Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt nêu 6 phương hướng trọng tâm của ngành trong thời gian tới, gồm: hoàn thiện thể chế; tăng cường đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo; phát triển thị trường KH-CN và đổi mới sáng tạo; tập trung cho đổi mới công nghệ; chú trọng phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Trong đó có việc sẽ xây dựng, tổ chức thực hiện từ 1 -2 chương trình, dự án phát triển công nghệ lớn, có tầm vóc, với sự tham gia của cả khu vực công và tư nhân, có cơ chế thu hút đa dạng nguồn lực để tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của KH-CN: quốc gia muốn phát triển đột phá phải có KH-CN đóng vai trò dẫn dắt, đột phá. Ở thời điểm nào, Đảng ta cũng xác định tầm quan trọng của KH-CN, hiện KH-CN được xác định là quốc sách hàng đầu.
Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của mỗi quốc gia và mọi mặt đời sống hiện nay, Thủ tướng cho rằng, Bộ KH-CN phải đóng vai trò trung tâm điều phối, kết nối phát triển KH-CN của các bộ, ngành, địa phương và truyền cảm hứng cho các nhà khoa học. Quan trọng nhất là phải thiết kế được thể chế, cơ chế, chính sách để hàng trăm nghìn doanh nghiệp, cả xã hội cùng vào cuộc để thúc đẩy KH-CN tiếp tục phát triển.
Theo Thủ tướng, hiện nay thị trường KH-CN chưa thực sự phát triển. Đội ngũ KH-CN vừa thiếu, vừa thừa, ít công trình nổi tiếng. Nguyên nhân là do cơ chế, thể chế, chính sách còn hạn hẹp; chưa đi đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng hướng; nguồn lực đầu tư chưa xứng tầm; còn những bất cập trong công tác truyền thông, khen thưởng, tôn vinh các nhà khoa học…
Thủ tướng yêu cầu hành động phải quyết liệt để tiếp tục thúc đẩy KH-CN phát triển mạnh mẽ. Nghiên cứu, ứng dụng KH-CN phải đi vào cái ta cần chứ không phải cái ta có. Phát triển thị trường KH-CN đúng nghĩa để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo, cái gì doanh nghiệp và xã hội làm được, làm tốt hơn thì để doanh nghiệp và xã hội làm. Đơn cử như về nghiên cứu, sản xuất vaccine, Bộ KH-CN phải ngồi cùng, sát cánh với các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp để thúc đẩy, phát huy bản lĩnh, trí tuệ người Việt Nam trong nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách này.
Thủ tướng cũng cho rằng phải xây dựng cơ chế, tạo động lực phát triển KH-CN, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với phát triển kinh tế-xã hội theo chiều sâu, bền vững, phát triển KH-CN gắn với phát triển văn hóa và con người.
Thủ tướng chỉ rõ, đầu tư KH-CN phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược và phù hợp với tiềm năng, thế mạnh từng vùng miền, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chỉ số phát triển con người. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế sâu rộng để phục vụ 3 khâu đột phá chiến lược, trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh Covid-19; góp phần phát triển công nghiệp quốc phòng và an ninh theo hướng ứng dụng.
Thủ tướng giao Bộ KH-CN, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích nghiên cứu KH-CN phục vụ phòng chống dịch và sản xuất vaccine ngừa Covid-19, trong đó có quy định về đầu tư rủi ro. Đồng thời, sửa đổi các quy định về tài chính cho nghiên cứu, ứng dụng KH-CN; làm tốt công tác tôn vinh các nhà khoa học…