Nghị quyết 20/2024/NQ-HĐND: Động lực hình thành mô hình thử nghiệm công nghệ mới
07-04-2025Nhằm cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 20/2024/NQ-HĐND về quy định các tiêu chí, lĩnh vực, nội dung hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi Khu Công nghệ cao và Khu Công nghệ thông tin tập trung, Ủy ban Nhân dân TP.HCM ban hành Kế hoạch 2169/KH-UBND, thúc đẩy sự phát triển các mô hình, sản phẩm công nghệ tiên phong - trong đó có phương tiện bay không người lái và xe tự hành.
Theo Nghị quyết 20/2024/NQ-HĐND, Thành phố đặt ra mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước tiếp cận môi trường thử nghiệm công nghệ mới trong điều kiện được kiểm soát, nhằm đánh giá tính khả thi, hiệu quả và an toàn trước khi đưa vào ứng dụng thực tiễn. Việc thử nghiệm sẽ được thực hiện trong phạm vi cụ thể, có thời gian giới hạn và dưới sự giám sát của cơ quan chuyên môn, từ đó giảm thiểu rủi ro trong quá trình triển khai công nghệ mới vào thực tế. Nghị quyết không chỉ giới hạn trong việc cho phép thử nghiệm, mà còn mở rộng sang các nội dung hỗ trợ kỹ thuật, chính sách và hành lang pháp lý. TP.HCM cam kết tạo điều kiện về hạ tầng, cấp phép linh hoạt, hỗ trợ xử lý thủ tục hành chính và đặc biệt là kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ.
Để cụ thể hóa nội dung Nghị quyết, ngày 02/4 vừa qua, Ủy ban Nhân dân TP.HCM ban hành Kế hoạch 2169/KH-UBND, nhằm triển khai thử nghiệm có kiểm soát công nghệ mới liên quan đến phương tiện bay không người lái và xe tự hành tại 2 khu vực chiến lược là Khu Công nghệ cao TP.HCM và Khu Công viên phần mềm Quang Trung. Đây là hai không gian được quy hoạch bài bản, có hạ tầng và cơ chế linh hoạt, phù hợp để thử nghiệm công nghệ mang tính rủi ro cao nhưng có tiềm năng đột phá lớn.
Kế hoạch đặt trọng tâm vào việc tổ chức triển khai Nghị quyết thông qua các giải pháp thực hiện khả thi, có chiều sâu. Trước hết, Thành phố xác định cần xây dựng và vận hành quy trình tiếp nhận – thẩm định – phê duyệt hồ sơ thử nghiệm công nghệ mới một cách minh bạch, nhất quán. Quy trình này được tổ chức theo mô hình “một cửa”, đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, giảm thiểu thời gian xử lý hồ sơ nhưng vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật hiện hành.
Trong quá trình triển khai thử nghiệm công nghệ mới, Hội đồng tư vấn chuyên môn gồm đại diện các sở, ngành và chuyên gia trong lĩnh vực liên quan sẽ hỗ trợ Ủy ban Nhân dân Thành phố đánh giá tính khả thi, mức độ rủi ro và khả năng ứng dụng của từng hồ sơ đề xuất thử nghiệm. Đây là cơ chế đảm bảo tính khách quan, nâng cao chất lượng các hoạt động thử nghiệm.
Tuy nhiên, mọi hoạt động thử nghiệm phải được thực hiện trong các khu vực được cho phép, có sự giám sát liên ngành và các phương án dự phòng xử lý sự cố công nghệ. Cụ thể, mỗi mô hình thử nghiệm phải có báo cáo đánh giá tác động ban đầu, kèm theo kịch bản ứng phó với sự cố hoặc rủi ro tiềm tàng. Đơn vị thử nghiệm có trách nhiệm cập nhật dữ liệu hoạt động định kỳ, đồng thời phải chấm dứt thử nghiệm nếu phát sinh rủi ro vượt tầm kiểm soát. Các cơ quan quản lý sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất, hoặc định kỳ theo quý, đảm bảo quá trình thử nghiệm diễn ra an toàn và phù hợp định hướng phát triển đô thị thông minh.
Thành phố xác định cần xây dựng hạ tầng dùng chung tại các khu vực thử nghiệm, đặc biệt là về không gian dữ liệu, mạng viễn thông tốc độ cao, hệ thống điều khiển tự động và các công cụ đánh giá kỹ thuật. Tại Khu Công nghệ cao, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất liên quan đến môi trường thử nghiệm bao gồm hàng rào bảo vệ, hệ thống giám sát, cơ sở hạ tầng liên lạc, hệ thống kiểm soát, hệ thống an toàn và thiết bị cứu hộ. Trong khi đó, tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung, cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất liên quan đến môi trường thử nghiệm, đáp ứng điều kiện, tiêu chí thử nghiệm trong phạm vi quản lý.
Kế hoạch 2169/KH-UBND cũng xác định rõ các bước tổ chức thực hiện. Trước tiên, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thử nghiệm công nghệ sẽ nộp hồ sơ tại đơn vị đầu mối. Sau khi tiếp nhận, hồ sơ sẽ được thẩm định chuyên môn, tổ chức khảo sát thực địa và đánh giá rủi ro. Nếu đáp ứng đủ điều kiện, Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ phê duyệt thử nghiệm trong thời hạn cụ thể, kèm theo yêu cầu báo cáo định kỳ và kiểm tra giám sát.
Để tạo điều kiện thuận lợi, Thành phố hỗ trợ tư vấn pháp lý, kỹ thuật, sở hữu trí tuệ và cung cấp không gian thử nghiệm phù hợp. Các dự án thử nghiệm thành công được ưu tiên chuyển tiếp sang giai đoạn triển khai rộng rãi, hoặc được giới thiệu vào các chương trình đầu tư – thương mại hóa công nghệ của Thành phố. Ngoài ra, các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực quản lý thử nghiệm cho cán bộ, chuyên gia cũng được triển khai song hành.
TP.HCM đang đặt mục tiêu không chỉ là địa phương đi đầu trong áp dụng công nghệ mới mà còn là trung tâm kiểm định – thử nghiệm – chuyển giao các giải pháp công nghệ phục vụ phát triển đô thị thông minh, kinh tế số và công nghiệp sáng tạo. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang định hình lại mọi lĩnh vực của đời sống, những hành lang pháp lý linh hoạt như Nghị quyết 20/2024/NQ-HĐND là yếu tố then chốt để Việt Nam không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua đổi mới toàn cầu.
Xem toàn văn Nghị quyết 20/2024/NQ-HĐND tại đây
Minh Nhã (CESTI)