SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 trao cho 3 nhà khoa học xuất sắc

11-05-2020

Với công trình nghiên cứu trong lĩnh vực y học, toán học và vật lý ứng dụng, 3 nhà khoa học Việt Nam được vinh danh tại giải Tạ Quang Bửu năm 2020.

 

Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu do GS.TS Ngô Việt Trung làm chủ tịch hội đồng, vừa công bố những nhà khoa học nhận giải năm nay, gồm có PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan (Đại học Y Dược TP.HCM), PGS.TS Phạm Tiến Sơn (Đại học Đà Lạt) và TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu (Đại học Tôn Đức Thắng).

tqb1

3 nhà khoa học xuất sắc nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020. Từ trái sang: PGS.TS Phạm Tiến Sơn (Đại học Đà Lạt), PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan (Đại học Y Dược TP.HCM) và TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu (Đại học Tôn Đức Thắng). Ảnh: BTC.

PGS.TS Ngọc Lan trở thành nhà khoa học nữ thứ hai nhận được giải thưởng này, sau PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) năm 2019. Trong khi đó, TS Thanh Hiếu nhận giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ. 

Năm 2020, Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ Quốc gia nhận được 48 hồ sơ đề cử/ứng cử cho Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Có 8 hồ sơ bao gồm năm 5 giải thưởng chính và 3 giải thưởng trẻ được tiếp tục đánh giá, xét chọn tại Hội đồng giải thưởng.

tqb2

Hội đồng giải thưởng họp đánh giá 8 hồ sơ đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020. Ảnh: BTC.

Tất cả các hồ sơ này đều trải qua một quá trình sàng lọc, đánh giá một cách nghiêm cẩn và khách quan, bắt đầu từ hội đồng khoa học chuyên ngành đến phản biện độc lập từ bên ngoài, ít nhất mỗi công trình ba phản biện độc lập. 

Dù ở giải chính hay giải trẻ thì ba công trình gồm hai giải chính, một giải trẻ đều đáp ứng yêu cầu của những tiêu chí cơ bản: các công trình nghiên cứu xuất sắc, được thực hiện ở Việt Nam và xuất bản trên các tạp chí quốc tế có uy tín; nhà khoa học được đề cử phải là người có đóng góp quan trọng nhất vào công trình đó; công trình được lựa chọn cần có ít nhất 2/3 số phiếu chấp thuận. 

Nghiên cứu giúp thay đổi cách hỗ trợ sinh sản 

Công trình giúp PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan nhận giải năm nay là “IVF transfer of Fresh or Frozen embryos in women without Polycystic Ovaries” (Chuyển phôi đông lạnh ở phụ nữ không có buồng trứng đa nang), xuất bản trên The New England Journal of Medicine, một trong ba tạp chí hàng đầu ngành y bên cạnh Cell và The Lancet.

tqb3

Công trình nghiên cứu do PGS.TS Ngọc Lan đồng tác giả trên NEJM.

Nghiên cứu này chỉ ra, khi phụ nữ vô sinh không có hội chứng buồng trứng đa nang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, việc chuyển phôi được giữ đông không làm tăng tỷ lệ thai diễn tiến hay tỷ lệ sinh sống so với chuyển phôi tươi. Đây là một đề tài nóng được nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới thực hiện. 

Thực tế, ở Việt Nam mỗi năm có hơn 30.000 cặp vợ chồng thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và gần 40.000 trường hợp chuyển phôi đông lạnh. Công trình này giúp các cặp vợ chồng xác định kiểu chuyển phôi nào để tăng hiệu quả, giảm biến chứng, chi phí và thời gian điều trị.

tqb4

Bác sĩ Ngọc Lan đã giúp cho ra đời hơn 10.000 đứa trẻ bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh: NVCC.

Ngoài nhóm của PGS.TS Ngọc Lan, có nhiều quốc gia cũng đang thực hiện nghiên cứu về chuyển phôi tươi ở bệnh nhân không có buồng trứng đa nang, chẳng hạn như Mỹ, Anh, Úc, Đan Mạch hay Trung Quốc. Nhưng vì hoàn thành sớm, tạp chí quyết định đăng tải công trình của nhóm. 

Bài toán tối ưu nửa đại số 

Nghiên cứu nhận giải của PGS.TS Phạm Tiến Sơn là công trình về toán học, “Generic properties for semialgebraic programs” (Tính tổng quát của bài toán tối ưu nửa đại số), xuất bản trên tạp chí SIAM Journal on Optimization. Kết quả này giúp ông trở thành nhà toán học thứ 5 nhận giải Tạ Quang Bửu.

tqb5

Công trình của PGS.TS Tiến Sơn trên SIAM.

Ở công trình này, PGS.TS Tiến Sơn đã tập trung vào bài toán tìm giá trị nhỏ nhất của một hàm đa thức trên một tập nửa đại số, ông đã giải quyết được vấn đề ở cả khía cạnh lý thuyết và ứng dụng. Về lý thuyết, ông đã chứng minh được ba vấn đề quan trọng vốn gây hạn chế của hàm; về ứng dụng, ông chứng tỏ nghiệm tối ưu của hầu hết các bài toán tối ưu đa thức hoàn toàn.

tqb6

Thầy giáo Tiến Sơn hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại Đà Lạt. Ảnh: Phan Tuấn Anh/NVCC.

Ngoài ra, công trình này còn chỉ ra những giả thiết quan trọng trong tối ưu đều đúng với hầu hết các bài toán tối ưu nửa đại số. Các kết quả của công trình đã được đưa vào sách chuyên khảo Genericity in Polynomial Optimization nằm trong chuỗi các ấn phẩm về chủ đề tối ưu nửa đại số và ứng dụng của NXB World Scientific do giáo sư Jean Bernard Lasserre đề nghị viết. 

Vật liệu điện tử năng lượng thấp 

Năm 2020 là lần đầu tiên sau nhiều năm giải Tạ Quang Bửu không có hạng mục giải thưởng trẻ. Giải trẻ năm nay được trao cho TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu là tác giả duy nhất của nghiên cứu “Low-energy electron inelastic mean free path in materials” (Tính chất của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu) được đăng trên Applied Physics Letters.

tqb7

Công trình của TS Thanh Hiếu trên AIP.

Đây là đề tài rất rộng và chưa có quá nhiều người tìm ra hướng giải quyết triệt để, thế như TS Thanh Hiếu với nhiều năm kinh nghiệm tích lũy, đã tìm được lời giải để xác định quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu. 

Bài toán này hiện chưa được giải quyết một cách chính xác, bởi vì độ bất định lớn và kém tin cậy của các phương pháp hiện hành. Tuy nhiên, anh đã xác định được bằng cách tính hàm mất năng lượng bằng lý thuyết phiếm hàm mật độ phụ thuộc thời gian, đây là một phương pháp có độ chính xác cao.

tqb8

TS Thanh Hiếu, chủ nhân giải trẻ giải Tạ Quang Bửu 2020. Ảnh: Đại học Tôn Đức Thắng.

Từ lý thuyết, anh tiến hành chứng minh phương pháp của mình trên 10 loại chất rắn khác nhau. Kết quả không chỉ chứng minh được hội đồng xét duyệt của tạp chí, mà còn được giới khoa học chấp nhận qua việc có đến 12 trích dẫn trong nghiên cứu này được dùng ở nhiều tạp chí uy tín thế giới khác. 

Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 không chỉ có các công trình nghiên cứu mang tính học thuật, mà còn ứng dụng cao vào đời sống hằng ngày. Dự kiến giải sẽ được trao trực tuyến vào 18/5 tại Hà Nội, nhân dịp Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. 

 

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378