Nghiệm thu nhiệm vụ chế tạo thiết bị quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản bằng thiết bị tự hành
04-04-2025Không chỉ phục vụ tốt công tác quan trắc chất lượng nước đầu nguồn, thiết bị còn có thể được mở rộng ứng dụng cho các hộ nuôi trồng thủy sản để giám sát, kiểm tra môi trường nước ao nuôi, giúp người dân nắm bắt kịp thời thông tin và chủ động ứng phó với các điều kiện môi trường.
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản tự hành ứng dụng kỹ thuật robot và kết nối IoT”. Đây là nhiệm vụ do Viện Khoa học Tài nguyên Môi trường và Biến đổi khí hậu chủ trì thực hiện, TS. Vũ Trọng Bách làm chủ nhiệm nhiệm vụ.
Đối với môi trường nước nuôi trồng thủy sản, việc quan trắc thường xuyên có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp người nuôi chủ động theo dõi và phát hiện nhiều nguồn tác động xấu đến môi trường ao nuôi. Từ các kết quả quan trắc, cơ quan quản lý có thể dễ dàng đánh giá tác động môi trường các hoạt động nuôi trồng thủy sản có tác động như thế nào đến môi trường xung quanh. Nguồn dữ liệu quan trắc cũng sẽ làm cơ sở để người nuôi thay đổi phương thức và cách thức nuôi thủy sản chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong và ngoài nước.
Ở huyện Cần Giờ, việc xây dựng các trạm quan trắc cố định để theo dõi chất lượng nước ao nuôi là rất tốn kém cả về chi phí đầu tư ban đầu cũng như kinh phí duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Vì vậy, huyện Cần Giờ đã đặt hàng bài toán cần một thiết bị quan trắc môi trường nước thủy sản cơ động nhằm giúp thực hiện tốt công tác quan trắc chất lượng nước đầu nguồn của các khu vực nuôi trồng thủy sản. Thiết bị được xác định phải có khả năng tự hành trên nước để lấy mẫu nước ở xa bờ, tự hành theo chương trình với tọa độ và thời gian đã định sẵn để quan trắc chất lượng nước trong ao nuôi. Ngoài ra thiết bị cần có thêm kết nối IoT để có thể theo dõi kết quả, thiết lập các chương trình quan trắc theo thời gian thực.
Báo cáo tại buổi nghiệm thu, TS. Vũ Trọng Bách cho biết nhóm thực hiện nhiệm vụ đã chế tạo thành công thiết bị quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản tự hành, bao gồm thuyền tự hành và tay cầm điều khiển. Thiết bị đã được thử nghiệm khả năng tự hành và mức độ đáp ứng của ứng dụng điều khiển tại hồ Hóa An (Đồng Nai) và Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga – chi nhánh phía Nam, đánh giá độ bền của thuyền khi va chạm với chướng ngại vật tại Nhà máy Z114 (Tổng cục CNQP).
Thiết bị có khả năng cơ động lấy mẫu xa bờ ở tọa độ xác định, có khả năng tự hành theo quỹ đạo và thời gian thiết lập sẵn để quan trắc và báo cáo kết quả theo thời gian thực với kết nối IoT. Thuyền tự hành có kích thước 1200x350x170 mm, nặng 15kg, đảm bảo quan trắc được các chỉ số theo Quy chuẩn QCVN 02-19:2014/BNNPTNT, tốc độ hành trình 5-10 km/h, cự ly điều khiển xa nhất đạt 500m (sử dụng sóng RF) hoặc toàn cầu (module IoT và sóng 4G), thời gian hoạt động liên tục lên đến 3 giờ và chiều sâu lấy mẫu tối đa là 60 cm.
Hoàng Kim (CESTI)