Vườn ươm sáng tạo trẻ: 'Chọn giống' khắt khe để 'gặt' nhiều công bố quốc tế
29-07-2019Những đề tài nghiên cứu cơ bản phải cam kết có công bố quốc tế, các đề tài nghiên cứu ứng dụng phải có địa chỉ chuyển giao, nhóm nghiên cứu phải có năng lực mới được tham gia ươm tạo.
Chính yếu tố khắt khe trong việc tuyển chọn “hạt giống” tham gia chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ đã là động lực để nhiều nhà khoa học trẻ tạo dựng được những thành công nhất định. Tính đến nay, sau gần 2 năm chương trình Vườn ươm được Thành đoàn TP.HCM quản lý, nhiều công trình nghiên cứu đã có công bố quốc tế.
Các kết quả nghiên cứu của nhà khoa học trẻ được công bố dưới dạng poster tại Hội nghị tổng kết chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học và công nghệ trẻ tổ chức tại Thành đoàn TP.HCM chiều 26/07. Ảnh: Hà Thế An.
Anh Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM cho biết, từ năm 2017 Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tạo điều kiện cho đơn vị trực tiếp quản lý chương trình Vườn ươm. Đây là một quyết định mang tính cấp thiết và tạo nhiều thuận lợi cho Thành đoàn TP.HCM trong việc chủ động trong việc xét duyệt, lập hội đồng, cấp kinh phí cho các nhà khoa học trẻ nghiên cứu khoa học.
“Một kết quả minh chứng cho sự chuyển biến này là các công bố khoa học quốc tế cho các đề tài nghiên cứu khi tham gia Vườn ươm đã tăng lên đáng kể. Năm 2017 chỉ có 6 bài báo khoa học ISI, nhưng sang năm 2018 có đến 16 bài báo ISI được công bố. Mặc dù kinh phí tham gia chương trình chỉ khoảng 100 triệu đồng/đề tài nhưng kết quả như vậy là rất đáng khích lệ”- anh Thành tự hào nói.
Có được kết quả này, theo anh Thành đến từ việc tuyển chọn “hạt giống” tham gia chương trình. Những đề tài nghiên cứu cơ bản phải cam kết có công bố quốc tế, các đề tài nghiên cứu ứng dụng phải có địa chỉ chuyển giao, nhóm nghiên cứu phải có năng lực mới được tham gia chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ.
Ngoài ra, Thành đoàn TP.HCM cũng tổ chức các khóa đào tạo phương pháp viết bài báo khoa học với sự tham gia của nhiều chuyên gia dày dạn kinh nghiệm nhằm hỗ trợ nhà khoa học trẻ. Song song đó, Thành đoàn TP.HCM cũng luôn “kề vai sát cánh” theo dõi, liên hệ thường xuyên với các nhóm đề tài tham gia chương trình Vườn ươm để thúc đẩy tiến độ công việc như trong cam kết.
Hiện nay, phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có chủ trương sẽ tăng kinh phí nghiên cứu cho mỗi đề tài. Phương án này đang được nghiên cứu để đưa ra mức tăng cụ thể trong thời gian tới.
Anh Thành cho biết thêm, khi tham gia chương trình Vườn ươm và đề tài được nghiệm thu có kết quả tốt, nếu nhóm đề tài có nhu cầu, Thành đoàn TP.HCM sẽ đề xuất tham gia chương trình nghiên cứu khoa học của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM với mức kinh phí được cấp cao hơn.
Thành đoàn TP.HCM tặng bằng khen cho 11 tác giả có những bài báo công bố quốc tế khi tham gia chương trình Vườn ươm. Ảnh: Hà Thế An.
Th.s Huỳnh Thiên Tài, Giảng viên ĐH Tài nguyên Môi trường phân hiệu TP.HCM từng tham gia chương trình Vườn ươm năm 2018. Đến nay, Th.s Tài đã có 4 công bố quốc tế ISI cho các nghiên cứu về công nghệ nano ứng dụng trong môi trường. Có được những kết quả này là nhờ sự tạo điều kiện tốt nhất từ phía Thành đoàn TP.HCM.
“Kinh nghiệm của bản thân tôi khi tham gia chương trình Vườn ươm là mỗi cá nhân, nhóm nghiên cứu phải đưa ra được tính cấp thiết, giá trị thực tiễn và hướng nghiên cứu mới của mình khi tham gia thuyết trình trước hội đồng chuyên môn. Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu cần tham gia các khóa đào tạo viết bài báo quốc tế để có những kiến thức đầy đủ hơn trước khi làm các công bố khoa học trên các báo, tạp chí khoa học uy tín”- Th.s Tài nói.