TP.HCM triển khai AI: Hướng tới đô thị thông minh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững

Ngày: 15-07-2025
Năm 2025 đánh dấu bước tiến mới trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu đưa TP.HCM trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu cả nước và khu vực. Ủy ban nhân dân TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030” với định hướng rõ ràng, hệ thống mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể, gắn với các chính sách chiến lược lớn về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Thành phố.

Kế hoạch 4738/KH-UBND ngày 26/6/2025 của Ủy ban nhân dân TP.HCM được xây dựng trên cơ sở Quyết định số 575/QĐ-UBND ngày 23/02/2021 và Kế hoạch hành động 459-KH/TU của Thành ủy, về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu cụ thể hóa và thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu, triển khai và chuyển giao các ứng dụng AI tạo nền tảng cho sự đổi mới sáng tạo và ứng dụng  thực tiễn trong các ngành trọng điểm. 

20250708.jpg

Không chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ, kế hoạch còn nhấn mạnh đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái AI bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển đô thị thông minh. Đây cũng là năm TP.HCM chọn làm điểm nhấn chuyển biến về tổ chức bộ máy, chuyển đổi số, tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế và hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các chương trình công nghệ cao, trong đó có AI, phát huy hiệu quả tối đa.

Trong bối cảnh AI không thể phát triển nếu thiếu một nền tảng hạ tầng kỹ thuật hiện đại, TP.HCM xác định đầu tư và nâng cấp hạ tầng số là nhiệm vụ tiên quyết. Hạ tầng mạng 5G được tiếp tục mở rộng, bảo đảm tỷ lệ phủ sóng tối thiểu 60% toàn Thành phố và đạt trên 80% tại các khu vực trọng điểm như trung tâm Thành phố, khu công nghệ cao, nhà ga, cảng biển.

Đồng thời, hạ tầng IoT tích hợp AI sẽ được triển khai cho ít nhất ba dịch vụ thiết yếu như giao thông, môi trường, điện năng. Một nền tảng tích hợp dữ liệu IoT phục vụ vận hành đô thị thông minh cũng được triển khai tại Công viên Phần mềm Quang Trung, kỳ vọng trở thành mô hình mẫu cho các địa phương khác.

TP.HCM cũng tiếp tục thúc đẩy chiến lược quản trị dữ liệu, tập trung hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở. Một nền tảng chia sẻ dữ liệu đã chuẩn hóa và gắn nhãn sẽ được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huấn luyện các mô hình AI trong các lĩnh vực công.

Bên cạnh đó, các hoạt động như Hội thi “Thử thách trí tuệ nhân tạo” (AI Challenge) hay Cuộc thi AI.Star sẽ tiếp tục được nâng tầm, tạo sân chơi kết nối nhà nghiên cứu, startup, doanh nghiệp công nghệ với hệ sinh thái chính sách và đầu tư của Thành phố. 

Ngoài ra, kế hoạch cũng hướng đến việc thành lập Trung tâm hỗ trợ, phát triển và chuyển giao AI (HAIS) trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Trung tâm này cùng với Cổng thông tin AI sẽ đóng vai trò cầu nối giữa các nhà khoa học và tổ chức ứng dụng, góp phần tăng cường năng lực chuyển giao và thương mại hóa công nghệ AI.

Kế hoạch năm 2025 đặt đào tạo nhân lực AI là nhiệm vụ chiến lược, với mục tiêu phổ cập kiến thức về AI và STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) cho học sinh phổ thông. Song song đó, kế hoạch triển khai ít nhất 10 lớp bồi dưỡng kiến thức về AI cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP.HCM” không còn là một kế hoạch mang tính thử nghiệm hay định hướng dài hạn, mà đã bước vào giai đoạn hiện thực hóa mạnh mẽ với mục tiêu rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể và hệ sinh thái triển khai bài bản. Bằng việc gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và thương mại hóa công nghệ, TP.HCM không chỉ đặt ra tầm nhìn phát triển công nghệ, mà còn khẳng định vị thế đầu tàu đổi mới sáng tạo của cả nước trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.

Minh Nhã (CESTI)