SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Dùng vi sinh vật "biến" rơm rạ thành phân bón, thức ăn cho tôm

12-08-2019

Chế phẩm vi sinh biến rơm rạ thành phân hữu cơ giúp tăng độ phì nhiêu của đất, giúp tăng năng suất lúa lên tới 20%, giảm tối đa 30% việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu.

 

Những thông tin này được ông Phạm Xuân Hưng, Giám đốc công ty Phương Nam chia sẻ tại buổi báo cáo, phân tích xu hướng công nghệ “Ứng dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp”. Sự kiện do Trung tâm thông tin thống kê, khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sáng 09/08.

Dùng vi sinh vật "biến" rơm rạ thành phân bón, thức ăn cho tôm - 1

Ông Phạm Xuân Hưng (trái) giới thiệu sản phẩm chế phẩm sinh học Sumitri tới một khách tham dự hội thảo. Ảnh: Hà Thế An.

Ông Hưng cho biết, việc nghiên cứu chế phẩm vi sinh này được ông thực hiện từ năm 2014, sau đó thử nghiệm và bắt đầu tiến hành ứng dụng cho các hợp tác xã nông nghiệp khắp cả nước. Sở dĩ ông nghiên cứu sản phẩm này là việc xử lý rơm ra hiện nay đa số người dân sử dụng làm chất đốt hoặc bán với giá rẻ.

Vì thế ông Hưng đưa ra một giải pháp là nuôi cấy các chủng vi sinh vật tại phòng thí nghiệm của Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp, thuộc Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (H. Củ Chi, TP.HCM). Chủng vi sinh vật này sau khi nuôi cấy sẽ được nhân lên, phối trộn và đóng gói ở dạng bột thành chế phẩm vi sinh.

Chế phẩm vi sinh có thể rải trực tiếp lên ruộng hoặc có thể phối trộn với lân, NPK… tạo thành hỗn hợp rải lên ruộng. Trong vòng 7 đến 10 ngày, vi sinh vật sẽ bắt đầu tăng sinh và tiến hành phân giải nhanh các chất hữu cơ có trong rơm rạ thành phân bón hữu cơ.

“Việc sử dụng chế phẩm vi sinh này có thể thực hiện trong quá trình cải tạo đất để cấy hoặc có thể phối trộn với phân bón thúc cho ruộng sau khi cấy. Ngoài ra, chế phẩm vi sinh còn có khả năng diệt hạt lúa cỏ (lúa ma) không cho sinh trưởng”- ông Hưng chia sẻ.

Kết quả thực nghiệm tại nhiều địa phương cho thấy, chế phẩm vi sinh có thể gọi Sumitri của ông Hưng giúp tăng năng suất lúa lên 15%, có nhiều diện tích lúa tăng đến 20% năng suất. Việc sử dụng chế phẩm này giảm được từ 20% đến 30% lượng phân bón, thuốc trừ sâu… cho lúa.

Sản phẩm này có thể phù hợp với tất cả các loại đất canh tác, thậm chí đất ngập mặn cũng có thể sử dụng được. Ruộng ngập nước thì khả năng phân giải chất hữu cơ bằng vi sinh vật sẽ diễn ra nhanh hơn, giúp đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu của đất.

Cũng theo ông Hưng, giá cả cho việc sử dụng chế phẩm vi sinh rất phải chăng. Cụ thể, một gói Sumitri trọng lượng 125g giá 30 nghìn đồng có thể sử dụng cho 1 sào (Bắc Bộ). Một héc ta ruộng có thể sử dụng từ 4 đến 5 kg.

Hiện nay sản phẩm này của nhóm nghiên cứu đã được sử dụng ở hầu hết các tỉnh thành, đặc biệt là một số hợp tác xã trồng lúa tại miền Tây Nam Bộ.

Dùng vi sinh vật "biến" rơm rạ thành phân bón, thức ăn cho tôm - 2

Nhiều khách tham gia hội thảo tìm hiểu các sản phẩm dành cho nông nghiệp của nhóm nghiên cứu. Ảnh: Hà Thế An.

Ông Phạm Thanh Liêm, Chủ nhiệm một hợp tác xã tại huyện Tháp Mười, Đồng Tháp cho hay, đã thử nghiệm sản phẩm Sumitri cho khoảng 1300 mét vuông ruộng (khoảng 1,3 sào Nam Bộ). Kết quả rất khả quan khi năng suất lúa tăng lên gần 20%, hạt lúa đẹp, sáng bóng.

“Ngoài ra, việc sử dụng chế phẩm vi sinh còn giúp giảm khoảng 70% đến 80% lượng lúa cỏ (lúa ma), giảm 2 lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón. Việc thử nghiệm sử dụng chế phẩm vi sinh trong vài mùa vụ gần đây giúp bà con nông dân rất phấn khởi”- ông Liêm tự hào nói.

Ngoài ra, nông dân trồng xen kẽ lúa và tôm thâm canh có thể sử dụng chế phẩm này để xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành nguồn thức ăn cho tôm, giúp tôm mau lớn, thời gian thu hoạch nhanh hơn. Chế phẩm này còn có thể sử dụng làm tái tạo bộ rễ của cây các cây rau màu, ăn quả, hạn chế khả năng thối rễ của các loại cây này.

 
Hà Thế An - khampha.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378