Phụ nữ và đổi mới sáng tạo: hành trình tạo ra tài sản sở hữu trí tuệ
25-04-2023Hoạt động đổi mới sáng tạo là một trong những lợi thế cạnh tranh khi các doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh. Hoạt động này đã và đang được phụ nữ quan tâm và tạo ra nhiều sản phẩm, tài sản trí tuệ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) được chứng minh bởi những câu chuyện về hành trình từ ý tưởng đến các sản phẩm sáng chế, sáng tạo tại tọa đàm “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. Tọa đàm do Sở KH&CN phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức ngày 22/04 trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2023.
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) chia sẻ tại tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, diễn giả là các đại diện gương phụ nữ điển hình đã chia sẻ những kinh nghiệm, câu chuyện về hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo ra tài sản sở hữu trí tuệ để khẳng định vị trí, vai trò của người phụ nữ Việt Nam hiện đại trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.
Cụ thể như NSND Kim Cương (lĩnh vực sân khấu, cải lương, kịch nói Việt Nam); BS. Phạm Thị Kim Loan (nhà sáng chế); bà Trần Thị Triệu (nhà sáng chế, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Hoàng Gia Hải Yến); bà Nguyễn Thị Hiếu (nhà khởi nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH SXTM Nấm Linh chi Đất Thép); bà Võ Thị Kiều Tiên (Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Củ Chi chia sẻ ý tưởng dám nghĩ, dám làm, đưa ra những sáng kiến giúp Củ Chi trở thành một trong ba quận, huyện kiểm soát được dịch bệnh Covid sớm nhất của TP.HCM); bà Phạm Thị Kim Oanh (Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Với 15 năm miệt mài nghiên cứu, lao động sáng tạo, BS. Phạm Thị Kim Loan đã tạo ra nhiều sản phẩm giúp người dùng bảo vệ và điều chỉnh cột sống của mình hàng ngày, chống lại các bệnh lý về cơ xương khớp. Nhà sáng chế nữ hiện là chủ sở hữu hơn 252 Bằng độc quyền sáng chế đăng ký tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Chia sẻ câu chuyện từ ý tưởng đến bằng sáng chế của mình, BS. Nguyễn Thị Kim Loan cho rằng, đó là một hành trình dài. Trong quá trình làm việc tại Mỹ, bà biết đến một phương pháp chỉnh xương mà không dùng thuốc bằng cách nghiên cứu cơ chế sinh bệnh để giải quyết tận tốc. Bà cho biết, các bệnh về cột sống thủ yếu do thói quen sống hàng ngày của con người, ngồi các loại ghế gây tổn thất xương. Từ thực tế này, BS. Loan mất 2 năm nghiên cứu tạo ra loại ghế giúp con người giữ hệ xương khi ngồi không bị lệch. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia, bà tạo ra ghế bằng vật liệu sợi composite có khả năng chịu được lực rất lớn, không bị nứt gãy, giúp nâng đỡ cột sống. Tiếp theo đó, các sản phẩm như gối lưng, đệm thiền… cũng được ra đời. Bà đăng ký và được cấp nhiều bằng sáng chế ở Việt Nam và một số nước như Mỹ, Canada, Singapore, Nhật Bản,...
Các nhà sáng chế, diễn giả nữ chia sẻ tại tọa đàm
Về quá trình đăng ký sở hữu trí tuệ, theo BS. Loan, cần nhất là sự kiên nhẫn, vì ở nước ngoài có những hàng rào kỹ thuật rất khắt khe yêu cầu sản phẩm phải có tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng thực tiễn. Tại Australia, bằng sáng chế của bà phải mất hơn 9 năm mới được cấp. “Trải qua hành trình dài làm sở hữu trí tuệ, tôi mới thấm thía câu sáng tạo là kết quả 99% lao động và 1% từ ý tưởng sáng tạo”, bà Loan nói.
Với truyền thống làm nghề tổ yến, bà Trần Thị Triệu (70 tuổi) đã sáng chế ra nhiều sản phẩm tổ yến thực dưỡng, kẹo tổ yến… được cấp bằng sở hữu trí tuệ. Tại tọa đàm, bà cho biết, gia đình có nghề truyền thống làm tổ yến từ trước giải phóng. Năm 1986, sau khi đất nước mở cửa, bà có thời gian sang Nhật Bản làm việc. Nhìn thấy trong bữa ăn người Nhật thường có các vi chất dinh dưỡng dưới dạng viên, dạng bột hay dạng nước được tổng hợp từ rau củ quả, rong biển… Khi về Việt Nam, bà suy nghĩ và bắt đầu nghiên cứu, tìm cách làm ra những sản phẩm tương tự cho người Việt. Với truyền thống làm nghề tổ yến, bà đã nghiên cứu nâng cao giá trị sản phẩm gấp nhiều lần bằng việc tạo ra sản phẩm tổ yến thực dưỡng ăn liền dạng gói. Nghiên cứu ra sản phẩm, bà làm thủ tục bảo hộ và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế cho sản phẩm tổ yến thực dưỡng năm 2020.
Ý tưởng về sản phẩm khác cũng đến từ chuyến đi Hàn Quốc khi bà vào các nhà hàng và thấy nhiều món ăn có nguyên liệu từ củ sâm. Nghĩ về Việt Nam, bà nhận thấy sâm là thực vật quý, chỉ sử dụng cho người thu nhập cao và người bệnh cần bồi bổ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nuôi yến, tại sao không sử dụng chim yến làm món ăn. Từ ý tưởng này, bà Triệu lại miệt mài nghiên cứu và tạo ra sản phẩm kẹo trái cây tổ yến, được cấp bằng giải pháp hữu ích năm 2020. Về quá trình tạo ra sản phẩm mới, bà Triệu chia sẻ một nguyên tắc, khi có ý tưởng bất chợt sẽ viết ngay ra giấy vì sợ quên và bắt tay vào làm ngay. “Ý tưởng có thể đến bất chợt, có khi đến với mình rất tình cờ. Nên khi trong đầu nảy ra suy nghĩ dù là nửa đêm tôi cũng ngồi dậy bật đèn viết ra”, bà Triệu nhớ lại. Bà cho rằng, để có nhiều ý tưởng phải dựa vào quá trình lao động tận tụy bằng sự yêu thích và đam mê. Từ quá trình này, mỗi người sẽ nảy ra những sáng chế. Tuy nhiên, để có thành công thì phải có hàng trăm lần thất bại. Với bà, thông điệp của quá trình này chính là “ở đâu có tình yêu lao động, lao động cần cù, ở đó có sáng tạo”.
Bà cũng mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp khác để khai thác, thương mại hóa các sản phẩm đã được cấp bằng sở hữu trí tuệ để phục vụ cộng đồng nhiều hơn nữa. Hiện bà Triệu cũng đang nghiên cứu tạo ra một dạng mỹ phẩm gội đầu từ tổ yến, kết hợp với bồ kết và nha đam và một số loại thảo dược giúp tóc mềm mịn, sạch gàu, chống rụng tóc, chăm sóc da đầu.
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, thế giới hiện đang rất sôi động với các hoạt động thúc đẩy việc nhận thức được vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền tác giả nói riêng để bảo vệ tài sản trí tuệ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Tại Việt Nam đã xây dựng được hành lang pháp lý bảo vệ tác giả với những sáng chế của mình. Bà Oanh mong muốn các tác giả cần chủ động bảo vệ quyền của mình trong các sản phẩm, vì đây là quá trình nỗ lực sáng tạo và xã hội cũng cần tôn trọng quyền bảo hộ với những nhà sáng chế.
Khu vực gian hàng triển lãm "Khi phụ nữ đổi mới, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn"
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ cho biết, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/04) năm nay, WIPO lấy chủ đề “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - thúc đẩy đổi mới sáng tạo” nhằm tôn vinh những người phụ nữ tài năng trên toàn thế giới. Cách đây 5 năm, WIPO cũng từng lựa chọn chủ đề về phụ nữ để chào mừng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới. Có thể thấy, từ những sản phẩm, sáng chế phục vụ các hoạt động của cuộc sống đời thường đến những sản phẩm công nghệ, hay nghiên cứu khoa học, phát minh vaccine,… đều có vai trò sáng tạo của phụ nữ. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mà còn làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cùng với buổi tọa đàm này, trong khuôn khổ hoạt động chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2023 tại TP.HCM còn có sự kiện Triển lãm “Khi phụ nữ đổi mới, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn” nhằm ghi nhận các sáng tạo, thành tựu của chị em phụ nữ phương Nam trong hoạt động sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Triển lãm diễn ra trong hai ngày 22&23/04 đã trưng bày giới thiệu đến cộng đồng các giải pháp, mô hình, sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và quản lý công việc, các ấn phẩm văn học nghệ thuật của phụ nữ khu vực phía Nam. Đồng thời, Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/04), Ngày sách và bản quyền thế giới (23/04) cũng diễn ra nhằm khuyến khích, phát triển và tôn vinh văn hóa đọc cho người Việt cũng như như tôn vinh giá trị của sách, thúc đẩy việc đọc, xuất bản sách và bảo vệ quyền tác giả.
Lam Vân