Bước tiến mới trong chẩn đoán rối loạn đại tiện ở trẻ em sau phẫu thuật bệnh Hirschsprung và dị dạng hậu môn trực tràng
13-11-2023Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu đo áp lực hậu môn trực tràng độ phân giải cao trong chẩn đoán rối loạn đại tiện ở trẻ em sau phẫu thuật bệnh Hirschsprung và dị dạng hậu môn trực tràng”. Đây là nhiệm vụ do Bệnh viện Nhi Đồng 2 chủ trì thực hiện.
TS.BS. Trần Quốc Việt (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết nhóm thực hiện đã sàng lọc và thu nhận 190 trường hợp bệnh nhi sau phẫu thuật bệnh vô hạch đại tràng bẩm sinh (Hirschsprung), 100 trường hợp bệnh nhi dị dạng hậu môn trực tràng và 290 trường hợp tham chiếu.
TS.BS. Trần Quốc Việt (Bệnh viện Nhi đồng 2) báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ
Sau đó, tiến hành xét nghiệm thăm dò chức năng hậu môn trực tràng (đo áp lực hậu môn trực tràng độ phân giải cao) cho 95 trường hợp bệnh nhi sau phẫu thuật bệnh Hirschsprung, 50 trường hợp bệnh nhi dị dạng hậu môn trực tràng và 145 trường hợp tham chiếu.
Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu, đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ cho biết: việc ứng dụng kỹ thuật đo áp lực hậu môn trực tràng độ phân giải cao có thể giúp các nhà lâm sàng có phương tiện khách quan hơn để đánh giá chức năng hậu môn trực tràng và “cá thể hóa các thương tổn” cho từng bệnh nhân nhằm lý giải rõ hơn nguyên nhân các triệu chứng lâm sàng, hướng dẫn phương pháp điều trị thích hợp, hướng dẫn phương pháp xử trí thích hợp hơn ở những bệnh nhi rối loạn đại tiện nặng sau phẫu thuật hoặc dị dạng hậu môn trực tràng, ứng dụng để xử trí và theo dõi điều trị các bệnh nhi bị rối loạn đại tiện nặng và kéo dài. Điển hình là đưa ra phương pháp điều trị quản lý ruột thích hợp về mặt chức năng nhằm giúp bệnh nhi cải thiện triệu chứng.
Cũng theo lời đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ, đo áp lực hậu môn trực tràng độ phân giải cao là kỹ thuật mới lần đầu tiên ứng dụng trong nhi khoa tại TP.HCM, giúp thu thập dữ liệu khách quan về áp lực cơ vòng hậu môn (giảm hoặc tăng), khả năng chứa đựng và cảm giác của trực tràng (tăng hoặc giảm sức đàn), và các vấn đề chức năng liên quan của đại tiện (loạn hiệp đồng) ở những bệnh nhân rối loạn đại tiện, đặc biệt sau phẫu thuật Hirschsprung. Các tín hiệu kháng lực của cơ thắt hậu môn theo nhiều chiều hình học khác nhau ở bệnh nhi được thu nhận và thể hiện rõ nét bằng hình ảnh đồ họa trên máy tính.
Đo áp lực hậu môn trực tràng độ phân giải cao là kỹ thuật mới và được các y bác sỹ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) chủ động ứng dụng vào thăm khám, chẩn đoán cho bệnh nhi
Được biết, tỷ lệ trẻ rối loạn đại tiện sau phẫu thuật vùng hậu môn trực tràng, chẳng hạn như sau phẫu thuật bệnh Hirschsprung hoặc dị dạng hậu môn trực tràng, có thể từ 10 hoặc thậm chí lên đến 90% tùy theo báo cáo trong y văn.
Rối loại đại tiện gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của trẻ và cả gia đình. Do đó, việc ứng dụng phương pháp đo áp lực hậu môn trực tràng độ phân giải cao, là giải pháp hỗ trợ chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị hợp lý cho các trường hợp rối loạn đại tiện nặng, góp phần tăng cường chăm sóc bệnh nhi tốt hơn.
Sau phẫu thuật vùng hậu môn trực tràng, bệnh nhân có thể bị thay đổi các giải phẫu quan trọng của trực tràng và hậu môn. Đặc biệt, cơ thắt hậu môn trong và ngoài có thể bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật. Mặt khác, chức năng chứa phân và các hoạt động thụ cảm áp lực (baroreceptor) của bóng trực tràng, sự phối hợp đồng vận của các thành phần cơ sàn chậu: cơ mu trực tràng (puborectalis muscles), các cơ thắt hậu môn bị ảnh hưởng do tổn thương trong phẫu thuật hoặc do thiếu vắng bẩm sinh hệ thần kinh chi phối. Bên cạnh đó, những bệnh nhân này đã dễ bị rối loạn đại tiện chức năng kèm theo làm nặng thêm tình trạng bệnh do các thương tổn thực thể: viêm nhiễm, đau vết thương, sẹo hẹp... sau phẫu thuật. Mặc dù những thay đổi về mặt giải phẫu do phẫu thuật là nguyên nhân ảnh hưởng chủ yếu lên kết quả sau phẫu thuật vùng hậu môn trực tràng của bệnh nhân, nhưng rối loạn chức năng kèm theo cũng có thể đóng góp một phần không nhỏ cho những vấn đề rối loạn đại tiện này. |
TS.BS. Trần Quốc Việt cho biết thêm rằng, sự đại tiện (defecation) là quá trình sinh lý phức tạp; bao gồm việc tạo ra đủ lực đẩy trong khoang bụng và lòng trực tràng, cùng với sự giảm trương lực của cơ mu trực tràng (puborectalis), cơ thắt hậu môn trong, cơ thắt hậu môn ngoài (internal and external sphincters). Mục đích nhằm tống phân từ bóng trực tràng qua ống hậu môn và thải ra ngoài. Bình thường ở trẻ lớn và người lớn, quá trình này có sự tham gia của ý thức, giúp tự chủ ngăn cản sự đại tiện cho đến lúc thích hợp. Khi xảy ra các bất thường của quá trình này gây ra sự mất kiểm soát đại tiện, gọi là rối loạn đại tiện “defecation disorders”. Thường gặp nhất là hai triệu chứng tiêu bón (constipation) và són phân (fecal soiling/ incontinence). Ở trẻ em, tiêu bón và són phân là hai triệu chứng rối loạn đại tiện thường gặp nhất. Các triệu chứng này có tác động nhiều lên bệnh nhi (có thể dẫn đến đau bụng mạn tính, viêm ruột tái diễn, hoặc són phân kéo dài khiến trẻ phải mang tã liên tục). Một số trường hợp nặng, không những gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của trẻ và cả gia đình, mà còn là gánh nặng trên hệ thống chăm sóc sức khỏe y tế. Tỷ lệ lưu hành của các tình trạng rối loạn đại tiện này rất khác nhau giữa các dân số nghiên cứu được báo cáo. Những khác biệt lớn về tỷ lệ lưu hành này có thể được giải thích một phần bởi sự khác biệt về đặc điểm chủng tộc, chế độ ăn uống, đặc điểm của người trả lời như tuổi, giới tính và chỉ số khối cơ thể của các dân số được nghiên cứu. Đặc biệt, phương pháp và tiêu chuẩn chẩn đoán cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ lưu hành. Hơn nữa, mức độ mà trẻ em hoặc cha mẹ của chúng nhận ra sự tồn tại của vấn đề rối loạn đại tiện có thể ảnh hưởng đến hành vi tìm kiếm trợ giúp sự thăm khám của bác sĩ. Và do đó, có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ có triệu chứng rối loạn đại tiện được báo cáo trong y văn.
"Do đó, nghiên cứu được Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện là hoàn toàn phù hợp, mang tính thực tiễn cao", TS.BS. Trần Quốc Việt nhấn mạnh.
Cũng theo lời TS.BS. Trần Quốc Việt, thì rối loạn đại tiện đặc biệt là hai triệu chứng tiêu bón và són phân khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là nhóm bệnh nhân sau phẫu thuật vùng hậu môn trực tràng thì tỷ lệ này khá cao - dao động từ 20% cho tới thậm chí là 70% đến 80% trẻ.
"Quan trọng nhất, tuy không ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân nhưng mà sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Những bệnh nhân mà bị vấn đề này thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới việc học hành, mối quan hệ xã hội và gia đình phải tốn rất là nhiều thời gian, kinh tế để chăm sóc cho bệnh nhân", TS.BS. Trần Quốc Việt chia sẻ, "Hiện tại ở Việt Nam, theo chúng tôi được biết thì chưa có cái đơn vị hoặc trung tâm nào chuyên về kỹ thuật này để cho trẻ em - nói thật ra là nhóm bệnh nhân này tương đối bơ vơ và không có nơi nào để theo cũng như là hướng dẫn điều trị như thế nào để cải thiện cải chất lượng cuộc sống của bệnh nhân".
Bệnh viện Nhi đồng 2 hoàn thiện một số tài liệu tuyên truyền và tập huấn liên quan đến chẩn đoán, thăm khám chứng rối loạn đại tiện ở trẻ em
Trên thực tế, sau khi đề tài này được nghiệm thu thì chúng ta sẽ thấy một hướng đi mới tại Việt Nam, qua đó giúp một số lượng lớn bệnh nhân được chẩn đoán và thăm khám có hiệu quả, đơn cử như tại Bệnh viện Nhi đồng 2 ghi nhận hằng năm mổ phải vài trăm ca bệnh về hậu môn trực tràng, số lượng bệnh tại phòng khám vài ngàn ca mỗi ngày.
"Khi ứng dụng triển khai kỹ thuật này là một bước đệm để chúng ta mở rộng và triển khai cho các đơn vị bạn, các tuyến trước", đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 khẳng định, "Kỹ thuật này không khó và chúng ta cũng dễ dàng để huấn luyện cũng như chuyển giao từng bước một. Khi chuyển giao như vậy, vô hình chung sẽ làm tăng chất lượng chẩn đoán và điều trị của ngành y tế nói chung và của chuyên ngành y khoa nói riêng".
Đo áp lực hậu môn trực tràng là một kỹ thuật được dùng để đo và đánh giá trương lực nhóm cơ thắt vùng hậu môn trực tràng (cơ thắt trong và cơ thắt ngoài) trong quá trình giữ phân và tống thoát phân bên trong lòng trực tràng ra ngoài qua ống hậu môn. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách đặt một ống thông có thiết kế đặc biệt đưa vào lòng trực tràng và hậu môn. Ống thông này gồm 2 phần chính: các cảm biến áp suất thông qua các kênh rất nhỏ bơm truyền áp lực nước (water perfused) hoặc ít thường dùng hơn là cảm biến đặc biệt thể rắn (solide sate) và phần đầu gắn bóng cao su để giả lập khối phân đặt trong lòng trực tràng. Thiết bị nhạy cảm với áp suất này được kết nối với đầu dò, giúp chuyển đổi tín hiệu cơ học thành tín hiệu điện tử, sau đó được ghi lại và hiển thị trên màn hình máy tính. Mục đích là để ghi lại các kết quả đo có khả năng tái lập và đánh giá một cách định lượng hoạt động của phức hợp cơ thắt hậu môn và trực tràng. |
Đại diện cơ quan chủ trì triển khai nhiệm vụ, BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 khẳng định: kết quả của nhiệm vụ giúp đưa ra phương pháp chẩn đoán mới cho tình trạng rối loạn đại tiện, són phân và táo bón ở trẻ em; và kết quả nghiên cứu hoàn toàn có thể triển khai tại các bệnh viện nhi, không chỉ trên địa bàn TP.HCM mà còn ở các tỉnh thành trong khu vực.
BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM khẳng định kết quả của nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được nghiệm thu sẽ được ứng dụng rộng rãi không chỉ tại TP.HCM mà còn tại các địa phương khác trong khu vực theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế
"Với những nguồn lực cũng như là phân công của Bộ Y tế, thì Bệnh viện Nhi Đồng 2 được giao chỉ đạo tuyến cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên. Đây là một phương pháp mới có thể áp dụng cho tất cả các bệnh nhân Rối loạn đại tiện sau khi mổ Hirschsprung hoặc dị dạng hậu môn trực tràng", Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 Trịnh Hữu Tùng thông tin thêm.
Có thể khẳng định rằng, kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ do nhóm các nhà khoa học, bác sỹ đang công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) thực hiện đã mở ra hướng tiếp cận mới, khoa học và thực tiễn, cho việc chẩn đoán, chữa trị và chăm sóc nhóm bệnh nhân mắc chứng rối loạn đại tiện sau phẫu thuật bệnh Hirschsprung và dị dạng hậu môn trực tràng, và đặc biệt các rối loạn chức này cũng rất thường gặp ở trẻ em.
Thông tin liên hệ: Bệnh viện Nhi đồng 2 Địa chỉ: 14 Lý Tự Trọng, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM Điện thoại: 028.3829.5723 - 0909.490.527 Email: dr.tranquocviet@gmail.com Website: benhviennhi.org.vn |