Nhiều hoạt động hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
12-11-2021Đến nay, TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách, từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), trở thành cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước. Các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ngày càng sôi động, qua đó đã giúp các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nói chung và doanh nghiệp nói riêng có những chuyển biến rõ rệt.
Việc hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST cũng là một trong những nội dung được quan tâm trong Tháng cao điểm thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư".
TP.HCM đã ban hành đề án “Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025”. Đề án đề ra mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Thành phố phát triển ngang tầm khu vực, từng bước trở thành nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động ĐMST, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực của Thành phố, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45 - 50%.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, đồng thời là địa phương sớm ban hành nhiều chính sách cho khởi nghiệp ĐMST, thúc đẩy hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ và đang trở thành cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước. Qua đó, Thành phố đã hình thành mô hình không gian hỗ trợ hoạt động ĐMST và khởi nghiệp (SIHUB); đã kết nối trên 40 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (cơ sở ươm tạo, tăng tốc, không gian làm việc chung, Quỹ đầu tư); thiết lập nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu 134 phòng thí nghiệm, 626 chuyên gia, 275 tổ chức KH&CN,... (số liệu thống kê tính đến hết năm 2020).
Hiện Thành phố có trên 3000 cá nhân, nhóm khởi nghiệp được huấn luyện kiến thức kinh nghiệm thực tiễn về phát triển ý tưởng và đánh giá sản phẩmkhởi nghiệp; hơn 280 giảng viên, cán bộ các trường đại học, đơn vị được trang bị kiến thức về khởi nghiệp ĐMST; 160 cố vấn khởi nghiệp được đào tạo và nâng cao năng lực, hơn 200 mentor được kết nối từ các mạng lưới quốc tế.
Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng các đơn vị đã tổ chức trên 60 cuộc thi với hơn 3000 dự án và ý tưởng tham gia (trung bình mỗi năm có khoảng 200 dự án được chọn để tiếp tục ươm tạo hoặc tham gia các chương trình hỗ trợ về khởi nghiệp sáng tạo); tổ chức trên 1.000 sự kiện kết nối các cá nhân, tố chức, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST với các chuyên gia, cố vấn, quỹ đầu tư, thị trường thông qua các diễn đàn, hội nghị/hội thảo, các buổi tư vấn, các hội chợ, chợ phiên khởi nghiệp,… Trong giai đoạn 2016 – 2020, Thành phố đã thực hiện ươm tạo và phát triển sản phẩm, công nghệ cho hơn 950 dự án khởi nghiệp ĐMST được chọn từ các cuộc thi. Nhiều dự án khởi nghiệp được hỗ trợ thông qua các chương trình đã gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư thiên thần (như dự án Teamup, dự án SchoolBus, 689Cloud,…) với định giá tăng từ 1,5 đến 1,8 lần so với định giá trước khi nhận được hỗ trợ.
Một trong những cuộc thi đáng chú ý là HAI 2020 (Dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo của TP.HCM năm 2020). HAI 2020 được tổ chức với mục đích tạo ra sân chơi trí tuệ nhằm kết nối, phát triển nguồn nhân lực AI (trí tuệ nhân tạo), khuyến khích phong trào nghiên cứu, ứng dụng AI tại Việt Nam. Cuộc thi đã tìm ra ba dự án xuất sắc nhất nhận được giải thưởng 100 triệu đồng mỗi giải, gồm: Tầm soát bệnh Glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo EYEDR (tác giả Phạm Thị Thủy Tiên – Bệnh viện Mắt TP.HCM); Xác định sức khỏe cây trồng bằng máy bay không người lái (Phạm Thanh Toàn – Công ty CP Công nghệ thông minh MiSmart); Music ID (Lương Công Trung Nguyên – Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM). Ba dự án này nằm trong top 20 dự án nổi bật trước đó được chọn vào vòng bán kết và tham gia ươm tạo tại các vườn ươm. Cuộc thi HAI 2020 đã nhận được 108 hồ sơ dự án đăng ký tham dự. Các dự án top 20 được chọn tham gia ươm tạo tại các vườn ươm thuộc nhiều lĩnh vực như y tế, giao thông, nông nghiệp, bán lẻ,… đều mang tính ứng dụng vào thực tiễn cao.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, hầu hết các hoạt động hỗ trợ của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST được thực hiện dưới hình thức trực tuyến nhưng vẫn gắn kết với nhu cầu thực tế của từng nhóm đối tượng. Nội dung hỗ trợ chủ yếu liên quan đến hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, tiêu biểu như: Nâng cao năng lực cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thông qua việc phối hợp với các tổ chức/đơn vị thực hiện 9 khóa huấn luyện kiến thức, kỹ năng về ĐMST, khởi nghiệp; Hỗ trợ kết nối mạng lưới khởi nghiệp ĐMST (tổ chức gần 180 sự kiện kết nối, giao thương, khóa luấn luyện nâng cao năng lực của cộng đồng khởi nghiệp Thành phố tại SIHUB); Hỗ trợ các cơ sở ươm tạo, trường đại học phát triển, ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp ĐMST, khởi nghiệp xã hội giải quyết các vấn đề cộng đồng (giới thiệu 2 dự án khởi nghiệp ĐMST tham gia cuộc thi Global Matching 2021 và 5 dự án khởi nghiệp ĐMST tham gia XnTree); Hỗ trợ phát triển tăng tốc các dự án khởi nghiệp ĐMST với các nhiệm vụ chủ yếu như Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST (SpeedUp), phối hợp với Quỹ đầu tư Expara xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình SIHUB-Expara mùa 3; Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về khoa học công nghệ và ĐMST;…
Lam Vân (CESTI)