SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Xây dựng mô hình vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp đạt chuẩn quốc tế

11-10-2021

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (thuộc Sở KH&CN TPHCM) vừa hoàn thiện bộ tiêu chí chuẩn quốc tế, phục vụ xây dựng cũng như hỗ trợ các vườn ươm khởi nghiệp theo chuẩn quốc tế, giúp nâng cao chất lượng ươm tạo, tạo nên các doanh nghiệp có giá trị cao. 

Trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ 2015, hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở TP.HCM phát triển mạnh mẽ, từng bước trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức, tập trung nghiên cứu gắn kết với thực tiễn phục vụ phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thông qua nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN và hoạt động hỗ trợ, tuyên truyền về đổi mới sáng tạo, nổi bật như Tuần lễ Đổi mới sáng tạo TPHCM (WHISE), Giải thưởng Sáng tạo TPHCM, Giải thưởng Đổi mới và Sáng tạo TPHCM (I-Star) được tổ chức thường niên, có thể khẳng định rằng TP.HCM là cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp cả nước, xây dựng và phát triển thành công hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có đầy đủ những hoạt động cơ bản như tuyển chọn, ươm tạo, kết nối thị trường, tăng tốc, hỗ trợ sau ươm tạo.

Để đáp ứng nhu cầu và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) và doanh nghiệp mới thành lập, các cơ sở ươm tạo (vườn ươm) tại TP.HCM cũng đã có những bước tiến nhất định trong cả về số lượng và chất lượng hoạt động. Thực tế, 100% cơ sở ươm tạo trên địa bàn đều cung cấp không gian làm việc, không gian tổ chức sự kiện, cùng với nhiều thiết bị, cơ sở vật chất khác. Tuy nhiên, để được đánh giá và đạt xếp hạng cao trên thế giới, cơ sở ươm tạo phải đạt nhiều tiêu chí nhất định như cơ sở vật chất, chương trình ươm tạo, nội dung hoạt động, khả năng quản lý vận hành cũng như các mạng lưới liên kết kinh doanh trong và ngoài cơ sở ươm tạo. Hay nói cách khác, đây là những tiêu chí nhằm tăng cường khả năng hỗ trợ startup và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể thương mại hóa thành công các ý tưởng kinh doanh, công nghệ và tăng khả năng “sống sót” sau khi hoàn thành giai đoạn ươm tạo.

Sau quá trình khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu xây dựng mô hình vườn ươm khởi nghiệp theo chuẩn quốc tế do ThS. Huỳnh Kim Tước và các cộng sự tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TPHCM (SIHUB) đánh giá Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao  (SHTP-IC) thuộc Khu Công nghệ cao TP.HCM về cơ bản đã đáp ứng phần nào cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp tại TP.HCM, có quy trình vận hành ổn định. Tuy nhiên, số lượng nhân sự phụ trách chính cho lĩnh vực ươm tạo còn khá khiêm tốn (phần lớn là phụ trách hành chính và kỹ thuật), ngân sách dự chi hằng năm cho hoạt động ươm tạo còn thấp, chưa có kế hoạch đầu tư vào các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp rõ ràng.

ut1

Khung cơ bản về đánh giá vườn ươm

Với phương án nâng cấp thành vườn ươm khởi nghiệp theo chuẩn quốc tế, SHTP-IC hoàn toàn có khả năng gia tăng số lượng doanh nghiệp có thể được ươm tạo, đồng thời nâng cao việc cung cấp dịch vụ ươm tạo cả về lượng lẫn chất. Trong đó, SHTP-IC cần bổ sung cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo; mở rộng khu không gian làm việc và xưởng chế tạo mẫu với diện tích dự kiến 7.000m2 trên cơ sở huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để tạo ra nơi làm việc cho hơn 50 doanh nghiệp khởi nghiệp với hơn 1.000 nhân sự; triển khai liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, phát triển giải pháp/sản phẩm công nghệ, ươm tạo công nghệ cao và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hợp tác triển khai các chương trình ươm tạo chuyên đề, chương trình tăng tốc với các đối tác trong và ngoài nước theo chuẩn quốc tế.

Mục tiêu cụ thể là đến cuối năm 2025, SHTP-IC hỗ trợ ươm tạo, phát triển 200 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ hình thành 30 doanh nghiệp khoa học công nghệ; hỗ trợ đăng ký 100 sở hữu trí tuệ; hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 50 doanh nghiệp. Đến cuối năm 2030, toàn bộ chỉ tiêu hỗ trợ tăng 100% so với 2025, riêng số dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng 150%. Qua đó, SHTP-IC sở hữu nhiều lợi thế trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, tăng số lượng doanh nghiệp giàu tiềm năng có tốc độ phát triển cao dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

ut2

Quy trình ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp

Từ thực tế này, nhóm nghiên cứu tại SIHUB đã chọn SHTP-IC để đánh giá, xây dựng Bộ tiêu chí và triển khai thí điểm. Công cụ để đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng, triển khai hoạt động và tổ chức vận hành tại SHTP-IC và đề xuất phương án nâng cấp thành vườn ươm khởi nghiệp theo chuẩn quốc tế là Bộ tiêu chuẩn các chỉ số đánh giá vườn ươm theo chuẩn quốc tế gồm 26 chỉ tiêu.

Bộ tiêu chuẩn đặc thù cho Việt Nam

Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu 8 phương pháp đánh giá của các nước và tổ chức quốc tế, xác định được 86 tiêu chí để tham khảo, từ đó xây dựng Bộ tiêu chuẩn các chỉ số đánh giá vườn ươm theo chuẩn quốc tế với 26 tiêu chí, phân vào bốn nhóm, gồm: hạ tầng cơ sở, hoạt động và dịch vụ, quản lý vận hành, hiệu quả đầu ra. Bộ tiêu chuẩn này xây dựng trọng số và khung điểm cho hai loại hình vườn ươm là vườn ươm đại học và vườn ươm doanh nghiệp, đã được khảo sát và lấy ý kiến chuyên gia tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) tổ chức hồi tháng 10/2020.

ut3

Hội thảo Giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN

Điểm sáng tạo ở Bộ tiêu chuẩn là chi tiết hóa các tiêu chí, thang điểm và phương pháp tiến hành, tạo thuận lợi cho hoạt động chấm điểm và đánh giá, dễ dàng áp dụng trong quá trình quản lý việc vận hành vườn ươm theo chuẩn quốc tế. Do đó, Bộ tiêu chuẩn là công cụ để các cơ sở ươm tạo hiện hữu ứng dụng nhằm tham khảo và tự nâng cấp, đồng thời sẽ tạo dựng nên mô hình chuẩn cho các đơn vị, tổ chức muốn thành lập cơ sở ươm tạo mới (đáp ứng theo các tiêu chí trong Bộ tiêu chuẩn).

Không chỉ minh bạch vai trò của vườn ươm trong các chính sách phát triển doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp, thể hiện các khung điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp qua các tiêu chí, Bộ tiêu chuẩn còn chỉ ra điểm yếu đang tồn tại để vườn ươm có định hướng phát triển hoàn thiện hơn, gắn kết các chính sách ươm tạo doanh nghiệp của vườn ươm với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của cơ quan quản lý nhà nước.

PGS. TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, đồng thời là Chủ tịch hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ "Nghiên cứu xây dựng mô hình vườn ươm khởi nghiệp theo chuẩn quốc tế" nhận xét rằng bộ tiêu chí theo tiêu chuẩn quốc tế được nhóm nghiên cứu xây dựng không chỉ có độ phù hợp cao với hoàn cảnh ở TP.HCM, mà còn có thể áp dụng mở rộng trên phạm vi cả nước.

 “Bộ tiêu chuẩn này hy vọng sẽ được thông qua sớm, sẽ giúp ích rất nhiều cho các chủ trương, chính sách hỗ trợ của nhà nước cho các vườn ươm”, TS. Nguyễn Văn Tuấn, thành viên hội đồng tư vấn nghiệm thu đề tài thông tin thêm.

Vì thế, Bộ tiêu chuẩn vừa được nhóm nghiên cứu tại SIHUB hoàn thiện chính là công cụ hỗ trợ đắc lực cho Sở KH&CN TP.HCM tổ chức đánh giá nhanh toàn bộ các vườn ươm, cụ thể hoá các chính sách khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên cơ sở đánh giá, phân loại các vườn ươm, tiến hành hướng dẫn các tổ chức, đơn vị trên địa bàn Thành phố tiếp cận và sử dụng Bộ tiêu chuẩn vào kế hoạch đầu tư, thành lập, vận hành các cơ sở ươm tạo


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378