cường cơ hội tái chế và cộng sinh công nghiệp. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu chưa được quản lý hiệu quả, chưa được số hoá, đây là vấn đề đặc biệt khó khăn cho các đơn vị làm công tác quản lý, các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu. 

tro4

Sân phơi bùn và máy nén bùn tại cơ sở được khảo sát

Nhóm thực hiện đã xây dựng 4 bộ cơ sở dữ liệu về chất thải công nghiệp trên địa bàn TP.HCM: (1) Tro, xỉ từ các lò đốt sinh nhiệt, sinh hơi của các cơ sở công nghiệp trong 17 KCN/KCX; (2) Bùn thải từ trạm xử lý nước thải của các ngành công nghiệp khác nhau và của trạm xử lý nước thải tập trung; (3) Chất thải khuôn đúc từ các công nghệ đúc trên địa bàn và (4) Các cơ sở thu gom, tái chế và xử lý. 

Từ những bộ cơ sở dữ liệu này, cơ quan quản lý sẽ có thêm nhiều số liệu, thông tin về chất thải, chủ nguồn thải và các đơn vị thu gom - xử lý chất thải, cũng như danh mục các giải pháp công nghệ có thể ứng dụng để tái sử dụng, tái chế và cộng sinh công nghiệp. Nhóm thực hiện cũng xây dựng 3 sổ tay hướng dẫn tái sử dụng và tái chế chất thải, phục vụ công tác quản lý các loại chất thải đã đề cập ở trên, kèm theo là một số giải pháp tái sử dụng, tái chế, cộng sinh công nghiệp được ứng dụng trong việc tái sử dụng, tái chế và cộng sinh công nghiệp các loại chất thải tro xỉ, bùn và khuôn đúc (có phân tích hiệu quả kinh tế và hiệu quả môi trường).

tro5

Sổ tay hướng dẫn tái sử dụng và tái chế chất thải

PGS.TS Lê Thị Kim Oanh khẳng định: “Cơ sở dữ liệu về thành phần, đặc tính và hệ số phát thải cho mỗi loại chất thải là nguồn cơ sở khoa học vô cùng hữu ích phục vụ thiết kế các chuỗi cung ứng liên quan đến chất thải công nghiệp thông thường, và là cơ sở để góp phần phát triển cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu này sẽ rất hữu ích phục vụ công tác quản lý và quy hoạch cơ sở hạ tầng quản lý chất thải công nghiệp.”.

Kết quả của nhiệm vụ là cơ sở khoa học đáng tin cậy cho cơ quan quản lý (điển hình như Ban Quản lý Khu công nghiệp và Khu Chế xuất TP.HCM - HEPZA) trong việc tổ chức, triển khai và xây dựng các văn bản pháp luật, giải pháp quản lý các loại chất thải, đồng thời còn là cơ sở khoa học phát triển cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn, đáp ứng mục tiêu số 12 “Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm” về phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Việc xác định đầy đủ các thông số kỹ thuật liên quan đến chất thải (bao gồm: nguồn và định mức phát sinh, khối lượng, thành phần; hiện trạng thu gom, trung chuyển và vận chuyển; hiện trạng tái sử dụng, xử lý và thải bỏ; đồng thời chỉ ra các bất cập trong cơ cấu quản lý, các hệ thống các văn bản chính sách quản lý chất thải công nghiệp) cũng sẽ góp phần xây dựng thông tin hoàn chỉnh về chất thải tro, xỉ và bùn tại TP.HCM, tạo cơ hội để kết nối các nguồn thải đến các đơn vị xử lý có chức năng, hỗ trợ doanh nghiệp không vi phạm trong công tác chuyển giao chất thải.

 

Thông tin liên hệ:
Đại học Văn Lang
Địa chỉ: 69/68 Đặng Thùy Trâm, phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM
Điện thoại: (028) 71099246

Website: www.vlu.edu.vn

Email: k.moitruong@vlu.edu.vn 


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378