Nghiệm thu nhiệm vụ Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Cơ khí - Tự động hóa
08-04-2025Để đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực ngành Cơ khí - Tự động hóa, cần có các giải pháp đồng bộ, bao gồm xây dựng chương trình chuẩn và phát triển mô hình đại học chia sẻ nhằm tối ưu hóa nguồn lực.
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Cơ khí - Tự động hóa”. Đây là nhiệm vụ do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chủ trì thực hiện, PGS. TS. Lê Hiếu Giang làm chủ nhiệm nhiệm vụ.
Bản chất của ngành Cơ khí - Tự động hóa là nghiên cứu, ứng dụng, triển khai hệ thống điều khiển, tự động các dây chuyền sản xuất công nghiệp nhằm đảm bảo cho việc điều khiển các thiết bị máy móc một cách nhanh chóng, chính xác và đạt hiệu quả cao nhất. Nhân lực ngành Cơ khí - Tự động hóa cần có rất nhiều các kỹ năng cần thiết trong cả hai lĩnh vực kỹ thuật cơ khí và kỹ thuật tự động hóa. Các chương trình đào tạo liên kết quốc tế đang phát triển mạnh, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận nền giáo dục tiên tiến. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực ngành Cơ khí - Tự động hóa, cần có các giải pháp đồng bộ, bao gồm xây dựng chương trình chuẩn và phát triển mô hình đại học chia sẻ nhằm tối ưu hóa nguồn lực.
Tại buổi nghiệm thu, đại diện nhóm thực hiện đã trình bày báo cáo khoa học về thực trạng nguồn nhân lực Cơ khí - Tự động hóa của TP.HCM. Dựa trên kết quả khảo sát thực trạng, nhóm đã tiến hành xây dựng khung chương trình đào tạo chung cho ngành Cơ khí - Tự động hóa. Chương trình này bao gồm các mục tiêu, chuẩn đầu ra và nội dung đào tạo nhằm giúp người học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong và ngoài nước trong lĩnh vực Cơ khí - Tự động hóa. Chương trình có thể triển khai thí điểm đào tạo tại một hoặc hai trường Đại học nhằm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực đạt trình độ quốc tế, sau đó tiến hành đánh giá hiệu quả và mở rộng mô hình này cho các cơ sở đào tạo khác.
Nhóm thực hiện cũng đề xuất 10 giải pháp mang tính chiến lược tổng thể nhằm đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế cho ngành Cơ khí - Tự động hóa. Các đề xuất tập trung vào kế hoạch thực hiện, chiến lược đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nguồn học liệu, đào tạo và thu hút nhân tài, phát triển quỹ nâng cao năng lực, xây dựng hệ sinh thái nhân lực trình độ quốc tế và đảm bảo chất lượng đào tạo, bao gồm:
+ Giải pháp 01: Xây dựng mới chương trình đào tạo ngành Cơ khí - Tự động hóa trên cơ sở tạo lập và phát triển tư duy đổi mới và sáng tạo của người học, đáp ứng với công nghiệp 4.0.
+ Giải pháp 02: Phát triển kỹ năng số (Digital skills development) cho người học ngành Cơ khí - Tự động hóa đáp ứng với công nghiệp 4.0.
+ Giải pháp 03: Phát triển năng lực học tập suốt đời (life-long study) cho người học ngành Cơ khí - Tự động hóa.
+ Giải pháp 04: Phát triển năng lực ngoại ngữ trình độ quốc tế cho người học ngành Cơ khí - Tự động hóa.
+ Giải pháp 05: Phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao và đạt tiêu chuẩn quốc tế cho ngành Cơ khí - Tự động hóa.
+ Giải pháp 06: Chiến lược tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, hệ thống phòng học đạt tiêu chuẩn quốc tế của ngành Cơ khí - Tự động hóa.
+ Giải pháp 07: Kết nối, gắn kết các cơ sở giáo dục có ngành Cơ khí - Tự động hóa trên địa bàn TP.HCM và trong cả nước.
+ Giải pháp 08: Tăng cường mối kết hợp giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp trong lĩnh vực Cơ khí - Tự động hóa tại TP.HCM.
+ Giải pháp 09: Tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác với các trường đại học, viên nghiên cứu nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới.
+ Giải pháp 10: TP.HCM có giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị đào tạo tham gia đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành Cơ khí - Tự động hóa.
Hoàng Kim (CESTI)