Buồng hút khói thuốc nơi công cộng giá chỉ 2 triệu của sinh viên
22-01-2019Với việc sử dụng cảm biến siêu âm, khi có người vào khu vực, buồng hút thuốc sẽ tự vận hành hệ thống đèn, quạt hút khói bằng than hoạt tính.
Sản phẩm buồng hút khói của nhóm sinh viên trường ĐH Cần Thơ. Ảnh: Gia Hiên.
Hướng đến đối tượng hút thuốc nơi công cộng, nhóm sinh viên đến từ ĐH Cần Thơ thiết kế buồng lọc khói thuốc bằng than hoạt tính.
Đây là một trong 27 dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS) do dự án BUILD-IT và chương trình STEM của Dow Việt Nam tổ chức tại TP.HCM mới đây.
Với việc nhận được 2 triệu đồng hỗ trợ ban đầu từ Ban tổ chức, các thành viên nhóm đã xây dựng căn phòng cao 2m có rèm kéo, hở chân, có cảm biến siêu âm phát hiện người đi vào và tự động bật đèn, quạt hút ở phía trên.
Khói nhả ra được gom lên tầng trên của buồng, lọc qua ba lớp than hoạt tính, đồng thời quạt giúp đảo không khí nên người đứng bên trong không bị ngộp, không nóng. Theo nhóm, lý tưởng nhất là đặt buồng ở bên ngoài tòa nhà, người hút thuốc vừa tự do hút, vừa không ảnh hưởng lên người xung quanh.
Đây là một trong những ý tưởng nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia nước ngoài Dự án BUILD-IT. Ngoài ra, năm nay, số lượng ý tưởng tham gia khá đông đảo với hơn 150 sinh viên khối ngành kỹ thuật của 6 trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ, ĐH Lạc Hồng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP. HCM, ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM).
Không chỉ tranh tài, các sinh viên được hướng dẫn bởi giảng viên tại trường đã được tập huấn để thực hiện dự án theo quy trình từ lên ý tưởng, khảo sát nhu cầu khách hàng đến hiện thực hóa giải pháp, thử nghiệm, trình bày bằng tiếng Anh.
Tại vòng báo cáo, mỗi đội thuyết trình 4 phút để gây ấn tượng cho ban giám khảo là chuyên gia học thuật, doanh nghiệp, đại diện cơ quan nhà nước.
Xu hướng thiết kế năm nay tập trung lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như thiết bị hỗ trợ lên xuống cầu thang cho người đang phục hồi chức năng, gậy dò đường 3 cảm biến kết hợp đèn báo cho người khiếm thị; giải quyết phế phẩm nông sản như sản xuất hạt nêm làm từ lõi bắp, nước rửa chén sinh học từ vỏ thơm với bồ hòn, ủ thức ăn thừa, hệ thống thu hoạch, vận chuyển xoài tự động…
Kết quả, ba dự án tốt nhất được chọn ra là gậy thông minh cho người già từ ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, gậy dẫn đường cho người khiếm thị kết hợp đèn còi báo hiệu của ĐH Bách Khoa Đà Nẵng và thiết bị chống trộm của ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM).
Chương trình được tài trợ bởi USAID, dự án BUILD-IT, ĐH Bang Arizona, Dow Việt Nam và Khu Công nghệ cao TP.HCM.