Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM hỗ trợ HAMEE triển khai hoạt động R&D cho doanh nghiệp cơ khí – điện
20-02-2024Các bên tiếp tục phối hợp nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ ở doanh nghiệp cơ khí – điện nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp này, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thành phố.
Ngày 20/2/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã có buổi làm việc với Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE).
Tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) đã giới thiệu các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và công nghệ mới. Điển hình là Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho phép TP.HCM được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung, Trung tâm đổi mới sáng tạo, có hiệu lực từ 1/8/2023.
Theo đề xuất hồi tháng 8/2023 của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm được hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí từ ngân sách. Công nghệ được thử nghiệm phải được thiết kế, xây dựng khung quản lý rủi ro, hạn chế tác động tiêu cực cho xã hội. Doanh nghiệp phải xây dựng phương án hợp lý về xử lý, khắc phục các vấn đề xảy ra trong quá trình thử nghiệm. Công nghệ phải được cung ứng ra thị trường sau khi hoàn thành thử nghiệm và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho TP.HCM. Một số công nghệ được đề xuất thử nghiệm gồm xe điện không người lái, drone, công nghệ Lora, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, IoT, thực tế ảo, robot tự hành, vi mạch, in 3D, công nghệ sinh học (trừ sản phẩm thử nghiệm trên người).
Chia sẻ về định hướng phát triển của HAMEE, ông Đỗ Phước Tống (Chủ tịch HAMEE) cho biết 300 thành viên HAMEE mong muốn tạo ra giá trị, sản phẩm thông qua chương trình “made by VN”. Đây là chương trình cổ xúy cho doanh nghiệp Việt làm sản phẩm Việt một cách mạnh mẽ, thể hiện được sức mạnh cơ khí Việt. Hiện nay, HAMEE đang phối hợp cùng một số đơn vị để hình thành các tiêu chí về uy tín, chất lượng, chính sách hậu mãi theo chuẩn quốc tế để phát triển thương hiệu cơ khí – điện Việt cho chương trình “made by VN”. Ông Đỗ Phước Tống cũng kỳ vọng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ hỗ trợ HAMEE xây dựng và triển khai dự án – giải pháp chung về tối ưu chi phí và quy trình sản xuất cho các doanh nghiệp cơ khí – điện ở TP.HCM.
Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, các thành viên HAMEE cũng đã trao đổi và tìm hiểu thêm thông tin, danh mục hỗ trợ nghiên cứu khoa học để phục vụ hoạt động R&D ở doanh nghiệp. Đồng thời, phía các doanh nghiệp cũng chia sẻ về những thách thức, khó khăn trong mua sắm thiết bị, nguyên vật liệu... phục vụ nghiên cứu và sản xuất, phối hợp với Viện – trường tham gia vào các chương trình hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của TP.HCM, tìm giải pháp kết nối với nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí – điện.
Hoàng Kim (CESTI)