Công nghệ phòng, chống Covid-19 trong các bệnh viện, cơ sở y tế
08-10-2021Các giải pháp, công nghệ có thể hỗ trợ trong giai đoạn dịch bệnh cũng như giai đoạn “bình thường mới” đã được giới thiệu cụ thể và kết nối lan tỏa ứng dụng thông qua buổi Tektalk series chuyên đề 3 “Công nghệ phòng, chống Covid-19 trong các bệnh viện, cơ sở y tế”.
Chuyên đề 3 “Công nghệ phòng, chống Covid-19 trong các bệnh viện, cơ sở y tế” do Hội Tin học TP.HCM (HCA) phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức ngày 07/10/2021 bằng hình thức trực tuyến, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “TekTalk Series: Công nghệ và cuộc sống”.
Các nội dung đã được trình bày, thảo luận tại chuyên đề 3 gồm: Giải pháp theo dõi sức khỏe bệnh nhân từ xa và quản lý ra vào bệnh viện (bà Hồ Thị Hoàng Yến, Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh - TMA Innovation); An toàn trong công tác phòng chống dịch Covid ở các bệnh viện, cơ sở y tế với Cloud Camera AI (ông Trần Du Hòa Bình, Giám đốc giải pháp IoT - VNG Cloud); SureMD - Nền tảng cung cấp kiến thức và môi trường tư vấn sức khoẻ để phòng, chống Covid-19 (ông Hà Thân, Tổng Giám đốc - Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt); Bản đồ Covidmaps hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19 (ông Lê Yên Thanh, Sáng lập & Tổng Giám đốc - Công ty Cổ phần Công nghệ Phenikaa Maas).
Bà Hồ Thị Hoàng Yến giới thiệu về giải pháp công nghệ của TMA Innovation.
Bà Hồ Thị Hoàng Yến cho biết, hiện nay mặc dù dịch bệnh đã có những cải thiện nhưng tình hình ở các bệnh viện còn rất khó khăn. Nhu cầu của các bệnh viện rất cao về quản lý ra vào, phân loại bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc giữa người bệnh và nhân viên y tế nhằm hạn chế lây nhiễm; các công cụ hỗ trợ theo dõi sức khỏe bệnh nhân nhằm phản ứng và xử lý kịp thời, giảm tải cho nhân viên y tế. Nắm bắt nhu cầu này, TMA Innovation đã cho ra đời giải pháp mCare và T-Check. mCare là một thiết bị đeo giúp theo dõi sức khỏe bệnh nhân từ xa, bệnh nhân sử dụng thiết bị đeo (đồng hồ) để theo dõi nồng độ oxy trong máu, nhịp tim, huyết áp, các chỉ số sức khỏe cũng như gởi tín hiệu SOS và kết nối với bác sĩ từ xa. T-Check là giải pháp quản lý ra vào và sàng lọc bệnh nhân tự động tại các cơ sở y tế. Thiết bị này hỗ trợ đo thân nhiệt tự động, cảnh báo không đeo khẩu trang, nhận diện khuôn mặt, khai báo y tế, đọc QR Code, thẻ xanh, thẻ vàng,… T-Check khi triển khai sẽ có nhiều ưu điểm như thiết bị nhỏ gọn, dễ di chuyển và lắp đặt; chi phí thấp hơn nhiều so với Kiosk; dữ liệu được lưu và xử lý tại server nội bộ do cơ sở y tế quản lý.
Hiện tại, giải pháp mCare đang được triển khai thử nghiệm tại 2 bệnh viện cho bệnh nhân Covid-19, đồng thời hỗ trợ bệnh nhân F0 tại nhà. Lợi ích mà thiết bị này mang lại khá rõ rệt, đó là cho phép theo dõi số lượng lớn bệnh nhân từ xa cùng lúc, giúp phát hiện sớm biến chứng để xử lý kịp thời trước khi chuyển biến nặng; hạn chế tiếp xúc giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm thiểu rủi ro lây nhiễm; hỗ trợ điều trị bệnh nhân F0 tại nhà hiệu quả hơn. Do đó, TMA mong muốn hợp tác với các bệnh viện để triển khai cho các bệnh nhân Covid-19 và các loại bệnh khác.
Về ứng dụng camera tại các cơ sở y tế, ông Trần Du Hòa Bình đưa ra giải pháp ứng dụng Cloud Camera AI để tăng cường an ninh và an toàn trong các cơ sở y tế. Theo đó, các tính năng tích hợp camera thông minh trong cơ sở y tế là điểm danh (nhận diện khuôn mặt, điểm danh ra vào); kiểm tra thân nhiệt; giới hạn số người trong khu vực làm việc; nhận diện tuân thủ đeo khẩu trang; cảnh báo khu vực nguy hiểm; giới hạn số lượng người trong khu vực công cộng. Các tính năng này hướng đến việc duy trì những biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid trong môi trường cơ sở y tế. Về lâu dài, khi Covid qua đi, những tính năng này vẫn giúp ích cho các cơ sở y tế sử dụng hàng ngày với mục đích tăng mức độ an toàn cho bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ.
Ưu điểm của hệ thống camera an ninh trên cloud là cung cấp dịch vụ camera-as-a-service; quản lý tập trung hệ thống camera; tích hợp các tính năng AI như phát hiện chuyển động, xâm nhập vùng cấm, đếm người, nhận diện biển số, biến camera thông thường của doanh nghiệp trở nên thông minh hơn; tiết kiệm chi phí; an toàn và bảo mật dữ liệu. Một số ứng dụng nổi bật của camera an ninh trong cơ sở y tế là giám sát hành vi xâm nhập hoặc vượt hàng rào tại các khu cách ly y tế; giám sát hoạt động tại các địa điểm cách ly/điều trị; đếm số lượt/số người ra vào khu vực phòng xét nghiệm Covid và kiểm soát thân nhiệt.
Với hệ thống SureMD.vn, ông Hà Thân cho biết, đây là hệ thống cung cấp thông tin, kiến thức, hỏi đáp về thuốc, sức khỏe, bệnh tật. Hệ thống ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và học máy, sử dụng thuận tiện và dễ dàng, giúp người dùng tra cứu, hỏi đáp thông tin về thuốc, sức khỏe, tìm bác sĩ tư vấn, hỗ trợ, thăm khám trực tuyến… Điều này rất cần thiết trong bối cảnh đại dịch và cả sau dịch Covid-19, giúp mọi người chủ động theo dõi và chăm sóc sức khỏe cá nhân.
Bản đồ Covidmaps đã đạt Top 10 giải pháp sáng tạo, công nghệ của cuộc thi HIS-COVID 2021 do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức. Covidmaps sử dụng công nghệ bản đồ để xây dựng hệ thống cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh cho người dân một cách trực quan, kịp thời và rõ ràng. Giải pháp được triển khai từ năm 2020 tại TP. Đà Nẵng. Điểm nổi bật là sử dụng công nghệ bản đồ “Make in Vietnam” giúp tiết kiệm chi phí triển khai và vận hành; làm chủ công nghệ triển khai các hệ thống Covidmaps riêng biệt trên hạ tầng DataCenter của từng tỉnh thành để đảm bảo bảo mật dữ liệu; giải pháp có khả năng tùy biến cao, giúp các tỉnh thành có thể chủ động thêm nhiều lớp dữ liệu khác như tiêm chủng, cửa hàng thiết yếu…
Với công nghệ bản đồ bMap, các tỉnh thành có thể chủ động sửa đổi tên đường, cung đường theo mong muốn và kiểm soát được toàn bộ dữ liệu, giúp các tỉnh thành có thêm nền tảng bản đồ nền để triển khai các giải pháp về sau. Ngoài ra, Covidmaps có khả năng mở rộng cao nên các tỉnh thành có thể triển khai mở rộng các tính năng khác như cung cấp thông tin về xe buýt bán rau, bản đồ bán hàng thiết yếu, luồng xanh giao thông, bản đồ tiêm chủng…
Hiện tại, Covidmaps được triển cho 18 tỉnh thành tại Việt Nam với hơn 120.000 địa điểm được đưa lên hệ thống. Mỗi tỉnh thành đều có hệ thống Covidmaps riêng biệt chạy trên DataCenter của từng tỉnh thành, dễ dàng tùy biến tính năng bản đồ theo nhu cầu sử dụng thực tế. Tổng số lượt truy cập Covidmaps 18 tỉnh thành ước tính trên 5 triệu lượt, giúp tiết kiệm hơn 10 tỷ đồng cho các tỉnh thành về kinh phí vận hành, bản đồ.
Trao đổi, thảo luận giữa các chuyên gia, diễn giả, đơn vị cung cấp giải pháp.
Các diễn giả, chuyên gia, nhà cung cấp cho rằng, bên cạnh mong muốn triển khai ứng dụng cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các giải pháp công nghệ tại chuyên đề 3 có thể kết nối lan tỏa ứng dụng đến các tỉnh, thành phía Nam trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, các đơn vị cung cấp giải pháp có thể kết nối, hợp tác với nhau để làm sao tạo ra những giải pháp công nghệ lớn mạnh hơn, tích hợp hơn, đa năng hơn, nhiều tính năng kỹ thuật giúp ích cho người dùng.
Theo ông Vũ Anh Tuấn (Tổng thư ký HCA), chuyên đề 3 là buổi chuyên sâu quan trọng về giải pháp phòng chống Covid trong các cơ sở y tế, các doanh nghiệp, đặc biệt là thích ứng với giai đoạn “bình thường mới”, khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại. Từ ngày 01/10, các đơn vị, ngành nghề bắt đầu cuộc sống bình thường mới, do đó cần đưa các giải pháp công nghệ đến các doanh nghiệp, đơn vị, để hỗ trợ họ thích ứng linh hoạt, an toàn trong tình hình mới, cũng như sẵn sàng cho việc đối mặt với những làn sóng dịch tiếp theo có thể xảy ra.
Về vai trò kết nối và phối hợp của phía cơ quan nhà nước, bà Phan Thị Quý Trúc (Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, chương trình HIS-COVID 2021 nhằm tìm kiếm giải pháp hỗ trợ cho nhóm cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ an sinh cho người dân; tìm kiếm những giải pháp cụ thể đã hoàn chỉnh sẵn sàng chuyển giao cho các cơ sở y tế trong điều trị Covid. Đến hiện tại, chương trình đã có Top 10 giải pháp xuất sắc nhất và tiếp tục triển khai bước kết nối sâu hơn để giới thiệu các giải pháp này đến những đối tượng có nhu cầu ứng dụng. Sở cũng triển khai những hoạt động kết nối cụ thể với các chính sách của thành phố đối với những giải pháp đổi mới sáng tạo liên quan đến Covid như chương trình kết nối đầu tư (các quỹ đầu tư, sử dụng ngân sách nhà nước thông qua chương trình SpeedUp); kết nối hình thành phát triển hệ sinh thái cho lĩnh vực y tế, xây dựng hệ sinh thái online/chuyển đổi số trong y tế để kết nối và chia sẻ nguồn lực hiện có trong xã hội, thúc đẩy hình thành những ý tưởng, giải pháp về y tế; hình thành chương trình dài hạn hợp tác giữa tư nhân và nhà nước nhằm tạo ra những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cho TP.HCM liên quan đến y tế.