TP.HCM ưu tiên cho các dự án công nghệ cao, công nghệ mới
09-05-2019Lãnh đạo thành phố rất mong các DN đầu tư vào TP.HCM bằng các công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến để cùng với thành phố thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
Xây dựng khu công nghiệp mới có chất lượng
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, năm 2019, Thành phố đặt mục tiêu duy trì mức đóng góp ngân sách chiếm 27 - 28% cả nước, phấn đấu nâng mức tỷ trọng đóng góp tổng sản phẩm nội địa hiện tại từ 23% lên 25%, GRDP tăng từ 8,3% - 8,5% và phấn đấu liên tục thăng hạng trong các bảng tổng sắp về sức mạnh kinh tế và quản trị xã hội.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại Hội thảo.
Để đạt được những mục tiêu đó, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh thành phố cần tiếp tục tăng cường quỹ đất cho công nghiệp, làm cơ sở để thu hút vốn đầu tư. Thành phố đã thành lập Tổ Công tác để thực hiện khảo sát làm rõ hiện trạng sử dụng đất, việc kết nối hạ tầng và tham mưu hướng xử lý đối với phần diện tích đất khoảng 1.000 ha dự kiến bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020.
Đồng thời, trong phương án mở rộng các khu công nghiệp cũng sẽ tính tới việc xây dựng khu công nghiệp mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao phù hợp với các doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ cao và công nghệ mới. Bên cạnh đó, thành phố khuyến khích các dự án có chuyển giao các công nghệ mới, công nghệ nguồn và dự án có xây dựng các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D); đầu tư phát triển hạ tầng (hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội).
Với tinh thần này, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế thúc đẩy sáng tạo và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án được tiến hành chủ yếu bằng hình thức tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch. Hình thành các liên kết giữa các loại hình DN có vốn FDI và đầu tư trong nước, từ đó tạo ra các chuỗi giá trị và nâng cao giá trị thành phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Thành phố cũng cần tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh”. Bốn mục tiêu của đô thị thông minh là: đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, phát triển bền vững; dịch vụ phát triển, môi trường sống tốt, hạ tầng, y tế, giáo dục tốt; người dân và doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn; người dân và doanh nghiệp tham gia quản lý và giám sát chính quyền.
Ông Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các doanh nghiệp tại sự kiện.
Để phát triển hướng tới 4 mục tiêu này, Thành phố tiếp tục tập trung triển khai 4 giải pháp, là: xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; xây dựng Trung tâm an toàn, an ninh thông tin.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, Thành phố trân trọng sự đóng góp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước và cam kết sẽ làm hết sức mình để bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư. Cũng theo ông Phong, Thành phố đang đẩy mạnh ứng dụng phát triển khoa học công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả tại TP.HCM.
Toàn cảnh hội nghị.
Ở góc độ nhà đầu tư, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG đánh giá, tại TP.HCM du lịch, khách sạn và vui chơi giải trí là các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng phát triển, cần được khai thác đa dạng hơn nữa, đây cũng là các lĩnh vực mà Tập đoàn BRG có thế mạnh và kinh nghiệm. Bà Nga hoan nghênh việc thành phố đã áp dụng công nghệ để chia sẻ thông tin cho các nhà đầu tư như ứng dụng tìm kiếm thông tin quy hoạch, ứng dụng tra cứu các dự án mời gọi đầu tư trực tuyến.
Bà Nga cho rằng, đây là những bước đi tích cực trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa thông tin và kiến nghị TP.HCM tiếp tục có những chính sách cởi mở và những cam kết mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sau khi lắng nghe phát biểu của các DN, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận các kiến nghị của DN và bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư, DN tiếp tục đóng góp ý kiến nhằm cải thiện môi trường đầu tư cũng như nêu những thắc mắc, đề xuất trong quá trình tiếp cận các dự án đang kêu gọi đầu tư để cùng thành phố đề ra các giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp phục vụ yêu cầu của DN.
Lãnh đạo thành phố rất mong các DN đầu tư vào TP.HCM bằng các công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến để cùng với thành phố thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
"Đề nghị lãnh đạo UBND thành phố sẽ có những chỉ đạo cụ thể đối với các sở, ngành nghiên cứu những câu hỏi, đề xuất của các DN trong quá trình tiếp cận các dự án đầu tư để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ các DN phát triển đầu tư, kinh doanh, gắn bó lâu dài với thành phố"- ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Tại hội nghị lần này, TP.HCM giới thiệu mời gọi đầu tư vào 210 dự án trọng điểm, với tổng nhu cầu vốn đầu tư là 1.183.610 tỷ đồng, tương đương 53,804 tỷ USD, gồm các lĩnh vực: hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng; nông nghiệp; thương mại – dịch vụ; chỉnh trang đô thị; giáo dục; y tế; văn hóa - thể thao; du lịch - giải trí. |
Long Khánh - khampha.vn