SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Sáng tạo đột phá cho Sâm Việt Nam bằng loạt sản phẩm chăm sóc sức khỏe

08-07-2022

Các sản phẩm bào chế từ Sâm Việt Nam có chất lượng cao, khả năng bảo quản lâu dài, thuận tiện cho việc thương mại hóa và sử dụng. Nguồn nguyên liệu đầu vào được gieo trồng ở Lâm Đồng, vượt khỏi khu vực Ngọc Linh truyền thống.

Được phát hiện vào năm 1973, và nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng dược lý đã chứng minh Sâm Việt Nam có tác dụng trên thần kinh trung ương, tăng sinh lực và tăng cường các hoạt động của não bộ, tăng nội tiết sinh dục, tăng sức đề kháng, miễn dịch, bảo vệ gan, chống ung thư. Sâm Việt Nam cũng có tác dụng phục hồi các rối loạn bệnh lý gây bởi stress tâm lý, đồng thời có tác dụng hiệp lực với các thuốc hạ đường huyết, hạ cholesterol … Tuy nhiên, hiện nay Sâm Việt Nam vẫn chủ yếu được sử dụng ở dạng đơn giản như nước sắc, rượu thuốc vốn mất nhiều thời gian chế biến,  dạng dùng khộng tiện dụng, quá trình bào chế theo phương pháp thủ công không đảm bảo chất lượng sản phẩm. 

Thực tế đó đã thôi thúc GS.TS Nguyễn Minh Đức cùng các cộng sự tại Trung tâm Khoa học và Công nghệ Dược Sài Gòn (SAPHARCEN) thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu sự tích lũy hoạt chất saponin theo tuổi cây và ứng dụng vào sản xuất một số sản phẩm chất lượng cao từ Sâm Việt Nam (Panax vietnamensis Ha et Grushv. – Araliaceae) trồng tại Lâm Đồng”.  

Nhóm thực hiện nhiệm vụ đã sản xuất thành công 4 loại sản phẩm (kèm theo 4 quy trình sản xuất), gồm: (1) Cao lỏng Sâm Việt Nam, (2) Bột chiết chuẩn hóa chứa 20% cao lỏng Sâm Việt Nam, (3) Sâm Việt Nam tẩm mật ong, (4) Trà hòa tan Sâm Việt Nam.

Cả 4 sản phẩm đều chưa có sản phẩm Sâm Việt Nam tương đương trong nước và nước ngoài. Chất lượng của 4 sản phẩm Dạng I thể hiện qua các tiêu chuẩn cơ sở, được xây dựng theo các yêu cầu của Dược điển Việt Nam - V (2017), trong đó chỉ tiêu định lượng được đánh giá dựa vào tổng hàm lượng 5 saponin đặc trưng/chủ yếu trong Sâm Việc Nam gồm: G-Rb1, G-Rd, G-Rg1, M-R2 và V-R2; cũng như hàm lượng của saponin chủ yếu trong Sâm Việt Nam là M-R2 bằng phương pháp HPLC-ELSD. Các tiêu chuẩn cơ sở đều được thẩm định bởi Viện Kiểm nghiệm Thuốc TPHCM.

Điểm thú vị ở nhiệm vụ là nguồn nguyên liệu Sâm Việt Nam không từ khu vực bản địa Ngọc Linh mà từ nguồn sâm được di thực, gieo trồng bằng công nghệ mới trên đất bằng với mái che nhân tạo tại Lâm Đồng. Do đó, nhiệm vụ khoa học - công nghệ mà Trung tâm Khoa học và Công nghệ Dược Sài Gòn triển khai từ sự hỗ trợ kinh phí từ Sở KH&CN TPHCM còn có tác dụng thúc đẩy thu hút đầu tư trồng trọt Sâm Việt Nam tại Lâm Đồng, hình thành những trang trại lớn, góp phần tạo nguồn nguyên liệu xây dựng thành công thương hiệu quốc gia Sâm Việt Nam.

sam2

Sâm Việt Nam 6 tuổi (trồng tại Lâm Đồng)

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ vừa được Sở KH&CN TPHCM tổ chức cuối tháng 4 năm 2022, GS.TS Nguyễn Minh Đức cho biết cả 4 quy trình sản xuất các sản phẩm khá đơn giản, chi phí thấp, phù hợp với điều kiện trang thiết bị sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, nên dễ dàng triển khai sản xuất trên quy mô lớn.

sam3

Toàn cảnh hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công “Nghiên cứu sự tích lũy hoạt chất saponin theo tuổi cây và ứng dụng vào sản xuất một số sản phẩm chất lượng cao từ Sâm Việt Nam (Panax vietnamensis Ha et Grushv. – Araliaceae) trồng tại Lâm Đồng” diễn ra tại Sở KH&CN TPHCM trong quý II/2022.

Cụ thể, từ 702 gam bột dược liệu, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã bào chế được khoảng 584 gam Cao lỏng Sâm Việt Nam với độ ẩm 29,85% (đạt TCCS Cao lỏng Sâm Việt Nam) bằng hệ thống chiết xuất đun hồi lưu.  

Cao lỏng có thể chất đặc sánh, màu nâu đen, mùi thơm đặc trưng, vị rất đắng, đồng nhất, không có váng mốc, không có cặn bã và vật lạ. Cao lỏng có giới hạn kim loại nặng  < 20 ppm, chỉ tiêu mất khối lượng do làm khô là 26,11%, độ pH trung bình là 5,3, tan tốt trong dung môi chiết xuất với tỷ lệ 1/10. Tổng hàm lượng 5 saponin (G-Rb1, G-Rd, G-Rg1, M-R2 và V-R2) là 18,8% và hàm lượng M-R2 là 7,6%.

sam5

Quy trình bào chế Cao lỏng Sâm Việt Nam

Bằng nguồn Cao lỏng Sâm Việt Nam thu được, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã kết hợp với một số nguyên liệu khác để bào chế nên Bột chiết chứa 20% Cao lỏng Sâm Việt Nam (độ ẩm 2,14%). Hiệu suất bào chế đạt 86,67%.  

Bột chiết có thể chất khô tơi, màu vàng nhạt, mùi thơm đặc trưng, vị đắng nhẹ, đồng nhất, không có cặn bã và vật lạ. Sau khi hòa với nước, dung dịch có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ, vị đắng nhẹ, đặc trưng của Sâm Việt Nam. Tổng hàm lượng 5 saponin trong sản phẩm là 2,4% và hàm lượng M-R2 là 1,2%.

nuocsam

Bột chiết Cao lỏng Sâm Việt Nam (trái) và sau khi pha với nước (phải)

Để bào chế Sâm Việt Nam tẩm mật ong, nhóm thực hiện nhiệm vụ dùng rễ củ Sâm Việt Nam tươi. Sâm Việt Nam tẩm mật ong được làm chín trong quá trình chế biến tạo cảm giác mềm khi nhai, mùi vị dễ dùng, không để lại bã trong miệng, giảm lượng mật ong sử dụng trong chế phẩm nên được sử dụng tốt cho người bị tiểu đường nhưng vẫn giữ được mùi thơm của sâm và mật ong, đặc biệt là vị ngọt của mật. Thể chất các lát sâm mềm, dẻo, màu nâu đen, có mùi thơm đặc trưng, có vị đắng đặc trưng và vị ngọt của mật ong, không có váng mốc và vật lạ.

Chế phẩm Sâm Việt Nam tẩm mật ong tạo ra có khả năng bảo quản được lâu dài, thuận tiện cho việc thương mại hóa và sử dụng chế phẩm. Tổng hàm lượng 5 saponin trong sản phẩm là 5,2% và M-R2 là 2,8%.

samong

Sâm Việt Nam tẩm mật ong

Trà hòa tan Sâm Việt Nam (độ ẩm 2,29%), được bào chế từ Cao lỏng Sâm Việt Nam kết hợp với tá dược. Hiệu suất bào chế đạt 89,96%. Trà có thể chất khô tơi, màu vàng nhạt, mùi thơm đặc trưng, vị đắng nhẹ, đồng nhất, không có cặn bã và vật lạ. Sau khi hòa với nước, dung dịch có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ, vị đắng nhẹ, đặc trưng của Sâm Việt Nam. Tổng hàm lượng 5 saponin trong sản phẩm là 2,9% và M-R2 là 1,5%. 

Cả 4 sản phẩm đều có tiêu chuẩn cơ sở khoa học chặt chẽ, được thẩm định bởi Viện Kiểm Nghiệm thuốc TP.HCM, đạt chất lượng cao trong phát huy tác dụng bảo vệ sức khỏe và điều trị bệnh. Thay vì chỉ sử dụng ở dạng thô như trước kia, việc sản xuất thành công các sản phẩm chất lượng cao không những sẽ tạo ra giá trị gia tăng đáng kể mà còn tiến tới hình thành thương hiệu quốc gia Sâm Việt Nam. Các sản phẩm vừa phục vụ cho nhu cầu trong nước, vừa có thể hướng đến xuất khẩu.”, GS.TS Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Về hướng phát triển tiếp theo, đại diện Trung tâm Khoa học và Công nghệ Dược Sài Gòn mong muốn Sở KH&CN TPHCM tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để nâng tầm sản xuất ở quy mô công nghiệp, phục vụ thương mại hóa hoặc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp có nhu cầu.

GS.TS Nguyễn Minh Đức cho biết thêm, Sâm Việt Nam di thực trồng ở Lâm Đồng có tỷ lệ sống, ra hoa, đậu quả cao (trên 85%). Cây trồng 3 năm tuổi bắt đầu cho hoa, quả. Từ năm thứ tư, tỷ lệ cho quả cao hơn. Với tỷ lệ hạt nảy mầm cao (trên 80%), hạt thu được từ cây gieo trồng đã được dùng để nhân giống ra hàng chục ngàn cây con, hoàn thành một vòng sinh trưởng. Kết quả kiểm nghiệm Sâm Việt Nam 6 tuổi trồng tại Lâm Đồng của Viện Kiểm nghiệm Thuốc TPHCM cho thấy tổng hàm lượng 5 saponin (G-Rb1, G-Rd, G-Rg1, M-R2 và V-R2) là 13,2% và hàm lượng M-R2 là 6,3%.

Bằng phương pháp định lượng HPLC-ELSD để theo dõi động thái tích lũy của saponin trong Sâm Việt Nam di thực từ 2-6 tuổi, nhóm thực hiện nhiệm vụ nhận thấy sự tích lũy saponin có xu hướng tăng theo năm tuồi, tương tự động thái tích lũy saponin trong Sâm Việt Nam trồng tại trại sâm Trà Linh (vùng núi Ngọc Linh, Quảng Nam). Không chỉ thế, kết quả định lượng cũng cho thấy hàm lượng các saponin chính trong Sâm Việt Nam trồng ở Lâm Đồng dùng làm nguyên liệu bào chế thành các sản phẩm cũng rất cao (tương đương Sâm Việt Nam trồng ở vùng Ngọc Linh), và cao hơn nhiều so với yêu cầu hàm lượng của dược liệu theo Dược điển Việt Nam - V (2017).

Thành quả của nhiệm vụ khoa học cũng cho thấy phương pháp gieo trồng Sâm Việt Nam trên đất bằng với mái che nhân tạo tại Lâm Đồng có thể là một bổ sung hữu hiệu cho phương pháp trồng sâm truyền thống dưới tán rừng tại vùng bản địa Ngọc Linh. Phương pháp này có thể mở rộng ra các địa phương có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tương tự để tạo ra nguồn cung Sâm Việt Nam lớn phục vụ cho việc phát triển thị trường.

 

Thông tin liên hệ:
Trung tâm Khoa học và Công nghệ Dược Sài Gòn (SAPHARCEN)
Địa chỉ: 41 Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 38295696

Email: sapharcen@yahoo.com

Website: http://www.uphcm.edu.vn 

          


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378