SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Phổ biến bộ tiêu chuẩn ISO 56000 đến doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM

28-10-2024
Việc áp dụng và triển khai các tiêu chuẩn quản lý đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp phụ thuộc vào mức độ thích ứng nhất định của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nắm bắt một số nguyên tắc chính để xây dựng hệ thống hoạt động đổi mới sáng tạo hiệu quả.

Ngày 25/10/2024, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức Hội thảo Giới thiệu về ISO 56000 – Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo, các hệ thống quản lý và công cụ sản xuất thông minh – lộ trình chuyển đổi số.

ISO1.jpg

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ và trao đổi về khả năng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong một số nghiệp vụ như giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, quy trình, mô hình, phương pháp mới... nhằm tạo ra các giá trị tối ưu nhất cho doanh nghiệp. Theo đó, đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng có thể giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Từ đó, doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, thu hút nguồn lực tài trợ của các đối tác, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín của doanh nghiệp...

Vì thế, việc triển khai hoạt động đổi mới là cách để doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các mục tiêu chiến lược. Tuy nhiên, việc theo đuổi sự đổi mới sáng tạo có thể sẽ là thách thức đối với doanh nghiệp nếu không có sự hướng dẫn và tiêu chuẩn rõ ràng. Việc áp dụng và triển khai các tiêu chuẩn quản lý đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp phụ thuộc vào mức độ thích ứng nhất định của doanh nghiệp. Do đó, bộ tiêu chuẩn ISO 56000 là giải pháp hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận đổi mới sáng tạo, dễ dàng nắm bắt và tạo cơ hội, cải thiện khả năng quản lý cơ hội và rủi ro, tối ưu năng suất và hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm chi phí và chất thải, tăng cường năng lực tuân thủ các quy định và các yêu cầu, mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và phát triển ra các thị trường mới trên trường quốc tế.

ISO2.jpg

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 có thể được áp dụng cho tất cả tổ chức, bất kể loại hình, khu vực, mức độ trưởng thành hoặc quy mô. ISO 56000 tập hợp quy trình vận hành tiêu chuẩn được thiết kế để cung cấp khuôn khổ chung để thực hiện thành công, duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý đổi mới; đưa ra hướng dẫn chung đối với tất cả các loại hình đổi mới như đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quá trình, mô hình kinh doanh và phương pháp từ cải tiến nhỏ đến đổi mới triệt để, cũng như tất cả phương pháp tiếp cận như đổi mới nội bộ và đổi mới mở cho người dùng, thị trường, công nghệ và các hoạt động đổi mới dựa trên thiết kế. ISO 56000 cho phép kết hợp với các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO khác nhau như ISO 9001 về hệ thống quản lý chất lượng hay ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường… Cả ISO 56000, ISO 9001 và ISO 14001 đều đặt sự cam kết của lãnh đạo là một yếu tố quan trọng. Việc chia sẻ và kết hợp các hoạt động này có thể tạo ra một môi trường hỗ trợ sự đổi mới và chất lượng. Doanh nghiệp cần nắm bắt một số nguyên tắc chính để xây dựng hệ thống hoạt động đổi mới sáng tạo hiệu quả.

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 được nhận định thực sự là tiêu chuẩn hoá các công cụ, phương pháp và sự tương tác mà doanh nghiệp cần tạo ra cơ hội cho các bên liên quan để hỗ trợ hoạt động đổi mới. Được ban hành từ năm 2019 với 10 tiêu chuẩn thành phần, trong đó bao gồm cả các tiêu chuẩn đã được ban hành và các tiêu chuẩn tới nay vẫn đang trong quá trình xây dựng.

+ ISO 56000:2020: Quản lý đổi mới - Các nguyên tắc cơ bản và từ vựng.

+ ISO/AWI 56001: Quản lý đổi mới - Hệ thống quản lý đổi mới - Yêu cầu (đang xây dựng).

+ ISO 56002:2019: Quản lý đổi mới - Hệ thống quản lý đổi mới - Hướng dẫn.

+ ISO 56003:2019: Quản lý đổi mới - Các công cụ và phương pháp để hợp tác đổi mới - Hướng dẫn.

+ ISO/TR 56004:2019: Đánh giá Quản lý Đổi mới - Hướng dẫn.

+ ISO 56005:2020: Quản lý đổi mới - Các công cụ và phương pháp quản lý tài sản trí tuệ - Hướng dẫn.

+ ISO/DIS 56006: Quản lý đổi mới - Các công cụ và phương pháp để quản lý trí tuệ chiến lược - Hướng dẫn (đang xây dựng).

+ ISO/ AWI 56007: Quản lý đổi mới - Các công cụ và phương pháp để quản lý ý tưởng - Hướng dẫn (đang xây dựng).

+ ISO/ AWI 56008: Quản lý đổi mới - Các công cụ và phương pháp đo lường hoạt động đổi mới - Hướng dẫn (đang xây dựng).

+ ISO/WD TS 56010: Quản lý đổi mới - Các ví dụ minh họa về ISO 56000 (đang xây dựng).

Hoàng Kim (CESTI) 


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378