SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam

05-08-2019

Điện mặt trời kết hợp làm nông nghiệp hoặc nông nghiệp công nghệ cao vừa có lợi giảm thiếu hụt nguồn điện tại chỗ, vừa tạo thêm việc làm và phát triển nông nghiệp địa phương.

 

Sáng ngày 3/8/2019, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao phối hợp với công ty năng lượng Vũ Phong tổ chức buổi hội thảo chia sẻ về năng lượng tái tạo, đặc biệt là xây dựng, phát triển hệ thống năng lượng mặt trời.

Tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam - 1

Năng lượng tái tạo là xu hướng phát triển của thế giới nhằm thay thế cho nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển ngành này, với cường độ bức xạ mặt trời khá cao trên thế giới, trung bình khoảng 4,6 kWh/m2/ngày, số giờ nắng bình quân trong năm từ 2.500 - 3.000 giờ và bờ biển dài trên 3.260 km, gió biển quanh năm. Ngoài ra, Nhà nước cũng đã đưa ra nhiều chính sách, ưu đãi cho các nhà đầu tư nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Nhưng đến nay, các nguồn năng lượng sạch (mặt trời, gió, sinh khối) ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng.

Ông Lê Thành Nguyên– Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC) cho biết, hội thảo lần này với mục tiêu chia sẻ, thảo luận về các xu hướng phát triển trong ngành năng lượng mặt trời và những cơ hội, thách thức dành cho các công ty khởi nghiệp/đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng tái tạo có thể ứng dụng phát triển.

Tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam - 2

Ông Lê Thành Nguyên - Giám đốc Vườn ươm công nghệ cao

Bên cạnh việc kết nối các chuyên gia, cố vấn giàu kinh nghiệm với các dự án khởi nghiệp quan tâm đến ngành năng lượng sạch, SHTP-IC mong muốn có thể tìm kiếm được những dự án tiềm năng hoạt động trong lĩnh vực này để hỗ trợ, cũng như thúc đẩy họ phát triển.

 

Tại buổi hội thảo, diễn giả Phạm Nam Phong – Giám đốc và nhà sáng lập công ty năng lượng Vũ phong đã có buổi chia sẻ về sự phát triển, tiềm năng của năng lượng mặt trời. Trong đó ông nhấn mạnh về tốc độ thay đổi của công nghệ năng lượng mặt trời cũng như tốc độ phát triển của các nông trại năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Hàng loạt dự án điện mặt trời "triệu đô" đáng chú ý như nhà máy Tata Power công suất 300 MW tại Hà Tĩnh, nhà máy Hanwha công suất 100-200 MW tại Thừa Thiên Huế, nhà máy GT & Associates và Mashall & Street Ltd công suất 150 MW tại Quảng Nam.

Chỉ riêng công ty Vũ Phong Solar cũng đã triển khai hơn 1000 dự án trên khắp cả nước. Ngoài việc đưa nguồn năng lượng sạch này đến từng hộ gia đình, những năm gần đây Vũ Phong tích cực phát triển lắp đặt hệ thống tại các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất. Đáng chú ý là Dự án Điện Mặt Trời do Công ty Vũ Phong vừa hoàn thành tại Trường Sa có công suất 13kWp cung cấp mỗi ngày hơn 60kWh điện phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt & lọc nước biển thành nước ngọt trên đảo.

Ngoài ra, công ty cũng hoàn thành thi công 48 trụ đèn đường năng lượng mặt trời ở Côn Đảo, chiếu sáng, hàng loạt dự án điện mặt trời hòa lưới, điện mặt trời độc lập trên đảo Phú Quốc và nhiều hòn đảo lớn nhỏ khác.

Tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam - 3

Ông Phạm Nam Phong - Giám đốc công ty năng lượng Vũ Phong chia sẻ về tiềm năng của năng lượng mặt trời tại Việt Nam.

Theo ông Phong, giảm phát thải nhà kính, làm mát mái nhà xưởng, sử dụng nguồn điện ổn định, đặc biệt là nâng cao hình ảnh và giảm thiểu chi phí điện giá cao sử dụng ban ngày – là những lợi ích mà doanh nghiệp thu được khi sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời.

Hiện nay, trung bình cứ 7-8m2 diện tích sẽ lắp được một đơn vị công suất điện mặt trời là 1 kWp (kilo watt peak), có mức đầu tư từ 1.000 – 1.300$/kWp (thấp hơn nếu quy mô lên đến vài MWp) cho một hệ thống đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đảm bảo độ bền 25 – 30 năm, với toàn bộ chi phí trọn gói từ khảo sát, thiết kế đến thi công hoàn chỉnh. Việc áp dụng điện mặt trời có thể giúp doanh nghiệp giảm được từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng tiền điện mỗi năm. 

Tại Ninh Thuận vừa qua Vũ Phong Solar cũng tham gia đầu tư một mô hình trang trại nông nghiệp công nghệ cao, và lắp 1MWp trên mái làm mô hình mẫu để giới thiệu về tính hiệu quả cho khách hàng tham quan, và tham khảo mô hình để đầu tư tại địa phương mình.

Theo ông Phong, điện mặt trời kết hợp làm nông nghiệp hoặc nông nghiệp công nghệ cao phù hợp ở tất cả các tỉnh thành, đấu nối vào đường dây 22KV có ở khắp mọi nơi, vừa có lợi giảm thiếu hụt nguồn điện tại chỗ, vừa tạo thêm việc làm và phát triển nông nghiệp địa phương, là mô hình mà các tỉnh thành nên khuyến khích.

Kết quả từ mô hình 1MWp mẫu mà Vũ Phong Solar đã tham gia đầu tư cho thấy trong tháng 7/2019, sản xuất được hơn 140MWh điện, quy đổi doanh thu khoảng 300 triệu đồng theo giá 9.35 cent đã ký hợp đồng bán điện, ngoài ra mô hình trồng nấm và các loại cây khác đang triển khai cũng sẽ mang lại nguồn lợi nhuận cao.

Với một mái tòa nhà có diện tích khoảng 400m2 – 4.000m2 sẽ lắp được khoảng 50 - 500 kWp, tương đương sản xuất được khoảng 75.000 – 750.000 kWh điện mỗi năm. Giá điện kinh doanh hiện nay vào ban ngày có thể lên đến hơn 4.000 đồng/kWh nên thời gian hoàn vốn là ngắn nhất trong tất cả các đối tượng sử dụng điện mặt trời.

 

Minh Phan - khampha.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378