SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Đừng thờ ơ với chỉ dẫn địa lý

14-01-2019
Việc gắn liền quá trình xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho hàng hóa nông sản được xem là nhu cầu bức thiết hiện nay đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. 
Trong đó, chỉ dẫn địa lý (CDĐL) được xem là yếu tố có tính “sống còn” khi hàng hóa nông sản Việt Nam muốn vươn xa ra thị trường quốc tế. Hiện nay, CDĐL đã trở thành một công cụ đặc biệt được ưu tiên hỗ trợ ở nhiều quốc gia, khu vực như châu Âu, châu Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc…
Đừng thờ ơ với chỉ dẫn địa lý ảnh 1
Nông sản, đặc biệt là rau củ quả sạch rất cần tham gia vào chỉ dẫn địa lý. Ảnh: TẤN BA
 Vẫn chưa khai thác hết tiềm năng

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, một trong những giải pháp bảo đảm phát triển thị trường bền vững cho nông sản là bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với CDĐL. Bởi CDĐL gắn với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, đặc trưng về chất lượng và danh tiếng của sản phẩm. CDĐL trở thành một nội dung ưu tiên trong các mối quan hệ hợp tác kinh tế hiện nay. Do đó, việc đưa ra CDĐL trở thành dấu hiệu quen thuộc đối với người tiêu dùng trên thị trường là rất cần thiết.

Tại Việt Nam, theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), tính tới 31-7-2018 đã bảo hộ cho 62 CDĐL quốc gia và 6 CDĐL nước ngoài. Hiện, đã có 38 tỉnh, thành phố có CDĐL được bảo hộ. Trong số CDĐL này, 47% sản phẩm là trái cây; 23% sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp; 12% thủy sản; 8% gạo; còn lại là các sản phẩm khác.

Các sản phẩm không phải là thực phẩm được bảo hộ là nón lá Huế; thuốc lào Tiên Lãng; thuốc lào Vĩnh Bảo; chiếu cói Nga Sơn và hoa mai vàng Yên Tử. Cũng theo Cục Sở hữu trí tuệ, CDĐL đã tác động tới giá trị của sản phẩm. Giá bán của sản phẩm sau khi CDĐL được bảo hộ có xu hướng tăng. Trong đó, cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi; mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75%-80%; nước mắm Phú Quốc tăng 30%-50%; chuối ngự Đại Hoàng tăng 130%-150%; bưởi Luận Văn (Thanh Hóa) giá tăng 3,5 lần; cam Vinh tăng hơn 50% sau khi CDĐL được đăng bạ và quản lý…

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, trong 5 năm gần đây, số lượng CDĐL của Việt Nam gia tăng nhanh, nhưng nhìn chung, Việt Nam chưa khai thác hết được tiềm năng và thế mạnh để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản Việt. Mô hình quản lý CDĐL vẫn chưa kết nối với những đặc điểm về tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và thương mại sản phẩm. Sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các ngành KH-CN, nông nghiệp và công thương ở một số địa phương đã làm cho quá trình tổ chức mô hình quản lý CDĐL như một trách nhiệm của riêng ngành KH-CN.

Trong khi đó bản chất của quá trình quản lý CDĐL là xây dựng cơ chế để kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm trong toàn bộ quá trình từ sản xuất đến thương mại nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng đặc thù và có nguồn gốc xuất xứ và đáp ứng nhu cầu của thị trường về số lượng. Xuất phát từ tình hình này, tháng 8-2018, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đã ký kết quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý CDĐL.

Quy chế phối hợp này bảo đảm sự phối hợp thống nhất, hiệu quả giữa 3 bộ trong công tác xây dựng và quản lý CDĐL của Việt Nam; phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội của bảo hộ CDĐL, nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm mang CDĐL…

Cần có sự tham gia tích cực

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí nhận định, trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hướng tới đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của thị trường quốc tế, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản được xác định là giải pháp quan trọng. Quy chế phối hợp giữa 3 bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở để các bộ phối hợp, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ các CDĐL phát huy tối đa hiệu quả, giá trị của sản phẩm được bảo hộ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế. Đặc biệt, sự phối hợp giữa 3 bộ sẽ phát huy được ưu thế về năng lực chuyên môn, nguồn lực con người và tài chính của từng bộ, đồng thời tạo ra sự thống nhất, bổ trợ lẫn nhau trong các hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, việc phối hợp xây dựng và quản lý CDĐL là vấn đề cấp thiết đối với ngành nông nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, giá trị nông sản Việt. Hiện nay, ngay đối với thị trường trong nước và thế giới đều đặt vấn đề về “truy xuất nguồn gốc” nên việc đảm bảo yêu cầu chất lượng hàng hóa sản phẩm nông nghiệp rất quan trọng.

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ chuẩn hóa trên 2.000 sản phẩm nông nghiệp liên quan đến sở hữu trí tuệ. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thì cho rằng, không chỉ ngành công thương mà các ngành khác nếu làm tốt việc xây dựng và quản lý CDĐL sẽ mang lại giá trị gia tăng cho giá trị hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong nước và xuất khẩu; đồng thời, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới. Tuy nhiên, cần có sự tham gia tích cực và có tính chủ động của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp. Các bộ ngành không thể làm thay mà chỉ hỗ trợ, đồng hành để các đối tượng đó làm tốt công việc và xây dựng CDĐL đúng định hướng.

Hiện nay hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam về đăng ký bảo hộ CDĐL đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên khi thực thi vẫn còn bộc lộ một số khó khăn. Ở cấp độ trung ương chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ có liên quan nhằm xây dựng những định hướng và nội dung thống nhất để lồng ghép các nguồn lực, phân công lĩnh vực hỗ trợ để nâng cao hiệu quả, thống nhất về chính sách và giải pháp hỗ trợ cho xây dựng và quản lý CDĐL. Vì vậy, sự hợp tác giữa 3 bộ nói trên sẽ tạo ra cơ chế phối hợp thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL. Đây cũng cơ sở để từng địa phương xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành về CDĐL trên địa bàn mình… 

TRẦN LƯU - SGGP


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378