SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
GenAI có thể được ứng dụng vào từng tình huống cụ thể như xây dựng trợ lý cá nhân; phân tích và đánh giá dữ liệu, vẽ biểu đồ; tra cứu tài liệu học thuật; lập kế hoạch triển khai chương trình – sự kiện; dịch thuật viên chuyên nghiệp; tóm tắt và ghi biên bản cuộc họp…

Ngày 11/6/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức buổi tập huấn “Tổng quan ứng dụng GenAI và ChatGPT”. Báo cáo viên là Th.S Ngô Hữu Thống (Phó Viện trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo Doanh nghiệp - 3AI).

 

genai

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những lĩnh vực công nghệ phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng lớn. Những tiến bộ về AI đang cung cấp các công cụ và chiến lược mới để giải quyết nhiều vấn đề kinh doanh khác nhau. GenAI, một lĩnh vực con của AI, đã thu hút sự chú ý đáng kể với khả năng tạo ra nội dung, cho dù đó là văn bản, hình ảnh, video hay âm thanh. Điều đặc biệt là GenAI có thể tạo ra các đoạn văn bản có tính sáng tạo và phù hợp với ngữ cảnh, giúp tiết kiệm thời gian và công sức của người dùng.

ChatGPT là chatbot có chức năng chính là phát triển ngôn ngữ dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo. Nó được đào tạo liên tục để duy trì cuộc trò chuyện được liền mạch, ví dụ như các đoạn văn bản tự động và có tính sáng tạo. ChatGPT được xây dựng trên nền tảng của GenAI, một lĩnh vực con của AI tập trung vào việc tạo ra các đầu ra mới thay vì phân tích dữ liệu. GenAI sử dụng mạng neural để tạo ra nội dung, chẳng hạn như văn bản, hình ảnh, video hoặc âm thanh, từ các loại đầu vào khác nhau. Ý tưởng cơ bản đằng sau GenAI là dạy cho máy tính tạo ra nội dung giống như nội dung do con người tạo ra. Nó được cung cấp sức mạnh bởi các mô hình học sâu sử dụng phương pháp diffusion, GPT (generative pre-trained transformer) và các kỹ thuật khác được đào tạo trên lượng lớn dữ liệu để học các mẫu và tạo ra nội dung liên kết và phù hợp với ngữ cảnh.

Theo Th.S Ngô Hữu Thống, người dùng nên xem GenAI như một công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp tiết kiệm thời gian, mở rộng khả năng và khám phá những ý tưởng mới. Khi sử dụng, cần kiểm tra lại thông tin từ các nguồn đáng tin cậy cũng như cân nhắc sử dụng các công cụ và kỹ thuật để giảm thiểu sự thiên vị trong kết quả của GenAI. Bên cạnh đó, tránh sử dụng GenAI cho các mục đích độc hại, như tạo ra thông tin sai lệch, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm quyền riêng tư, kết hợp tuân thủ các quy định về bản quyền và sở hữu trí tuệ khi sử dụng nội dung do GenAI tạo ra.

 

Chiều 25/6, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sự kiện kết nối sáng tạo tháng 6/2024 với chủ đề “Nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi số phục vụ ngành báo chí”.

Chương trình thuộc chuỗi sự kiện Inno-coffee năm 2024 (kết nối hợp tác giữa khu vực nghiên cứu và khu vực công), là một trong các hoạt động có ý nghĩa nhằm hưởng ứng 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6. Đây là dịp để những nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí cập nhật thêm nhiều nội dung mới thuộc lý luận chung về xu hướng chuyển đổi số; phân tích, đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với báo chí trong tình hình chuyển đổi số hiện nay. Từ đó đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí TP.HCM theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

T6CDSBAOCHISEPMINH.jpg

TS. Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM) phát biểu khai mạc sự kiện.

Tại sự kiện, ThS. Nguyễn Văn Khanh (Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM) đã trình bày tham luận đề dẫn: “Thực trạng và một số giải pháp chuyển đổi số phục vụ ngành báo chí tại TP.HCM”. Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng trình bày nhiều báo cáo tham luận như Các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí ở TP.HCM; Ngôn ngữ học tính toán và báo chí; Áp dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam & thế giới giúp tối ưu quy trình sản xuất tác phẩm báo chí.

T6CDSBAOCHITL2.jpg

ThS. Nguyễn Văn Khanh (Phó Giám đốc Trung Tâm Báo chí TP.HCM) trình bày tham luận tại sự kiện.

Theo ông Khanh, câu chuyện chuyển đổi số hiện nay được nhắc đến trong hầu hết các lĩnh vực. Báo chí cũng không ngoài cuộc. Trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng, thì các cơ quan báo chí bắt buộc phải nhanh chóng đón đầu công cuộc chuyển đổi số, phải có tư duy sáng tạo khi tạo ra sản phẩm, nhằm phục vụ độc giả, khán thính giả được tốt hơn.

Việc ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ thông minh nhân tạo (AI), phân tích và xử lý dữ liệu lớn (Big Data analytics), lưu trữ đám mây (Cloud)… trong lĩnh vực báo chí đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí công dân, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo. Điển hình, Báo Tuổi trẻ đã thành lập Trung tâm Phát triển nội dung số trên cơ sở sáp nhập media và các bộ phận liên quan đến hoạt động về phân tích dữ liệu, tương tác với bạn đọc, mạng xã hội. Báo Người lao động đã triển khai Đề án thu phí bạn đọc báo điện tử (từ tháng 7 năm 2022), bên cạnh đó, Báo cũng đã triển khai App (ứng dụng) Báo Người lao động điện tử năm 2014. Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) đã triển khai trang tin tức tổng hợp HTVNewZ với các tin bài theo mô hình đa truyền thông. Báo Pháp luật TP.HCM hiện khai thác 2 kênh mạng xã hội Youtube với chuyên mục “Nóng hôm nay” và “Điều tra”, 2 Kênh TikTok, 1 Fanpage Facebook, 1 kênh Zalo, đồng thời, tòa soạn còn khai thác các nền tảng khác như My Clip, Lotus, Google News, Gapo...

Hiện nay, khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số báo chí liên quan tới cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vốn, nguồn nhân lực, vấn đề khai thác, phân tích dữ liệu, thiếu tự chủ về công nghệ… Ngoài ra, việc phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số còn gặp không ít khó khăn do lợi nhuận quảng cáo về túi các “ông lớn” như Google, Facebook, Youtube... Thêm vào đó, cuộc cạnh tranh giữa báo chí và mạng xã hội ngày càng cam go, các vấn đề bảo đảm an ninh mạng, chống nạn tin giả, vi phạm bản quyền còn nhiều bất cập…

Qua các bài tham luận và chia sẻ tại sự kiện, giới chuyên môn đã đi sâu luận giải, đánh giá khách quan thực trạng ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí tại TP.HCM. Các đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu, khách mời cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp và giải pháp thiết thực phục vụ ngành báo chí thời gian tới, tập trung một số điểm chính như: tiếp tục nâng cao nhận thức và sự am hiểu về công nghệ số trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên về vai trò quan trọng và sự cấp thiết phải đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số báo chí đồng bộ với chương trình chuyển đổi số quốc gia; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về báo chí; tiếp tục chủ động phát triển các sản phẩm số theo xu hướng hiện đại, bám sát nhu cầu thực tiễn của công chúng; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường học hỏi kinh nghiệm, hợp tác trong nước và quốc tế về báo chí số; cần thiết phải có chủ trương và kế hoạch cụ thể của cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí truyền thông TP.HCM cùng sự hỗ trợ về mặt tài chính trong điều kiện cụ thể của Thành phố; xây dựng các “hệ thống dùng chung” hoặc “giải pháp dùng chung” cho các cơ quan báo chí, như cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, nguồn lực con người, nguồn vốn…

T6CDSBAOCHITHAOLUAN.jpg

Sự kiện nhận được nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp của các chuyên gia và khách mời.

T6CDSBAOCHISEPTUAN.jpg

Ông Nguyễn Đức Tuấn (Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - CESTI) phát biểu tại sự kiện.

TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM cho biết, chuỗi sự kiện Inno-coffee nhằm kết nối chia sẻ khó khăn trong khu vực công, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, startup đưa ra những sáng kiến giải quyết vấn đề, đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM. Qua hoạt động kết nối sáng tạo tháng 6/2024 lần này, Sở mong muốn các giải pháp có giá trị cao đưa ra trong buổi trao đổi sẽ là cơ sở để lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan hoàn thiện chiến lược, chọn lựa được nhiều giải pháp hiệu quả phục vụ công tác chuyển đổi số thời gian tới, nhằm giúp TP.HCM tiến nhanh trên con đường phát triển và hội nhập với báo chí truyền thông thế giới.

Minh Nhã (CESTI)

Hệ thống là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho việc quản lý, điều hành trên địa bàn phường, với các tính năng như xem các số liệu thống kê quản lý toàn phường và tại từng khu phố, cung cấp thông tin về tiến độ công việc, giải quyết thủ tục hành chính, điều hành khu phố,…

Hệ thống được công bố vận hành chính thức trong Lễ công bố Nghị quyết số 11/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP.HCM về việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố tại Phường 9 (Quận 11) diễn ra chiều 11/4/2024.

Theo ông Trần Ninh Đông (Chủ tịch UBND Phường 9), để phát huy tính chủ động, sáng tạo, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực công, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, Phường 9 đã chủ động đề xuất UBND Quận 11 kết nối và được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp hỗ trợ triển khai xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu, điều hành cho phường. Hệ thống do Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý TP.HCM (thuộc Sở KH&CN) nghiên cứu triển khai thực hiện từ cuối năm 2023, đến nay có thể thấy các giải pháp được xây dựng cơ bản đáp ứng các yêu cầu để phục vụ công tác quản lý của phường, khu phố.

04HDKHLVchuyendoisoP9Q11h1.jpg

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cùng lãnh đạo Quận 11, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM khởi động vận hành Hệ thống chuyển đổi số để phục vụ việc quản lý, điều hành tại Phường 9, Quận 11

Cụ thể, hệ thống có các tính năng như xem các số liệu thống kê quản lý toàn phường và tại từng khu phố (về dân số, gia đình, nóc gia, cơ cấu giới tính, hộ nghèo - cận nghèo,…); quản lý phường (cung cấp thông tin cần thiết cho cán bộ công chức về tiến độ công việc, kết quả thực hiện các thủ tục hành chính, điều hành khu phố,…); quản lý dân cư (xem thông tin khu phố, thống kê nóc gia, thông tin hộ gia đình, công dân, thống kê phân loại theo tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, dữ liệu hộ gia đình nuôi sinh vật cảnh,…); quản lý cư trú (là chức năng được phân quyền cho cảnh sát khu vực để sử dụng quản lý địa bàn, gồm các tính năng chính như tìm kiếm, chuyển đến, chuyển đi, thống kê, danh sách chuyển đến, danh sách chuyển đi, Import dữ liệu,…); nghĩa vụ quân sự (là tính năng cho phép Ban chỉ huy quân sự phường sử dụng để quản lý công tác nghĩa vụ quân sự như danh sách công dân trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự, công dân trúng tuyển, công dân tạm hoãn nghĩa vụ, công dân tại ngũ, xuất ngũ,…); tính năng an sinh xã hội với các dữ liệu thông tin về bảo trợ xã hội, hộ nghèo – cận nghèo,…

04HDKHLVchuyendoisoP9Q11h3.jpg

Hệ thống còn có tính năng dành riêng cho ban điều hành khu phố như quản lý danh sách công dân, hộ gia đình; xem bản đồ khu phố, thống kê dữ liệu khu phố, thống kê và tìm kiếm thông tin khoản thu của khu phố; thông tin điều hành (là tính năng mở để cập nhật chung các nội dung công tác của khu phố, giúp thông tin cho UBND Phường về các hoạt động của khu phố).

Ông Trần Ninh Đông cho biết, hiện nay, dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước tại phường còn nhiều bất cập, chưa có sự kết nối dữ liệu chung để đồng bộ và chia sẻ phục vụ công tác quản lý nhà nước, dẫn đến khó khăn trong việc xác định số liệu thống nhất cho các báo cáo, hoạch định kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh, gây lãng phí nguồn lực công, dễ sót hoặc trùng lặp, thiếu tính kịp thời, mất thời gian trong việc trích xuất và phân tích dữ liệu,…

04HDKHLVchuyendoisoP9Q11h5.jpg

Ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) dự lễ công bố thành lập, chia tách, sáp nhập khu phố tại Phường 9, Quận 11

Do đó, hệ thống quản lý dữ liệu, điều hành Phường 9 Quận 11 được triển khai vận hành sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tại phường; là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho việc quản lý, điều hành và ra quyết định, quản lý dữ liệu đồng bộ, thống nhất, kịp thời, giảm thời gian thực hiện các thống kê, báo cáo, tránh sự chồng chéo. Việc áp dụng mô hình chuyển đổi số là giải pháp mới giúp quản lý địa phương, gắn kết UBND Phường với Ban điều hành khu phố để kịp thời thông tin đến các hộ dân. Qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-HĐND của HĐND Thành phố về thành lập, chia tách, sáp nhập khu phố; thực hiện Kế hoạch số 63/KH-UBND của UBND Quận về tổ chức thực hiện chủ đề công tác năm 2024 "Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội tại Quận 11".

Nghị quyết số 11/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân TP.HCM có hiệu lực từ ngày 01/4/2024, nhằm thực hiện chủ trương của Thành phố về việc sắp xếp khu phố, đảm bảo mô hình tổ chức dưới Phường chỉ còn 1 cấp là “Khu phố” và mỗi khu phố phải đảm bảo từ 500 hộ gia đình trở lên, không còn duy trì Tổ dân phố bên dưới khu phố. Tại Lễ công bố Nghị quyết số 11/NQ-HĐND, UBND Phường 9 ra mắt nhân sự tại 4 khu phố mới, phù hợp theo Nghị quyết số 11 của Hội đồng Nhân dân Thành phố.

04HDKHLVchuyendoisoP9Q11h2.jpg

Chủ tịch UBND Quận 11 Nguyễn Trần Bình phát biểu tại buổi lễ

Theo ông Nguyễn Trần Bình (Chủ tịch UBND Quận 11), việc thành lập khu phố mới là điều kiện cơ bản và tiên quyết cho quá trình tinh gọn bộ máy theo hướng gần dân, sát dân và là cơ sở để quận 11 triển khai công tác sắp xếp các đơn vị hành chính theo chủ trương chung của Trung ương và TP.HCM. Việc áp dụng công nghệ số trong quản lý điều hành ở Phường 9 sẽ giúp sức, hỗ trợ cho các ban điều hành khu phố mới có thể quản lý được địa bàn dân cư, người dân cũng có kênh thông tin để hiểu thêm về hoạt động của chính quyền địa phương và khu phố, tổ dân phố.

Lam Vân (CESTI)

Ngày 07/11/2023, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (Thành Đoàn TP. HCM) phối hợp cùng trường Đại học An ninh Nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học “An ninh sinh viên trong thời kỳ chuyển đổi số”.

Tham dự Hội thảo là các cán bộ, trí thức trẻ, các nhà khoa học trẻ thuộc các trường Đại học, trung tâm, viện nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp, các cơ sở Đoàn trong và ngoài Thành phố; các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hội thảo có sự đồng hành của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

anninhthanhnien1.jpg

Anh ninh sinh viên trong môi trường số đối mặt nhiều thách thức

Ban tổ chức Hội thảo cho biết đã nhận được 88 bài tham luận của 177 tác giả đến từ 28 đơn vị. Các bài tham luận có nội dung chia sẻ công nghệ và các giải pháp đảm bảo an ninh sinh viên, góp phần đa dạng các phương thức tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng của an ninh sinh viên trong thời kỳ chuyển đổi số.

Tại Hội thảo, các diễn giả và đại biểu tham dự cùng chia sẻ, trao đổi các vấn đề về an ninh thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số. Đây là cơ hội giúp tạo dựng môi trường giao lưu, chia sẻ giữa các nhà khoa học trẻ, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao nhận thức về các mối đe dọa an ninh trong môi trường số, tạo ra một sự hiểu biết chung về tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân, an toàn trực tuyến.

anninhthanhnien2.jpg

Bài thuyết trình về mối đe dọa an ninh mạng và cách bảo vệ thanh thiếu niên

Theo đó, các đại biểu khẳng định sinh viên là chủ thể quan trọng nhất trong quá trình bảo mật thông tin. Việc có một môi trường an toàn và ổn định sẽ giúp sinh viên tập trung vào việc học tập và phát triển bản thân. Đồng thời, việc rèn luyện an ninh thông tin và bảo mật thông tin cũng giúp sinh viên hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với đất nước và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia. Do vậy, từng sinh viên phải nâng cao ý thức tự giác bảo mật khi sử dụng Internet, tích cực tự giác nâng cao nhận thức, nắm vững những quy định về bảo mật thông tin, chủ động nhắc nhở bạn học cùng thực hiện và mạnh dạn lên án, đấu tranh với những hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho sinh viên thông qua việc tổ chức hội thảo, tư vấn, phát động các cuộc thi tìm hiểu kiến thức. Không chỉ vậy, cơ sở giáo dục cũng cần hợp tác với cơ quan an ninh để xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin về các mối đe dọa mới, các kỹ thuật tấn công mạng mới và biện pháp bảo vệ hiệu quả. Từ đó, hỗ trợ sinh viên nhận biết, phòng tránh và ứng phó với các mối đe dọa an ninh trực tuyến như lừa đảo, tấn công từ chối dịch vụ, tấn công malware… Thêm vào đó, cần đẩy mạnh giám sát hoạt động mạng để phát hiện, ngăn chặn các hoạt động đe dọa xâm phạm an ninh mạng; cảnh báo về các mối đe dọa an ninh mạng, phối hợp với cơ sở giáo dục để áp dụng các biện pháp xử lý khi sinh viên có hành vi cố ý xâm phạm an ninh trên không gian mạng và hệ thống thông tin của nhà trường.

Các chuyên gia khuyến cáo, trong quá trình tổ chức các hoạt động triển khai ứng dụng đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo…, cơ sở giáo dục cần đánh giá rủi ro bằng cách xác định các nhóm dữ liệu, phát hiện lỗ hổng và thiết lập các ưu tiên quản lý; xây dựng và thực hiện nghiêm túc các giải pháp, chính sách như quản trị doanh nghiệp, quản trị dữ liệu, thiết lập các lớp an ninh mạng; giám sát và báo cáo định kỳ dựa trên đặc thù của từng đơn vị như thay đổi hành vi, nhận thức người dùng; đồng thời chia sẻ và cập nhật kiến thức thường xuyên.

Hoàng Kim (CESTI)

Chuyên mục “Chuyển đổi số tiêu chuẩn đo lường chất lượng” được triển khai bằng hình thức trực tuyến, giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu và trao đổi các thông tin trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL).

Chuyên mục “Chuyển đổi số tiêu chuẩn đo lường chất lượng” do Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) xây dựng và triển khai tại địa chỉ chuyendoiso.chicuctdc.gov.vn. Đây là một trong những hoạt động nhằm góp phần thực hiện các chương trình, kế hoạch của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM về chuyển đổi số, qua đó góp phần thúc đẩy xây dựng chính quyền số, phục vụ đô thị thông minh tại TP.HCM.

Theo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, chuyên mục được triển khai nhằm hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin giữa doanh nghiệp, trường viện và cơ quan quản lý nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng; hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TCĐLCL; giúp các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin, đề xuất cải tiến, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật về TCĐLCL.

Chuyên mục gồm các khối thông tin được chia theo chủ đề và được kết nối trực tiếp đến các trang thông tin, cổng thông tin có liên quan trong lĩnh vực TCĐLCL, giúp người dùng tra cứu, tìm kiếm, tiếp cận thông tin nhanh chóng, dễ dàng. Cụ thể gồm các khối thông tin như danh bạ thông tin, TCVN/QCVN, trao đổi thảo luận, tin tức – sự kiện, phổ biến kiến thức, mô hình thành công, video hỗ trợ doanh nghiệp, thủ tục hành chính.

06HDKHLVchuyendoisochicucTDCh1.jpg

Các khối thông tin tại Chuyên mục “Chuyển đổi số tiêu chuẩn đo lường chất lượng” 

Trong đó, khối thông tin “danh bạ thông tin” cho phép tìm kiếm các đơn vị, tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn công nghệ và chuyển giao công nghệ; khối thông tin TCVN/QCVN giúp tra cứu, tìm kiếm các thông tin về tiêu chuẩn quốc gia TCVN, cơ sở dữ liệu các ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam, các thông tin về dự án xây dựng TCVN, về các dự thảo tiêu chuẩn quốc tế do Việt Nam tham gia xây dựng, các thông tin khác về hoạt động xây dựng và áp dụng TCĐLCL,…

Đặc biệt, khối thông tin “trao đổi thảo luận” được kết nối trực tiếp đến chuyên trang thảo luận công nghệ nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp, chuyên gia và nhà cung ứng có thể trao đổi, chia sẻ, tư vấn về các vấn đề công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất kinh doanh. Tại đây, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM trực tiếp trao đổi, giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp về các vấn đề liên quan trong lĩnh vực TCĐLCL. 

Nhiều chủ đề thảo luận, hỏi đáp đã diễn ra ngay trên trang như quy định kinh doanh sản phẩm đất nặn nhập khẩu theo mã HS code 3407; hướng dẫn quy trình và các chứng từ cần thiết để nhập khẩu mặt hàng thiết bị camera, cảm biến,… (các thiết bị có kết nối wifi và có phát tần số); hướng dẫn công bố phù hợp tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cồn trong lĩnh vực gia dụng; hướng dẫn cách ghi khối lượng trên nhãn thực phẩm, cách thể hiện nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa là nguyên liệu thực phẩm, ghi xuất sứ sản phẩm; công bố chất lượng đối với sản phẩm thuốc thử phát hiện các tác nhân gây bệnh trên tôm; giải đáp các thắc mắc về dấu định lượng V, đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia; hướng dẫn cách nhận dạng chính xác phương tiện đo nhóm 2 phù hợp với Quyết định phê duyệt mẫu; hướng dẫn về ghi nhãn hàng hóa (sản phẩm tinh dầu và nến thơm) phù hợp quy định của Nghị định số 111/2021/NĐ-CP; doanh nghiệp thực hiện công bố dấu định lượng; cung cấp thông tin về danh mục phương tiện đo nhóm 2 trong lĩnh vực y tế;…

06HDKHLVchuyendoisochicucTDCh2.jpg

Chuyên trang thảo luận công nghệ với nhiều nội dung, chủ đề doanh nghiệp quan tâm được Chi cục Tiêu chuẩn Đo Lường Chất lượng giải đáp 

Được biết, để triển khai Quyết định số 2393/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân TP.HCM về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025”, Sở Khoa học và Công nghệ đã ban hành Kế hoạch số 2425/KH-SKHCN ngày 25 tháng 9 năm 2020 thực hiện Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025 và Kế hoạch số 1084/KH-SKHCN ngày 27 tháng 4 năm 2022 về thực hiện Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh và Đề án Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, đồng thời phát động phong trào thi đua thực hiện chuyển đổi số cơ bản, toàn diện tại Sở nhằm thúc đẩy xây dựng chính quyền số, phục vụ đô thị thông minh và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV.

Trong đó, các nội dung thi đua tập trung vào 7 nhiệm vụ chính gồm (1) Xây dựng và phát triển nền tảng trực tuyến hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) tại TP.HCM; (2) Phát triển hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; (3)Phát triển hệ thống thu thập và cung cấp thông tin KH&CN phục vụ nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo (trên cơ sở Hệ thống liên kết nguồn lực thông tin KH&CN); (4) Xây dựng nền tảng trực tuyến kết nối, chia sẻ thông tin về lĩnh vực quản lý chất lượng, quản lý đo lường, quản lý tiêu chuẩn và hàng rào kỹ thuật trong thương mại, quản lý năng suất chất lượng; (5) Phát triển các ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội; (6) Hỗ trợ chuyển đổi số cho các quận, huyện trong chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công; (7) Hoàn thiện hệ thống các công cụ phục vụ công tác cải cách hành chính, truyền thông. Các phòng chức năng, đơn vị trực thuộc Sở là đối tượng tham gia thực hiện các nội dung thi đua này, thời gian thực hiện từ năm 2022 – 2025.

Chuyên mục Chuyển đổi số TCĐLCL là một trong những hoạt động triển khai nội dung thi đua (4) nhằm tạo lập môi trường liên kết các thành phần trong hệ sinh thái đo lường, chất lượng; xây dựng nền tảng kết nối trực tuyến giúp chia sẻ các thông tin và dịch vụ trong lĩnh vực quản lý đo lường chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp, các đơn vị cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước về các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật trong thương mại và quản lý, cải tiến năng suất chất lượng.

Lam Vân (CESTI)

Chuyển đổi số đòi hỏi có sự tham gia chung sức của mọi thành phần từ Chính phủ, đến doanh nghiệp, tổ chức, từng người dân trong mọi ngành nghề và lĩnh vực.

20230619DH001.jpg

Nhằm mục tiêu phổ biến thông tin, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cơ bản về xây dựng chính quyền số, thúc đẩy thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ủy ban nhân dân Quận Tân Phú tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hội nhập quốc tế năm 2023, Chuyên đề: “Chuyển đổi số tại cơ quan Nhà nước trong bối cảnh mới” vào ngày 05 tháng 05 năm 2023. Tham dự Hội nghị có sự tham gia của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn Quận Tân Phú.

20230619DH002.jpg

Thạc sĩ Đậu Ngọc Linh, Giảng viên Khoa Nhà nước & Pháp luật, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại Hội nghị

Tại hội nghị, Thạc sĩ Đậu Ngọc Linh, Giảng viên Khoa Nhà nước & Pháp luật, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu tổng quan về chuyển đổi số, các quy định về chuyển đổi số trong tổ chức công và khung năng lực số dành cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Theo Thạc sĩ Đậu Ngọc Linh, chuyển đổi số là quá trình thay đổi mang tính tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Chuyển đổi số đòi hỏi có sự tham gia chung sức của mọi thành phần từ Chính phủ, đến doanh nghiệp, tổ chức, từng người dân trong mọi ngành nghề và lĩnh vực.

Năm 2023, là Năm Dữ liệu số quốc gia, theo Quyết định số 328/QĐ-UBND ngày 06/02/2023 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Chiến lược quản trị dữ liệu của TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số đó là: Y tế; Giáo dục; Tài chính – ngân hàng; Nông nghiệp; Giao thông vận tải và logistics; Năng lượng; Tài nguyên và môi trường; Sản xuất công nghiệp.

Cũng theo Thạc sĩ Đậu Ngọc Linh, Covid-19 dù không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến quá trình chuyển đổi số, nhưng nó là một trong những yếu tố tác động, khiến cho thế giới phải thay đổi để thích nghi và phát triển. Dù cho Covid-19 không diễn ra thì quá trình chuyển đổi số cũng sẽ vẫn diễn ra, có thể sẽ chậm hơn, đơn giản hơn. Điều này đặt ra rất nhiều thách thức đối với việc thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia:

Thứ nhất, thiếu khung pháp lý cho những vấn đề mới trong thời đại công nghệ số: công nghệ số, xã hội số, kinh tế số làm xuất hiện nhiều mối quan hệ xã hội mới, chưa có tiền lệ, … đây là những khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Những vấn đề mới, đặc biệt là các mối quan hệ kinh tế số đòi hỏi cần có những quy định pháp lý kịp thời, phù hợp, vừa quản lý hiệu quả vừa phải tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu khoa học và công nghệ hiện đại: sự giao thoa công nghệ trên thế giới ngày càng mạnh mẽ và thuận lợi giúp cho Việt Nam có thể tận dụng được thành tựu công nghệ số để phát triển. Tuy nhiên, nếu trình độ nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu phát triển của khoa học và công nghệ, Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội phát triển và có nguy cơ tụt hậu. Tốc độ phát triển nhanh chóng của tri thức, công nghệ số tạo nên sức ép cho người lao động phải không ngừng học hỏi, đổi mới, sáng tạo trước nguy cơ dễ bị đào thải.

Thứ ba, trình độ công nghệ thông tin của người dân: khi tham gia vào quy trình thủ tục của chính phủ số, hạn chế về năng lực sử dụng công nghệ thông tin của người dân là một thách thức lớn trong công tác quản lý. Nếu người dân không theo kịp với tốc độ phát triển, không có khả năng ứng dụng công nghệ trong lao động và công việc giữa Nhà nước với người dân cũng là sự khó khăn cho hoạt động quản lý xã hội.

Thứ tư, vấn đề an toàn và an ninh mạng trong thời đại công nghệ số: số lượng người dùng internet và các ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam ngày càng tăng. Kỹ thuật số giúp mọi người làm việc, giao tiếp thuận lợi hơn rất nhiều nhưng cũng là mối đe dọa đến sự an toàn nếu như bị lộ thông tin cá nhân của người dùng trên không gian mạng.

Thạc sĩ Đậu Ngọc Linh chia sẻ, trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nếu như lực lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước không có sự chuẩn bị và trang bị cho mình năng lực số cần thiết thì sẽ rất khó khăn để bảo đảm và nâng cao chất lượng công việc và thực thi công vụ.

Cũng tại Hội nghị, ông đã giới thiệu tới đại biểu tham dự 6 bước trong quy trình chung triển khai chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, bao gồm:

  1. Thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác chuyển đổi số;
  2. Đánh giá thực trạng và xác định mục tiêu chiến lược;
  3. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện;
  4. Đào tạo năng lực, tư duy số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;
  5. Xây dựng và khai thác dữ liệu, quy trình, công nghệ;
  6. Bảo mật thông tin, kiểm soát chất lượng, đánh giá cải tiến.

Theo ông, nhà nước cần nên tăng cường tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức. Các chương trình này sẽ giúp cán bộ, công chức thích nghi nhanh hơn với sự thay đổi của môi trường số, quan trọng nhất là biết khai thác dữ liệu và công nghệ để phục vụ quá trình công tác

Với mong muốn tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cán bộ công chức, viên chức và doanh nghiệp; trong thời gian tới, Trung tâm Hội nhập quốc tế sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình hữu ích phục vụ cho cán bộ công chức, viên chức và doanh nghiệp./.

Nguồn: CIIS - hoinhap.org.vn

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nâng cao hoạt động quản lý sử dụng kháng sinh của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thông qua việc thiết lập hệ thống quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện”. Đây là nhiệm vụ do Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (Đại học Y Dược TP.HCM) chủ trì thực hiện.

Đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ cho biết, sự ra đời của kháng sinh là bước ngoặt lớn của y học, giúp giảm thiểu đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do nhiễm khuẩn. Kháng sinh là loại thuốc rất hiệu quả, an toàn và  tương đối rẻ để cứu sống hàng triệu người. Thế giới đã sử dụng rộng rãi kháng sinh trong các bệnh viện, cộng đồng và nhiều ngành nghề khác.

“Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng sử dụng kháng sinh không hợp lý trong thời gian dài (bao gồm không tuân thủ dùng kháng sinh, kê đơn không đúng liều hoặc sử dụng kháng sinh sai chẩn đoán) và lạm dụng kháng sinh đã gây ra tình trạng kháng kháng sinh ngày càng nghiêm trọng và trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Không chỉ vậy, việc thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý sử dụng kháng sinh chưa hiệu quả dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh có dấu hiệu trầm trọng hơn”, TS. Nguyễn Thị Hải Yến, đồng chủ nhiệm triển khai nhiệm vụ phân tích.

Trước thực trạng trên, việc xây dựng một chương trình nhằm tăng cường khả năng quản lý sử dụng kháng sinh, nhằm tăng cường sự an toàn và hiệu quả trong sử dụng thuốc, bắt đầu từ nhiều mảng chuyên biệt cho đến cả cộng đồng tại Việt Nam là vấn đề được nhóm nghiên cứu đang công tác tại Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (Đại học Y Dược TP.HCM) ưu tiên hướng đến.

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ, đại diện nhóm nghiên cứu khẳng định thực hiện đã tổng hợp các tiêu chí đánh giá tình hình sử dụng kháng sinh, mức độ kháng kháng sinh trên thế giới và khảo sát đánh giá các tiêu chí được quy định tại Quyết định 772/QĐ-BYT tại các bệnh viện trực thuộc Sở Y Tế TP.HCM. Sau đó, hiệu chỉnh và phân loại mức độ thực hiện của bộ tiêu chí đánh giá căn cứ theo Quyết định 772/QĐ-BYT đáp ứng với tình hình hoạt động của các bệnh viện.

“Trong Quyết định 772 và Quyết định 5631, Bộ Y tế đã đưa ra các tiêu chí đánh giá thực trạng sử dụng kháng sinh và mức độ kháng thuốc trong bệnh viện. Tuy nhiên, hướng dẫn về cách phân tích, bao gồm thu thập dữ liệu và công thức tính toán, cho các tiêu chí lại chưa được trình bày chi tiết, dẫn đến việc cho ra kết quả không chuẩn hóa ở từng cơ sở và thống nhất giữa các cơ sở y tế, gây khó khăn cho việc thực hiện, báo cáo cũng như đọc, hiểu, sử dụng báo cáo”, TS. Nguyễn Thị Hải Yến thông tin thêm.

Do đó, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện bộ tiêu chí, được được tổng hợp từ các tiêu chí ở Việt Nam và trên thế giới, đồng thời loại bỏ những nội dung trùng lắp, bổ sung và cập nhật dựa theo các thông tin mới nhất. Các thông tin liên quan đến bộ tiêu chí viết bằng tiếng Anh cũng được Việt hóa để phục vụ cho các nội dung nghiên cứu sau, nếu có sự xuất hiện tiêu chí mới mà bệnh viện đề xuất.

H1.jpg

Quy trình thu thập thông tin trong tổng quan hệ thống

Để phù hợp hơn với điều kiện thực tế, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm bộ tiêu chí trên một số bệnh viện đại diện thuộc Sở Y tế TP.HCM, qua đó khảo sát thực trạng sử dụng kháng sinh, mức độ kháng kháng sinh và hoạt động quản lý kháng sinh tại các bệnh viện này. Các bệnh viện thử nghiệm phải có giá trị sử dụng kháng sinh trong tổng tiền thuốc từ 20% trở lên (gọi là bệnh viện pilot).

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả phân tích trong giai đoạn tháng 1/2022 đến tháng 11/2022 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, tổng số ca xuất viện là 57.557 ca với 36.512 ca có sử dụng kháng sinh và 23.437 ca (40,72%) đã thỏa mãn các tiêu chí được sử dụng để phân tích, đánh giá.

Từ kết quả phân tích và các phản hồi của bệnh viện trong quá trình nghiên cứu pilot, nhóm nghiên cứu đã điều chỉnh các thông tin trên bộ tiêu chí nhằm phù hợp hơn điều kiện thực tế, đánh giá được khả năng triển khai trước khi khảo sát trên quy mô lớn.

 “Bộ tiêu chí phản ánh được đầy đủ, toàn diện tình tình sử dụng kháng sinh và mức độ kháng kháng sinh, hỗ trợ trong việc ra quyết định can thiệp tại bệnh viện và phù hợp với tài nguyên của từng bệnh viện”, TS. Nguyễn Thị Hải Yến khẳng định.

H2.jpg

Mô hình của bộ tiêu chí tổng hợp

Dựa trên kết quả quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện cũng tiếp tục triển khai xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn và mẫu báo cáo của bộ tiêu chí phù hợp với góc độ của cơ quan quản lý và bệnh viện.

Theo lời TS. Nguyễn Thị Hải Yến, tài liệu hướng dẫn và mẫu báo cáo của bộ tiêu chí được hình thành và đưa vào sử dụng tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM giúp cho công tác quản lý sử dụng kháng sinh được thực hiện dễ dàng, chuẩn hóa và thống nhất ở từng bệnh viện cũng như tạo sự thuận tiện trong việc đọc, hiểu, phân tích báo cáo.

Ngoài ra, trong nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng hoàn chỉnh phần mềm hỗ trợ phân tích bộ tiêu chí đánh giá cho công tác quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện tại địa chỉ http://quanlykhangsinh.vn

H3 (chon lam hinh dai dien).png

Giao diện trang web quanlykhangsinh.vn

Cụ thể, phần mềm hướng tới việc cung cấp một công cụ nhằm giúp bệnh viện có được các chỉ số về hiệu quả của chương trình Quản lý sử dụng kháng sinh - đối với sử dụng kháng sinh trong điều trị, được thống kê theo thời gian thực; kết quả chi tiết của điều trị kháng sinh như: Số ca dùng kháng sinh, Số ca dùng kháng sinh điều trị, % số ca mắc có số đợt nhiễm khuẩn > 1 đợt, % số ca cải thiện khi xuất viện, LOS, LOT, DOT, COT, chi phí sử dụng kháng sinh...

H4.jpg

Chức năng thiết lập thông số cho một đợt nhiễm khuẩn

Đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ cho biết, phần mềm có chức năng quản lý danh mục bệnh viện, danh mục dược bệnh viện, danh mục hoạt chất kháng sinh, hỗ trợ tra cứu kết quả phân tích chỉ số quản lý sử dụng kháng sinh, thể hiện kết quả các chỉ số quản lý kháng sinh, tra cứu thông tin liên quan đến các mẫu báo cáo quản lý sử dụng kháng sinh, xử lý các tính toán và phân tích biểu đồ, báo cáo đặc thù dựa trên dữ liệu có sẵn…

h5.jpg

Giao diện tra cứu danh mục kháng sinh dùng chung

H06A.jpg

 

Thống kê chi phí điều trị kháng sinh cho từng bệnh nhân

H06B.jpg

Thống kê chi phí điều trị kháng sinh theo khoa

Theo đó, tại địa chỉ http://quanlykhangsinh.vn, bệnh viện nhập dữ liệu theo tập tin (file) chuẩn, rồi phần mềm sẽ xử lý và trả về kết quả thống kê các chỉ số sử dụng kháng sinh (theo tùy chọn file báo cáo và đồ thị).

H06C.jpg

Bộ công cụ import dữ liệu

Trường hợp bệnh viện không muốn tiết lộ dữ liệu bệnh nhân/điều trị cho bên thứ 3 thì có thể sử dụng module offline của phần mềm để nhận kết quả thống kê. Cơ quan quản lý có thể tổng hợp thu nhận kết quả thống kê từ nhiều bệnh viện để tạo báo cáo chung về tình hình quản lý sử dụng kháng sinh.

Hinh cuoi.jpg

Bộ công cụ Module offline của phần mềm

Nhóm nghiên cứu cũng đã thực hiện đánh giá mức độ chấp nhận của phần mềm đối với 60 đối tượng hoạt động trong công tác quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện theo từng cấp bậc gồm Trưởng/Phó khoa, chuyên viên, cho đến các nhân viên khác.

Kết quả cho thấy, hầu hết đối tượng tham gia thử nghiệm đều đánh giá cao các tính năng được xây dựng trong phần mềm với thang điểm tổng quát cho các tiêu chí gồm: tổng quan hệ thống, tính năng đăng tải dữ liệu và xem thông tin, tính năng phân tích và trình bày kết quả đạt mức 8/9 điểm (thang điểm Likert 9).

Bên cạnh đó, phần mềm cũng được đánh giá có tính thống nhất về chức năng, tính năng kỹ thuật trong xây dựng hệ thống thông tin điện tử phục vụ cho việc thu thập, phân tích, báo cáo các tiêu chí của bộ tiêu chí đánh giá việc quản lý sử dụng kháng sinh.

Từ kết quả này, đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ nhấn mạnh rằng kết quả nghiên cứu có thể hỗ trợ các bệnh viện, đánh giá phần nào thực trạng sử dụng kháng sinh tại cơ sở; Đánh giá hiệu quả các can thiệp của chương trình Quản lý kháng sinh; Nâng cao chất lượng điều trị kháng sinh...

Theo lời TS. Nguyễn Thị Hải Yến, phiên bản đầu tiên của phần mềm đã được nhóm nghiên cứu giới thiệu tại Hội thảo Quản lý Dược tại Sở Y tế, Hội Nghị Truyền nhiễm tại Vũng Tàu và Ban giám đốc/Nhóm quản lý kháng sinh của các bệnh viện đề nghị thực hiện pha pilot.

Được biết, phần mềm phiên bản điều chỉnh lần hai đã được giới thiệu tại Hội nghị Dược sĩ bệnh viện mở rộng được tổ chức tại Đà Nẵng.

Tựu trung, kết quả của nhiệm vụ "Nâng cao hoạt động quản lý sử dụng kháng sinh của Sở Y tế TP.HCM thông qua việc thiết lập hệ thống quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện" do Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (Đại học Y Dược TP.HCM) chủ trì thực hiện đã mang đến ý nghĩa lớn về tính khả thi trong triển khai các nghiên cứu tương tự và là cơ sở ban đầu để tiến hành mở rộng các nghiên cứu tương tự trong lĩnh vực y học; đồng thời cũng qua đó cổ vũ, thúc đẩy vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào các khâu quản lý thăm khám, điều trị của các bệnh viện nói riêng và toàn ngành y tế nói chung.

Phần mềm vSmartOffice cho phép số hóa tài liệu một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, đạt hiệu quả cao cùng các tính năng giúp điều hành, quản lý, theo dõi công việc dễ dàng và thuận lợi hơn.

Ngày 14/6/2023, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ Đất Việt tổ chức hội thảo giới thiệu “Ứng dụng phần mềm vSmartOffice kết hợp công nghệ AI trong lĩnh vực quản lý hành chính”.

Theo ông Phạm Đình Hòa (Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ Đất Việt), hiện nay, khoảng 90% thông tin quan trọng tại các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp được thể hiện trên giấy và chủ yếu lưu trữ theo phương pháp truyền thống là để trên các giá kệ, kho lưu trữ. Hình thức lưu trữ này này còn nhiều hạn chế như tốn chi phí, thời gian, tài liệu dễ bị hỏng, có thể xảy ra mất dữ liệu,… Giải pháp số hóa tài liệu sẽ giúp khắc phục tình trạng này, cho phép chuyển đổi các dữ liệu truyền thống như các loại giấy tờ vật lý, hình ảnh, file,… bên ngoài thành dạng dữ liệu số mà máy tính có thể hiểu và định dạng được (gọi chung là dữ liệu số).

Với phần mềm phần mềm vSmartOffice, Công ty Đất Việt đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhận dạng ký tự quang học OCR (Optical Character Recognition) để chuyển đổi hình ảnh văn bản, ký tự, chữ viết tay thành dữ liệu mà máy có thể hiểu được từ đó dễ dàng lưu trữ, quản lý và truy xuất tài liệu.

15HDKHLVHoithaopmemVSmarth12ok.JPG

Ông Phạm Đình Hòa (Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ Đất Việt) trình bày tại hội thảo

OCR được sử dụng trong quy trình số hóa tài liệu gồm các bước thu thập tài liệu; sắp xếp, phân loại tài liệu; quét tài liệu; kiểm tra tài liệu quét; nhập liệu, nhận dạng ký tự (OCR); kiểm tra nhập liệu; lưu trữ. Công nghệ OCR do Đất Việt phát triển có thể nhận dạng và bóc tách thông tin tự động với độ chính xác cao và nhanh (độ chính xác tới 98%). Dữ liệu sau khi được bóc tách từ hình ảnh sang dữ liệu text (văn bản) cho phép tìm kiếm/tra cứu nội dung văn bản, tài liệu dễ dàng, nhanh chóng.

Ông Hòa cho rằng, việc số hóa dữ liệu là rất quan trọng, áp dụng giải pháp này sẽ mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm chi phí quản lý tài liệu; giảm thiểu diện tích, không gian lưu trữ tài liệu; bảo quản, duy trì thông tin dữ liệu được lâu hơn; truy xuất, tìm kiếm, chia sẻ thông tin ở bất kỳ đâu, bất cứ thời điểm nào một cách nhanh chóng, dễ dàng; nâng cao hiệu quả công việc và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Cũng theo ông Hòa, vSmartOffice là phần mềm chuyển đổi số với nhiều điểm mạnh vượt trội như sử dụng mật khẩu mạnh, toàn bộ dữ liệu và file lưu trữ trên Cloud được mã hóa, không khai thác được qua các luồng không chính thống, giảm thiểu thiệt hại từ các cuộc tấn công mạng (đảm bảo an toàn dữ liệu). Bên cạnh đó, dữ liệu lưu trữ trên kho số hóa được ký điện tử đảm bảo tính giá trị cao của tài liệu, bảo mật, an toàn, có độ chính xác cao, chống chối bỏ. Mỗi khách hàng được lưu trữ ở mỗi không gian riêng trên Cloud nên dữ liệu của khách hàng được đảm bảo.

Ngoài OCR tài liệu kho số hóa, vSmartOffice còn hỗ trợ tạo chữ ký số và ký số đa nền tảng chỉ với vài thao tác đơn giản; hỗ trợ chuyển toàn bộ văn bản lên kho số hóa (phục vụ công tác văn thư lưu trữ); hỗ trợ chuyển đổi tài liệu thành giọng nói với nhiều giọng đọc khác nhau. Phần mềm cung cấp các tính năng phân tích, thống kê, biểu diễn dữ liệu dưới dạng sơ đồ trực quan, trình ký tự động, quản lý văn bản đi và đến, điều hành công việc,... giúp số hóa toàn bộ quy trình làm việc của doanh nghiệp. Qua đó giúp doanh nghiệp điều hành, quản lý, theo dõi công việc dễ dàng, nhanh chóng và chủ động hơn. Ngoài ra, vSmartOffice ứng dụng công nghệ Microsoft.NET 7.0 và trí tuệ nhân tạo (AI) tích hợp tính năng chatbot thông minh giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân công trong công tác tư vấn và chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp; hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng trong công tác tư vấn tuyển sinh, giải đáp quy định/thủ tục nhập học, học phí, chương trình học, tra cứu lịch thi, điểm thi,…

Hiện tại, Đất Việt sẵn sàng hợp tác triển khai ứng dụng giải pháp chuyển đổi số này cho các cơ quan, đơn vị hành chính, văn phòng công ty, doanh nghiệp, trường học và các cá nhân có nhu cầu.

Lam Vân (CESTI)

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và qua quá trình này, dữ liệu sinh ra ngày càng tăng trên nền tảng số. Chính vì vậy, việc bảo vệ an toàn dữ liệu, an toàn thông tin cá nhân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đã và đang được các cơ quan có liên quan gấp rút triển khai.

20230608DH003.jpg

Chuyên gia của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia Việt Nam công bố các thủ đoạn lừa đảo online

Giả mạo trạm thu phát sóng

“Lừa đảo qua mạng phổ biến hiện nay là các cuộc gọi lừa đảo qua mạng xã hội, từ đó chiếm dụng tài khoản hoặc gửi tin nhắn mạo danh ngân hàng… Mặc dù thông tin cảnh báo được gửi đi rất nhiều và phần lớn người dân ai cũng biết, thế nhưng vẫn có nhiều người bị mắc bẫy do hành vi lừa đảo quá tinh vi, khó nhận biết”, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Võ Minh Thành cho biết tại sự kiện “Cảnh báo rủi ro và phòng chống lừa đảo qua mạng” do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phía Nam tổ chức mới đây.

Theo ông Lê Phạm Thiên Hồng Ân, chuyên gia nghiên cứu bảo mật internet vạn vật (IoT - Trung tâm An toàn thông tin, thuộc Tập đoàn VNPT), một phương thức thường bị lợi dụng và xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây là thực hiện giả mạo các trạm thu phát sóng di động gửi tin nhắn brand name (tin nhắn thương hiệu) đến người dùng di động. Để đạt được điều này, đối tượng tấn công mạng (hacker) tiếp tục sử dụng kỹ thuật chuyển chế độ từ 4G xuống 2G để gửi các tin nhắn giả mạo trên các thiết bị di động. Tức hacker đã lợi dụng các điểm yếu tồn tại trong hạ tầng mạng viễn thông để từ đó thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tinh vi hơn là hình thức giả mạo cột sóng, tức tạo ra một mạng di động riêng để nhắn tin lừa đảo.

Trong khi đó, chuyên gia Ngô Minh Hiếu, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia Việt Nam (NCSC), cảnh báo, công nghệ Deepfake video (tạo hình ảnh, âm thanh giả), sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) lấy hình ảnh, giọng nói của người này để ghép vào hình ảnh, giọng nói của người khác nhằm mục đích lừa đảo ngày càng phổ biến, dễ khiến nhiều người mất tiền. Mặc dù đã được can thiệp, ngăn chặn nhưng trong tương lai, hình thức lừa đảo này sẽ còn nhiều “phiên bản” mới.

Tại hội thảo và triển lãm quốc tế về An toàn không gian mạng (Vietnam Security Summit 2023) vừa được tổ chức tại TPHCM, Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) lưu ý, với sự xuất hiện ngày càng nhiều lỗ hổng bảo mật trên các nền tảng phần cứng, dịch vụ lõi, hệ điều hành thì việc tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật để chiếm quyền kiểm soát, đánh cắp dữ liệu từ các cơ quan, tổ chức sẽ là hoạt động có tính đe dọa cao. Trong đó, hệ thống được nhắm tới là lỗ hổng trên các nền tảng hệ điều hành máy chủ, đặc biệt là máy chủ sử dụng Windows Server, các nền tảng ảo hóa được sử dụng nhiều; các giao thức hỗ trợ kết nối IoT của thiết bị camera giám sát, thiết bị thông minh trong nhà…

Chủ động bảo vệ

Chia sẻ tại sự kiện Vietnam Security Summit 2023, ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) kỳ vọng đây sẽ là một trong các diễn đàn uy tín giúp những nhà hoạch định chính sách, chuyên gia đầu ngành, nhà cung cấp giải pháp công nghệ thảo luận về những xu hướng mới trong lĩnh vực an toàn thông tin.

Tại sự kiện, ban tổ chức cũng ra mắt nền tảng hỗ trợ điều tra số với mục đích các đơn vị thành viên mạng lưới có thể tiếp nhận, báo cáo, chia sẻ thông tin về sự cố và tổ chức xử lý sự cố mạng; cập nhật kịp thời các lỗ hổng bảo mật, chiến dịch tấn công mạng để chủ động xử lý.

Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, thiệt hại từ những vụ lộ, lọt thông tin, dữ liệu là không đo đếm được. Báo cáo của Bộ TT-TT, năm 2022, doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng đạt 4.835,4 tỷ đồng, nhưng con số thiệt hại ước tính lên tới 21.200 tỷ đồng; chi phí trung bình khắc phục sự cố lộ, lọt thông tin, dữ liệu bị đánh cắp lên đến 15,4 triệu USD/vụ.

“Dữ liệu cá nhân là nhân tố cơ bản để hình thành nên các cơ sở dữ liệu của Chính phủ, doanh nghiệp; hiện đã được xem là nguồn tài nguyên vô giá nên dễ dàng trở thành mục tiêu để các tổ chức, cá nhân thu thập, khai thác, sử dụng. Sử dụng đúng mục đích, tuân thủ pháp luật sẽ mang lại giá trị rất lớn, ngược lại nếu khai thác, sử dụng trái phép vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thì hậu quả vô cùng nặng nề”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang nhấn mạnh.

Hơn 10.000 DN tại 40 địa phương được đào tạo chuyển đổi số. Đây là kết quả Chương trình Hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Dịch Covid-19 bùng phát để lại những hậu quả nặng nề, tác động mạnh đến tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nói chung bị ảnh hưởng nặng nề khi phải chịu những tác động sau đại dịch, lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lên nguồn tài chính của doanh nghiệp; chi phí sản xuất tăng cao trong khi nhu cầu thị trường giảm do sức mua giảm…

20230608DH004.jpg

Đã có hơn 10.000 doanh nghiệp tại 40 địa phương được đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số

Đứng trước những khó khăn trên, Chính phủ đã xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, cắt giảm chi phí, thích ứng với bối cảnh mới của nền kinh tế số.

Nhận định rõ những thách thức này, tháng 1/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành và triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, giao Cục Phát triển doanh nghiệp là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện.

Trong giai đoạn đầu, Cục Phát triển doanh nghiệp đã phối hợp với USAID thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME) tập trung vào xây dựng các công cụ, tài liệu hướng dẫn, triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức và đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Chương trình đã đạt được một số kết quả tích cực: Hơn 2 triệu lượt truy cập các tài liệu hướng dẫn, video đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số; hơn 1.600 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số để có phương hướng triển khai. Đặc biệt, thông qua chương trình đã có hơn 10.000 doanh nghiệp tại 40 địa phương được đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số.

Theo báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả khảo sát 1.000 doanh nghiệp cho thấy, trong năm 2022, số lượng các doanh nghiệp được khảo sát đang tiến hành chuyển đổi số có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động chuyển đổi số dù ít hay nhiều. Sự thay đổi này chủ yếu đến sự trưởng thành trong nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan tới chuyển đổi số của lãnh đạo và đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp.

Mục tiêu quan trọng của Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 là nâng cao nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số cho 100% các doanh nghiệp trên toàn quốc. Để thực hiện mục tiêu này, năm 2021 và 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với USAID thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME). Dự án đã tổ chức chuỗi buổi đào tạo trực tiếp cho cộng đồng doanh nghiệp tại 40 tỉnh thành trên khắp cả nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Gia Lai, Vĩnh Long…

Thông qua chuỗi hội thảo, doanh nghiệp được cung cấp các kiến thức nền tảng và chuyên sâu về tư duy lãnh đạo khi chuyển đổi số, tái thiết kế quy trình, chuyển đổi số mô hình kinh doanh, ứng dụng công nghệ số để mở rộng thị trường, chuyển đổi số trong chuỗi giá trị nông nghiệp, logistics. Chuỗi đào tạo đã góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích của việc ứng dụng chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh và sản xuất.

Nguồn: Nguyễn Hòa - congthuong.vn

  • «
  • 1 (current)
  • 2
  • 3
  • »

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353