SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” năm 2025: Sân chơi toàn quốc cho những ý tưởng bứt phá

14-04-2025
Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” năm nay sẽ mở rộng quy mô ra toàn quốc, tạo điều kiện cho nhiều tài năng trên khắp đất nước được tiếp cận cơ hội khởi nghiệp và phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Cuộc thi là sự kiện thường niên do Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức, với mục đích tìm kiếm, chọn lọc, tôn vinh, ươm tạo những ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thực hiện mục tiêu “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố khởi nghiệp cho giới trẻ”. 

Không dừng lại ở một sân chơi ý tưởng, Cuộc thi được xây dựng như một phần trong kế hoạch hành động dài hạn của ngành nông nghiệp, nhằm tạo dựng nền tảng cho một thế hệ doanh nhân nông nghiệp mới: năng động, sáng tạo và làm chủ công nghệ. Trong đó, vai trò của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là mắt xích quan trọng trong việc hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao, gắn với chuyển đổi số và kinh tế xanh.

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, Quy chế Cuộc thi đã chính thức được ban hành, quy định chi tiết các nội dung, điều kiện tham dự, tiêu chí đánh giá, cơ cấu giải thưởng và phương thức triển khai. 

Cụ thể, lĩnh vực dự thi năm nay thuộc một trong các nhóm sau: Quản lý, sản xuất, chế biến, bảo quản trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (sản xuất, chế biến nấm ăn và nấm dược liệu, cây dược liệu, hoa lan và cây cảnh, công nghệ tế bào thực vật, công nghệ vi sinh, công nghệ sinh học, công nghệ trồng trọt, công nghệ nuôi trồng thủy sản, công nghệ chăn nuôi, chế phẩm sinh học); Ứng dụng công nghệ thông tin, IoT, dữ liệu lớn (Big data), chuỗi khối (Block chain), trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, robot, máy bay không người lái… vào quản lý, sản xuất, chế biến, bảo quản trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, chuyển đổi xanh, nông nghiệp tuần hoàn, giảm thiểu phát thải nhà kính, phát triển bền vững.

BANNER.png

Cuộc thi được chia thành 2 bảng, trong đó, Bảng A dành cho đối tượng tham dự là sinh viên các trường cao đẳng, đại học trong cả nước, và Bảng B dành cho các cá nhân, nhóm khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã.

Điểm đáng chú ý trong quy chế Cuộc thi lần này là việc tập trung đặc biệt vào tính ứng dụng thực tiễn, hiệu quả kinh tế và khả năng nhân rộng của các dự án. Ban Tổ chức không khuyến khích các ý tưởng mang tính lý thuyết hoặc chưa có lộ trình triển khai rõ ràng. Các tiêu chí chấm điểm xoay quanh tính sáng tạo, hàm lượng công nghệ, khả năng thương mại hóa và đóng góp cho phát triển bền vững nông nghiệp - nông thôn. Đây là những yếu tố then chốt để xác định đâu là một ý tưởng khởi nghiệp thực sự có tiềm năng trở thành doanh nghiệp dẫn dắt thị trường trong tương lai.

Thí sinh dự thi truy cập vào trang web chính thức của Cuộc thi để tải mẫu đăng ký dự thi, điền đầy đủ thông tin và gửi về địa chỉ email: doimoisangtaonncnc@gmail.com. Hồ sơ hợp lệ sẽ được Ban Tổ chức gửi mail xác nhận và có tên trong danh sách dự thi được đăng tải lên trang fanpage và website chính thức của Cuộc thi. Thời gian dự kiến nhận hồ sơ dự thi là từ tháng 2 đến tháng 7. Hồ sơ dự thi sẽ được Ban Giám khảo xem xét và đánh giá sơ bộ. Vượt qua vòng đánh giá này, các thí sinh sẽ được thông báo lịch sơ tuyển. Cuộc thi dự kiến sẽ được tổ chức sơ tuyển ở 6 cụm được phân chia theo 6 vùng trên cả nước: 

- Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: dự kiến tổ chức thi tại Thành phố Cao Bằng. 
- Vùng Đồng bằng sông Hồng: dự kiến tổ chức thi tại Thành phố Hà Nội.
- Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: dự kiến tổ chức thi tại Thành phố Đà Nẵng.
- Vùng Tây Nguyên: dự kiến tổ chức thi tại Thành phố Đà Lạt. 
- Vùng Đông Nam Bộ: dự kiến tổ chức thi tại Thành phố Hồ Chí Minh. 
- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: dự kiến tổ chức thi tại Thành phố Cần Thơ.

Vòng sơ tuyển được Ban Giám khảo đánh giá thông qua phần trình bày ý tưởng, sản phẩm, quy trình…, dự kiến tổ chức trong tháng 8 đến tháng 9, theo hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến và trực tiếp tùy theo đặc điểm, số lượng bài dự thi tại mỗi vùng. Vòng bán kết sẽ tổ chức tại TP.HCM hoặc các tỉnh, thành phố đại diện tại 6 vùng trọng điểm nêu trên. 

Đặc biệt, vòng chung kết dự kiến tổ chức tại TP.HCM, sẽ là sân chơi quy tụ những gương mặt xuất sắc nhất, có khả năng thuyết trình trước Hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học, nhà đầu tư và lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước. Tại đây, các dự án sẽ được đánh giá toàn diện không chỉ về nội dung chuyên môn mà còn về khả năng vận hành thực tế, tiềm năng thị trường và định hướng phát triển lâu dài.

Cơ cấu giải thưởng năm nay được thiết kế để khuyến khích tối đa tinh thần đổi mới sáng tạo (ĐMST). Cụ thể, ở bảng sinh viên (Bảng A) gồm: 01 giải nhất 20.000.000 đồng/giải; 01 giải nhì 15.000.000 đồng/giải; 02 giải ba 10.000.000 đồng/giải; 03 giải khuyến khích 5.000.000 đồng/giải; 01 giải dự án được yêu thích nhất 5.000.000 đồng/giải; 01 giải dự án thuyết trình ấn tượng nhất 5.000.000 đồng/giải; 01 giải dự án có tính ứng dụng cao 5.000.000 đồng/giải.

Ở bảng cá nhân, nhóm khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp (Bảng B) gồm: 01 giải nhất 50.000.000 đồng/giải; 01 giải nhì 40.000.000 đồng/giải; 02 giải ba 30.000.000 đồng/giải; 03 giải khuyến khích 10.000.000 đồng/giải; 01 giải dự án được yêu thích nhất 5.000.000 đồng/giải; 01 giải dự án thuyết trình ấn tượng nhất 5.000.000 đồng/giải; 01 giải dự án có tính ứng dụng cao 5.000.000 đồng/giải.

Ngoài ra, các dự án đạt giải sẽ được ưu tiên xem xét, lựa chọn tham gia chương trình ươm tạo doanh nghiệp tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao với các chính sách hỗ trợ như tập huấn và nâng cao năng lực; hỗ trợ phát triển sản phẩm, mô hình kinh doanh; tạo cơ hội kết nối và tiếp cận thị trường; hỗ trợ xem xét, lựa chọn tham gia chương trình hỗ trợ dự án ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo theo Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với số tiền hỗ trợ lên đến 400 triệu đồng/dự án.

Có thể nói, Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” không chỉ là sự kiện chuyên môn đơn lẻ, mà còn là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm xây dựng nền nông nghiệp đổi mới, bền vững, hiện đại. Trong hành trình ấy, mỗi ý tưởng dự thi chính là một hạt giống tiềm năng - nếu được gieo trồng và nuôi dưỡng đúng cách, sẽ góp phần tạo nên những doanh nghiệp mang bản sắc công nghệ nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:

Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi: Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao. 
Thông tin liên hệ thông qua đầu mối Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao
Địa chỉ: Lầu 11 Tòa nhà 255 Trần Hưng Đạo, Phường Cô Giang, Quận 1, Tp.HCM
Email: doimoisangtaonncnc@gmail.com  
Số điện thoại: 028 - 6264 6103

Minh Nhã (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378