SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Sinh viên ngành CNTT-VT sẵn sàng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

26-05-2018

Trong hai ngày 7 và 8/11, Hội Tin học TP.HCM phối hợp cùng Saigon Innovation Hub tổ chức buổi giao lưu Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT-VT lần lượt tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - cơ sở TP.HCM và ĐH Quốc tế Miền Đông (Bình Dương).

 

Hoạt động cộng đồng 2017 với chủ đề Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT-VT do Hội Tin học TP.HCM (HCA) phối hợp tổ chức cùng các trường Đại học – Cao đẳng TP.HCM; Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp – Saigon Innovation Hub (thuộc Sở KHCN TP.HCM) cùng các doanh nghiệp ngành CNTT-VT.

Chương trình được chỉ đạo bởi Sở Khoa học Công nghệ TPHCM; bảo trợ bởi Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp ICT TP.HCM.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - cơ sở TP.HCM và ĐH quốc tế Miền Đông là điểm trường thứ 7 và 8 trong chương trình năm nay.

Tham gia buổi giao lưu tại điểm trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - cơ sở TP.HCM có ông Vũ Thái Bình (Giám đốc Trung tâm Điều hành và Giám sát dịch vụ - FPT Telecom), ông Hà Như Hải (Phó Giám đốc Công ty CMC Telecom miền Nam), ông Vũ Anh Tuấn (Tổng Thư ký HCA, Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp phần mềm Quang Trung, Phó Chủ tịch thường trực Ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp ICT TP.HCM).

Những chia sẻ và trình bày tại buổi giao lưu xoay quanh các nội dung về phát triển con đường sự nghiệp; khởi nghiệp ngành công nghệ thông tin – viễn thông; xu hướng khởi nghiệp, mảng ngành đang được quan tâm và phù hợp;… Qua đó giúp các bạn sinh viên hình dung và định hướng rõ hơn mục tiêu nghề nghiệp và tự hoạch định chiến lược cho sự nghiệp của mình; hiểu rõ hơn về cách thức, kinh nghiệm trong khởi nghiệp ngành công nghệ thông tin – viễn thông; có cái nhìn tổng quát về bức tranh khởi nghiệp tại Việt Nam để từ đó hoạch định kế hoạch tương lai cho bản thân mình. 

  

Theo ông Hà Như Hải, khởi nghiệp là giai đoạn đầu của quá trình lập nghiệp, bằng những ý tưởng sáng tạo, có tính đột phá, nhằm giải quyết vấn đề nào đó của xã hội. Ý tưởng đó sẽ rất khó thành công nếu chỉ một mình người có ý tưởng triển khai thực hiện. Khởi nghiệp cần đi từ hệ sinh thái khởi nghiệp mà ở đó có sự hỗ trợ của các thành phần như các cơ quan ban ngành, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, vườn ươm,… Tại Việt Nam, khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ thông tin – viễn thông hiện nay tập trung nhiều ở các lĩnh vực Smart City (thành phố thông minh), Fintech (dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ), AI (trí tuệ nhân tạo), công nghệ Blockchain,... Các bạn trẻ có thể đề xuất ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp của mình để giải quyết các vấn đề cụ thể của những lĩnh vực này như: đỗ xe thông minh, điện/lưới điện thông minh, giao thông thông minh, thanh toán, cho vay, huy động vốn, quản lý sàn online, tài chính cá nhân, đối thoại qua AI/Bots (chatbot), thị giác, ô tô, robot, an ninh mạng, dịch vụ ví và tiền, dịch vụ đại lý, quản lý nội dung, định danh và IoT, tiền tệ và dịch vụ doanh nghiệp.

Để thành công, theo ông Hải, các bạn trẻ cần thể hiện tinh thần/thái độ khởi nghiệp nghiêm túc, tác phong chuyên nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp chính là chịu tìm tòi, học hỏi, đọc sách, nghiên cứu, thậm chí phải biết “nghe chửi” từ người giỏi hơn mình, từ đó có thể thay đổi thái độ, nhận thức. Đồng thời, các bạn nên có những trải nghiệm sớm từ những việc nhỏ, đạt mục tiêu nhỏ và hiểu được xu hướng của công nghệ thông tin hiện nay. Ông Hải cho biết thêm, hiện CMC Telecom đang vận hành Qũy sáng tạo CMC Innovation quy mô 50 tỷ đồng nhằm tìm kiếm và phát triển các ý tưởng, sản phẩm, giải pháp và dịch vụ trên nền tảng công nghệ. Các ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp trong lĩnh vực an toàn, Cloud, IoT, AI, Big Data,… sẽ có cơ hội nhận được hỗ trợ 2 tỷ đồng/ý tưởng từ quỹ đầu tư này.

Tại điểm trường ĐH Quốc tế Miền Đông, ông Đoàn Xuân Huy Minh đến từ Viện Khoa học Công nghệ và Tính toán (đơn vị thuộc Sở KHCN TP.HCM) đã chia sẻ với đông đảo các bạn sinh viên về tình hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam và làm thế nào để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp.

 

Ông Minh cho biết, thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hiện rất thuận lợi, có hơn 400.000 sinh viên tốt nghiệp hằng năm, 25.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đã hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, hơn 30 quỹ đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường đổi mới sáng tạo.

Cũng theo ông Minh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực CNTT thậm chí còn có nhiều cơ hội, sự thuận lợi hơn bởi vì sản phẩm đa dạng, không cần nhiều vốn, không đòi hỏi công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), trong khi đó quy mô thị trường lại lớn, nguồn nhân lực trẻ.

"Dẫu thế, sự cạnh tranh và đào thải ở lĩnh vực này cũng rất khốc liệt", đại diện Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán cho biết.

Còn theo lời bà Văn Thị Bích Ty, cách mạng công nghiệp 4.0 là nói đến hệ thống kết nối máy móc, mạng kết nối vạn vật, công nghệ in 3D, các công nghiệp kết nối thông qua tự động hóa thông minh (robot), hệ thống điều khiển mạng quốc tế. "Ở đó các thiết bị sẽ kết nối thông minh hơn, độc lập hơn, sự bùng nổ của dữ liệu phân tích dữ liệu và tầm quan trọng của phần mềm, theo đó thiết kế công nghiệp sẽ là một lĩnh vực trong tương lai khi in 3D trở nên phổ biến", bà Ty nhấn mạnh.

Vẫn theo lời bà Ty, các bạn sinh viên từ năm 2 trở lên nên tìm đến những môi trường doanh nghiệp để thực tập, nâng cao kiến thức chuyên môn và thực hành. Sinh viên giữa các khoa cũng nên thành lập những CLB giao lưu để học hỏi, lắng nghe nhu cầu của nhau cũng chính là cách tạo nền tảng của startup. Bước vào cách mạng công nghiệp 4.0, sinh viên cần trang bị tốt ngoại ngữ để tiếp thu kiến thức mới, không chỉ 1 mà phải biết từ 2-3 ngoại ngữ để tăng cường khả năng tự học, giao tiếp, hòa nhập với lực lượng lao động toàn cầu. Khi làm startup đừng nghĩ đến sản phẩm dành cho Việt Nam mà đến lúc phải nghĩ đến thị trường toàn cầu.


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378