Việt Nam thử nghiệm vaccine Covid-19 trên chuột
04-05-2020Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã bước đầu thành công trong việc nghiên cứu dự tuyển vaccine và tiêm thử nghiệm trên chuột.
Sáng 3/5, Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã có 17 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, cùng với đó là thông tin về việc công ty VABIOTECH thử nghiệm vaccine chống Covid-19 trên chuột.
Việt Nam đã bước đầu thành công trong việc nghiên cứu dự tuyển vaccine và tiêm thử nghiệm trên chuột. Ảnh minh họa.
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH, cho biết: “Ngay từ khi Việt Nam ghi nhận những những mắc Covid-19 đầu tiên, các nhà khoa học của công ty đã hợp tác cùng Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vaccine phòng SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ vector virus. Nghiên cứu đã thành công trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus này.”
Cơ chế giúp cơ thể phòng bệnh, chính là dùng kháng nguyên của nCoV có trong thành phần vaccine tiêm vào người, từ đó cơ thể sẽ sinh ra kháng thể chủ động chống lại SARS-CoV-2. Đây là nguyên liệu quan trọng trong việc sản xuất ra vaccine ngăn ngừa đại dịch.
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt tin tưởng Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia trên thế giới sớm sản xuất thành công vaccine chống nCoV.
Sau khi dự tuyển vaccine phòng Covid-19 ở quy mô phòng thí nghiệm thành công, các nhà khoa học của công ty đã tiêm thử nghiệm trên chuột và theo dõi để đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.
Quá trình giám sát diễn ra trong vài tuần, kết quả thu thập cùng mẫu máu của chuột sẽ được gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá về khả năng sinh miễn dịch (kháng thể) chống lại nCoV.
Buổi chia sẻ về hợp tác sản xuất vaccine giữa VABIOTECH và Đại học Bristol. Ảnh: BTC.
TS Đạt cho biết, sau giai đoạn này, vaccine phòng Covid-19 sẽ tiếp tục được nghiên cứu để xây dựng quy trình sản xuất và tiêm thử nghiệm trên động vật nhằm đánh giá thêm về tính an toàn cũng như tính sinh miễn dịch của dự tuyển vaccine này. Xa hơn, sẽ xác định tiềm năng của công nghệ này trong việc phát triển vaccine phòng bệnh cho người.