Mất 18 ngày chứng nhận, DN nông nghiệp công nghệ cao nhận nhiều ưu đãi 'khủng'
13-09-2019Chỉ mất 18 ngày để được cấp chứng nhận, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao sẽ hưởng được nhiều chính sách ưu đãi, lớn nhất là được vay vốn tối đa 10 tỉ, lãi suất 0%.
Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao sẽ nhận được nhiều ưu đãi khi được chứng nhận. Ảnh: Hà Thế An.
Theo bà Trần Thị Hường, Phòng khoa học và công nghệ, Sở NN&PTNT TP.HCM, hiện đơn vị mới chỉ cấp chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho 1 doanh nghiệp (công ty Trung Sơn) sau hơn 1 năm thực hiện chương trình này (tháng 6/2018). Doanh nghiệp phải đủ điều kiện tối thiểu 60% doanh thu sản phẩm từ việc ứng dụng công nghệ cao mới được xem xét cấp giấy chứng nhận. Tất cả quy trình để được cấp chứng nhận chỉ kéo dài 18 ngày.
Cũng theo bà Hường, một trong những yếu tố có thể sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn đó là các chỉ tiêu về môi trường. Bởi nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ở quy mô nhỏ, sẽ thiếu nguôn lực để xây dựng các hệ thống xử lý chất thải trong quá trình sản xuất. Và doanh nghiệp khi đầu tư một số tiền không nhỏ để đạt được các chỉ tiêu môi trường.
“Chúng tôi đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đề ra một quy định, doanh nghiệp chỉ cần đề xuất một kế hoạch cụ thể, và cam kết thực hiện theo lộ trình trong việc xử lý chất thải thì có thể đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận”- bà Hường nói.
Theo đó, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao sẽ được ưu đãi vay vốn tối đa 10 tỉ đồng, lãi suất 0%, được tham gia các chương trình kích cầu đầu tư của TP.HCM với mức hỗ trợ cao nhất, được hỗ trợ về đất đai…
Theo ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, mặc dù ưu đãi về khoản vay lớn nhưng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup sẽ khó tiếp cận vì vấn đề tài sản thế chấp. Theo quy định từ phía Ngân hàng, doanh nghiệp muốn vay 10 tỉ sẽ phải có tài sản thế chấp tới 20 tỉ mới được vay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp quy mô sản xuất nhỏ khó đáp ứng được yêu cầu này.
“Vì thế cần có những quy định mang tính sát sườn hơn để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay dễ dàng hơn. Cụ thể, cần phân định những quy định về điều kiện vay vốn cho từng mô hình doanh nghiệp để đưa ra những chính sách hợp lý, phù hợp với thực lực của họ. Doanh nghiệp lớn sẽ không thể có chính sách giống với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay startup được”- ông Thiện chia sẻ.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Kông Trà, đồng sáng lập startup bột rau má Quảng Thanh, cho biết những hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất thiết thực. Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp lo lắng nhất đó là thủ tục hành chính, và nó cần được đơn giản hóa. Vì doanh nghiệp cần duy trì hoạt động sản xuất, trong khi thủ tục giải quyết lâu thì sự hỗ trợ sẽ không được kịp thời nữa.
“Chúng tôi mong muốn, giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp công nghệ sản xuất các sản phẩm từ rau má có thể đến với nhiều người hơn. Chúng tôi muốn lan tỏa công nghệ này để giúp nông dân ứng dụng công nghệ nhiều hơn cho sản xuất nông nghiệp”- bà Trà nói.
Doanh nghiệp muốn đăng ký cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần phải đạt tiêu chí nằm trong danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp gồm: Công nghệ sinh học; Kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản; Công nghệ tự động hóa; Công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp. Phòng khoa học và công nghệ, Sở NN&PTNT TP.HCM, số 176 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM là cơ quan trực tiếp tiếp nhận đăng ký của doanh nghiệp. Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do UBND TP.HCM cấp. |