Hình thành liên kết 4 "nhà" để phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực
07-11-2019Sáng nay (7/11), UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Kết nối phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của Thành phố (Nhà nước - Nhà khoa học - Ngân hàng - Doanh nghiệp)”.
Hội thảo với sự tham dự của các đại diện từ các Sở, ban ngành tại TP.HCM nhằm thúc đẩy và hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa 4 "nhà" (Nhà nước - Nhà khoa học - Ngân hàng - Doanh nghiệp) trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc các ngành công nghiệp chủ lực.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong nhiều năm qua chính quyền Thành phố đã có nhiều giải pháp thúc đẩy sự hợp tác giữa cộng đồng khoa học và khu vực doanh nghiệp. Điển hình là chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp với chi phí thấp còn gọi là Chương trình chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu với chi phí thấp bắt đầu từ năm 2000.
Thông qua chương trình này đã hình thành “tam giác liên kết giữa nhà nước - nhà khoa học - Doanh nghiệp”. Sở KH&CN tài trợ cho các dự án sản xuất thử nghiệm để chế tạo thiết bị trong nước thay thế cho các thiết bị phải nhập khẩu với chất lượng tương đương nhưng chi phí chỉ bằng 30 - 70%. Các thiết bị được chế tạo với sự tham gia của các nhà khoa học từ các Trường đại học, các Viện nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp dưới sự tài trợ kinh phí của Sở KH&CN.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, chủ trì Hội thảo
Theo đó, chương trình tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên của thành phố gồm: Cơ khí tự động hóa; điện tử - công nghệ thông tin; chế biến lương thực - thực phẩm; hóa chất - nhựa - cao su và ngành. Từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện được 116 đề tài, dự án với tổng kinh phí đầu tư là 204,77 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 161,77 tỷ đồng (chiếm 79,0%), kinh phí đầu tư từ doanh nghiệp là 43,0 tỷ đồng (chiếm 21,0%). Có 95 sản phẩm thiết bị, công nghệ hình thành từ các nhiệm vụ của chương trình và đã chuyển giao cho doanh nghiệp phục vụ sản xuất có chất lượng tương đương với nhập khẩu. Trên 90% nhiệm vụ KH&CN xuất phát từ yêu cầu đổi mới công nghệ thiết bị, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp.
Chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố đã thu hút, huy động và khơi dậy được các nguồn lực đầu tư trong xã hội, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, lĩnh vực công nghệ cao có 17 dự án với tổng mức đầu tư là 3.006,014 tỷ đồng, số vốn được hỗ trợ lãi suất là 1.051,313 tỷ đồng, bình quân số vốn đầu tư cho một dự án là 176,82 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có 15 dự án với tổng mức đầu tư là 1.393,819 tỷ đồng, số vốn được hỗ trợ lãi suất là 584,276 tỷ đồng, bình quân số vốn đầu tư cho một dự án là 92,92 tỷ đồng.
Kết quả nổi bật của Chương trình này là tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác 3 bên, trong đó, Nhà nước đóng vai trò là cầu nối và cùng chia sẻ rủi ro trong mối liên hệ giữa doanh nghiệp và các viện, trường.
Tuy nhiên, các cơ chế chính sách hiện nay cũng chưa đề cập tới sự hỗ trợ của Nhà nước đối với mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp như chính sách về tài chính, thuế...
Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, trình bày tham luận tại Hội thảo
Ngoài ra, các qui định về thủ tục xét duyệt cũng như quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn phức tạp, các chính sách từ Bộ Khoa học và Công nghệ chưa thực sự đi vào cuộc sống; các gói hỗ trợ tài chính cũng như việc sử dụng quỹ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp còn nhiều bất cập.
Thông qua hội thảo này, ban tổ chức kỳ vọng, các Sở, Ngành liên quan sẽ cùng nhau tìm ra các giải pháp gỡ khó trong hợp tác, liên kết nghiên cứu giữa các bên và đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm chủ lực tại TP.HCM.
Được biết, trong khuôn khổ Hội thảo này cũng sẽ diễn ra chương trình ký kết hợp tác giữa các đơn vị trong nhóm chủ lực.