SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu thành công quy trình bảo quản mô buồng trứng người bằng phương pháp đông lạnh

15-11-2023

Kết quả nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được nhóm y bác sĩ, nhà khoa học TP.HCM hoàn thiện đã giúp có thêm một kỹ thuật y khoa tiến tiến chuyên khoa sâu phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân, mà cụ thể là nâng cao chất lượng sống của phụ nữ Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả của chuyên ngành hỗ trợ sinh sản trong những thập kỷ gần đây đã góp phần to lớn mang đến những em bé khỏe mạnh cho những cặp gia đình hiếm muộn, đặc biệt là do nguyên nhân giảm dự trữ buồng trứng. Điều này đã thực hiện được ước mơ làm mẹ ở những phụ nữ mà khả năng sinh sản đã trong mức giới hạn thấp. Và không dừng lại ở mức điều trị hiếm muộn, chuyên ngành này còn có thể giúp bảo tồn chức năng sinh sản để người phụ nữ có thể thực hiện thiên chức của mình khi mà điều kiện hiện tại chưa cho phép. Ngày nay, có nhiều biện pháp bảo tồn chức năng sinh sản khác nhau tùy vào đối tượng được thực hiện (trữ trứng, trữ phôi hoặc trữ mô buồng trứng).

Trong đó, trữ mô buồng trứng là một biện pháp bảo tồn sinh sản mà bệnh nhân có thể trữ nguồn giao tử ngay ở thời điểm mong muốn, không kéo dài thời gian điều trị bệnh lý và là biện pháp duy nhất bảo tồn sinh sản cho những trường hợp trước tuổi dậy thì. Ý tưởng bảo tồn sinh sản bằng kỹ thuật trữ rã mô buồng trứng trên thế giới bắt đầu từ năm 1996, đến nay đã có nhiều bước tiến đáng kể, và hiện đã có hơn 180 em bé ra đời bằng phương pháp này.

kham-thai-3-thang-dau-1.jpg

(ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, chương trình thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) bắt đầu từ năm 1997, đến nay có đến 53 trung tâm TTTON ra đời. Về vấn đề bảo tồn sinh sản, chúng ta đã có thể thực hiện tốt trữ giao tử và phôi. Tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), thì tỷ lệ sống sau rã của phôi và giao tử đạt hơn 95%. Tuy nhiên, các phương cách này có những hạn chế không thể thay thế phương pháp bảo tồn sinh sản bằng kỹ thuật trữ - rã mô buồng trứng ở các bệnh nhân có chỉ định. Năm 2016, tại Bệnh viện Từ Dũ đã tiến hành một thực nghiệm trữ - rã mô buồng trứng người, tuy nhiên chỉ dừng ở mức xác định các nang sống chết sau rã bằng phương pháp nhuộm đơn giản không đặc hiệu, chưa có giá trị cao trong đánh giá thực sự hiệu quả chương trình hay nói một cách khác là chưa thấy được “sự sống thật sự” của mô buồng trứng người sau rã. Và cho đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu xác định phương pháp trữ - rã mô buồng trứng nào hiệu quả với mục đích thiết lập quy trình chuẩn ứng dụng cho thực tế lâm sàng, mở rộng cơ hội bảo tồn sinh sản cho nhóm bệnh nhân có nhu cầu mà hiện nay khả năng sinh sản của họ hầu như bị mất đi hoàn toàn sau điều trị.

Từ đó, TS.BS. Lê Thị Minh Châu và các cộng sự y bác sỹ, nhà khoa học tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) đã triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Nghiên cứu bảo quản mô buồng trứng người Việt Nam bằng phương pháp đông lạnh".

TS.BS. Lê Thị Minh Châu - Trưởng Khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ cho biết: với mong muốn tạo ra thêm cơ hội cũng như chọn lựa điều trị có giá trị cho bệnh nhân, nhóm nghiên cứu tiến hành thực nghiệm trữ  lạnh - rã đông mô buồng trứng người bằng các phương pháp đông lạnh, sau đó cấy ghép mô buồng trứng này lên chuột để khảo sát hiệu quả  của các phương pháp này thông qua đánh giá tỷ lệ nang phát triển, hoạt động sống và chức năng của mô trữ sau ghép.

"Đây là một giai đoạn bắt buộc trước khi tiến hành cấy ghép trên người, thực hiện chương trình bảo tồn sinh sản bằng phương thức trữ mô buồng trứng", nhóm triển khai nhiệm vụ thông tin.

H-2.jpg

TS.BS. Lê Thị Minh Châu - Trưởng Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ

Theo lời TS.BS. Lê Thị Minh Châu, trữ mô buồng trứng là một trong những giải pháp cần thiết để bảo tồn chức năng sinh sản cũng như nội tiết của phụ nữ, mà đôi khi giải pháp này là duy nhất trong một số trường hợp cụ thể như là đối với trẻ em gái bị ung thư, hoặc những bệnh nhân không đủ thời gian, không phù hợp trải qua quá trình thụ tinh ống nghiệm, trữ trứng hay trữ phôi.

Đông lạnh mô buồng trứng là phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản được chỉ định đối với phụ nữ không thể kích thích buồng trứng, trữ phôi. Trữ mô buồng trứng còn thực hiện được trên thiếu niên và bé gái chưa dậy thì. Ưu điểm đặc biệt của trữ mô buồng trứng là không cần kích thích buồng trứng, không kéo dài thời gian điều trị bệnh lý.

Nhóm triển khai nhiệm vụ đã tiến hành thu nhận mô buồng trứng, xử lý mẫu mô tươi, trữ lạnh mô buồng trứng theo quy trình công nghệ đông lạnh chậm và quy trình công nghệ thủy tinh hóa. Sau đó, rã đông các mẫu mô đã đông lạnh, ghép các mảnh mô lên chuột, thu nhận các mảnh mô sau ghép để đánh giá.

Báo cáo kết quả trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức, TS.BS. Lê Thị Minh Châu cho biết, dù cho trữ lạnh mô buồng trứng với kỹ thuật nào thì số lượng nang noãn, sự sống và chức năng tế bào đều giảm so với mô tươi và đặc biệt giảm ở mô có ghép nhiều hơn mô chỉ thực hiện trữ - rã mà không ghép.

kham-thai-dinh-ky-Doppler-768x431.jpg

(Ảnh minh họa)

Về mặt mô học, các nang noãn còn lại sau cấy ghép chủ yếu là nhóm nang nguyên thủy, đa số đều toàn vẹn, loại nang bị ảnh hưởng nhất là nang sơ cấp. Nguồn nang noãn nguyên thủy chính là nguồn dự trữ buồng trứng của bệnh nhân. Như vậy, sau trữ - rã - ghép, dự trữ buồng trứng bệnh nhân có giảm nhưng vẫn còn để có thể duy trì hoạt động nội tiết và sinh sản. Cả hai kỹ thuật đông lạnh chậm và thủy tinh hóa đều cho kết quả khả quan sau trữ - rã - ghép. Tuy nhiên, kỹ thuật đông lạnh chậm có một số kết quả tốt hơn kỹ thuật thủy tinh hóa.

Từ thành công của nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học tại Bệnh viện Từ Dũ kiến nghị ứng dụng kỹ thuật trữ mô đông lạnh chậm vào thực hành lâm sàng, đồng thời đề xuất nhà nước và các cơ quan hữu quan tiếp tục hỗ trợ nhóm thực hiện nghiên cứu tìm tòi, phát triển tiếp kỹ thuật trữ mô đông lạnh nhanh do một số tính ưu việt của kỹ thuật này, xem khả năng thay thế kỹ thuật trữ mô đông lạnh chậm trong tương lai. Ngoài ra, cũng có thể thực hiện nghiên cứu ghép mô buồng trứng trên người để xác định hiệu quả kỹ thuật.

Nhiệm vụ khoa học - công nghệ “Nghiên cứu bảo quản mô buồng trứng người Việt Nam bằng phương pháp đông lạnh” có sự phối hợp của các đơn vị đầu ngành bao gồm Bệnh viện Từ Dũ, Viện Tế bào gốc (Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM) và Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, bắt kịp xu hướng phát triển sức khỏe sinh sản của y học thế giới.

Tính ứng dụng thực tế của kết quả nhiệm vụ rất cao vì xuất phát từ nhu cầu thực tế là mong muốn bảo tồn sinh sản trước các biến cố trong cuộc sống hoặc do bẩm sinh, đồng thời là cơ sở để tiến hành ghép mô buồng trứng cho bước tiếp theo phục hồi sức khỏe nội tiết và có thể là khả năng sinh sản, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sống của phụ nữ Việt Nam.

 

Là một phần của nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu và thông qua trong quý III/2023, TS.BS. Lê Thị Minh Châu và các cộng sự đã thiết lập một quy trình trữ -  rã mô buồng trứng có hiệu quả đã được kiểm tra bằng nghiên cứu của đề tài; và quy trình này cũng đã được thông qua bởi hội đồng khoa học Bệnh viện Từ Dũ.

H-4.jpg

Kết quả nhiệm vụ mở ra hướng tiếp cận mới cho chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung

Nhận định về hiệu quả khoa học - công nghệ của nghiên cứu này, đại diện Bệnh viện Từ Dũ cho biết, kết quả của nhiệm vụ về cơ bản đã thiết lập quy trình trữ - rã mô buồng trứng để có thể ứng dụng thực tế trên lâm sàng. Xác định được phương thức và phác đồ trữ - rã hiệu quả trong điều kiện kỹ thuật, con người, cơ sở vật chất tại Việt Nam.

"Đây là bước bắt buộc thực hiện trước khi triển khai chương trình bảo tồn sinh sản thực sự với mô buồng trứng người. Là cơ sở tiến hành ghép mô buồng trứng cho bước tiếp theo phục hồi sức khỏe nội tiết và có thể là khả năng sinh sản, niềm hạnh phúc thiêng liêng của người phụ nữ", TS.BS. Lê Thị Minh Châu nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng theo lời đại diện nhóm nghiên cứu, kết quả của nhiệm vụ là bước quan trọng, thiết yếu phát triển hơn nữa chương trình bảo tồn sinh sản, mở rộng cơ hội và sự chọn lựa cho bệnh nhân, đặc biệt cho những tình huống đây là giải pháp duy nhất cho việc bảo tồn khả năng sinh sản; đồng thời phát triển chương trình bảo tồn sinh sản với trữ - rã mô buồng trứng chưa có  tại Việt Nam, qua đó giúp ngành y nói chung và ngành sản khoa trong nước bắt kịp xu hướng thế giới trong chủ đề sức khỏe sinh sản.

Về hiệu quả kinh tế - xã hội, TS.BS. Lê Thị Minh Châu khẳng định, nhiệm vụ hoàn thiện giúp có thêm một kỹ thuật y khoa tiến tiến chuyên khoa sâu phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân.


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378