SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM: khuyến khích hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu tính toán hiệu năng cao, kiểm soát phát thải và bảo vệ môi trường

21-11-2023
Một số cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng khoa học tính toán, hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giảm phát thải và trung hòa cacbon,… được thảo luận tại buổi làm việc giữa Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM với các nhóm nghiên cứu, chuyên gia đến từ Đức và Hàn Quốc.

Sáng 21/11, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) đã tiếp và làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về dự án Xây dựng trung tâm phát triển thành phố thông minh hướng đến phát thải ròng bằng 0 tại Thành phố Hồ Chí Minh (dự án Meta Labs); tiếp và làm việc với GS. Dieter Kranzlmueller (Giám đốc Trung tâm Siêu máy tính Leibniz - Đức) về lĩnh vực tính toán hiệu năng cao.

Tại buổi làm việc với đoàn Hàn Quốc, hai bên đã thảo luận về các tiềm năng trong việc tích hợp các dự án đang được triển khai tại TP.HCM vào dự án Meta Labs, đồng thời đề xuất một số cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đoàn nghiên cứu Meta Labs gồm các nhà nghiên cứu và chuyên gia đến từ KOICA, Công ty Gyeonggi Housing & Urban Development (Hàn Quốc) và Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) đã trao đổi và tìm hiểu một số thông tin liên quan đến tiến độ của đề án thành phố thông minh tại TP.HCM; tình hình triển khai và thông tin về việc giám sát phát thải cacbon, về dữ liệu chất lượng không khí cấp Thành phố; tình hình triển khai và cung cấp các thông tin giao thông công cộng, thông tin liên quan đến thảm họa, thiên tai; các nhu cầu quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu hoặc trung hòa cacbon tại TP.HCM; kế hoạch, giải pháp khoa học và chính sách của Thành phố để thực hiện phát thải ròng bằng 0; khả năng mở rộng các dịch vụ, phát triển các đề tài nghiên cứu, chương trình đào tạo, mô hình phòng thí nghiệm sống... được thực hiện thông qua dự án Meta Labs.

Trao đổi với đoàn Meta Labs, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, về mặt chủ trương, Việt Nam rất quan tâm khuyến khích các dự án liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa cacbon,… Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết lộ trình trung hòa cacbon (net zero) vào năm 2050. Là địa phương đi đầu trong xu hướng này, TP.HCM quan tâm, khuyến khích, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ các chương trình, dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ, giải pháp giúp cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy chuyển đổi sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, phát triển năng lượng sạch… Sở KH&CN luôn ủng hộ các dự án nghiên cứu phù hợp với định hướng của TP.HCM, khuyến khích hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu KH&CN, đổi mới sáng tạo, các mô hình, giải pháp xanh hướng đến giảm phát thải và trung hòa cacbon. Sở đã và đang triển khai nhiều hoạt động, chương trình kết nối, hỗ trợ các dự án nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo xanh, từ đó lan tỏa, hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xanh của Thành phố. Một trong những hoạt động hỗ trợ cụ thể đó là chương trình tài trợ kinh phí (30% kinh phí không hoàn lại) cho các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển KH&CN, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên dịa bàn TP.HCM. Mức tài trợ có thể lên đến 15.000 USD/dự án nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển các sản phẩm, mô hình, giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực môi trường, giảm phát thải, trung hòa cacbon,…

01HDKHLVtiepdoanKOICAHanQuoch6.jpg

Buổi làm việc với đoàn dự án Meta Labs (Hàn Quốc) tại Sở KH&CN TP.HCM 

Trên tinh thần ủng hộ dự án Meta Labs và thống nhất với các thông tin chia sẻ từ phía Hàn Quốc, Sở KH&CN TP.HCM cũng đề xuất một số nội dung hợp tác với Hàn Quốc trong quá trình triển khai nhiệm vụ như hiện đại hóa hệ thống dữ liệu mạng lưới cấp và thoát nước của Thành phố thông qua công cụ GIS; các chương trình ươm tạo, tăng tốc, hỗ trợ, tập huấn, thử nghiệm sản phẩm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo xanh; hợp tác chia sẻ dữ liệu công nghệ, kết nối cung cầu công nghệ, dữ liệu chuyên gia công nghệ, hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ và thương mại hoá kết quả nghiên cứu của Viện Thông tin Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KISTI), Trung tâm Chuyển giao công nghệ Hàn Quốc (KTTC). Bên cạnh đó, đề xuất hợp tác chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc về Việt Nam, các công nghệ như xử lý bùn thải Mishimax vào xử lý bùn siphon, ao nuôi tôm; công nghệ in mô hình tim 3D; công nghệ nuôi vi khuẩn quang hợp Purple Non Sulphur Bacteria trong nuôi tôm; lò đốt bằng dầu nhớt thải; công nghệ trí tuệ nhân tạo hiện đại cùng giải thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP);…

01HDKHLVtiepdoanKOICAHanQuoch7.jpg

Nhóm nghiên cứu Meta Labs (Hàn Quốc) trao đổi với Sở KH&CN TP.HCM tại buổi làm việc

Được biết, dự án Meta Labs nhằm thúc đẩy và thực hiện việc chuyển đổi xanh, phát triển bền vững tại TP.HCM, đóng góp vào mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 của Việt Nam. Trong dự án này, UEH cùng các đơn vị đối tác do phía Hàn Quốc chỉ định sẽ phát triển một trung tâm nghiên cứu và học thuật trong khuôn viên của UEH với tên gọi là Meta Labs. KOICA sẽ hỗ trợ thực hiện dự án thông qua việc cung cấp một khoản viện trợ không hoàn lại. Tại đây, một mô hình đo lường việc phát thải của Thành phố trên cơ sở dữ liệu thời gian thực sẽ được nghiên cứu và xây dựng nhằm giúp đánh giá và dự đoán việc phát thải tại khu vực TP.HCM, đánh giá về hiệu quả trong việc quy hoạch Thành phố hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Dự án cũng tập trung phát triển các chương trình đào tạo sau đại học về thiết kế, quy hoạch tích hợp ứng dụng công nghệ trong việc kiểm soát phát thải và bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy và nâng cao năng lực của các cá nhân, tổ chức. Các chương trình giáo dục này sẽ đóng góp vào mục tiêu bổ sung nguồn lực chất lượng cao cho đất nước, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý năng lượng, xả thải, môi trường, giúp đưa ra các đề xuất và giải pháp hiệu quả cho việc quy hoạch tương lai của Thành phố.

01HDKHLVtiepdoanKOICAHanQuoch5.jpg

Hình ảnh tại buổi làm việc với GS. Dieter Kranzlmueller (Đức)

Tại buổi làm việc với GS. Dieter Kranzlmueller, hai bên đã thảo luận về các cơ hội hợp tác, đồng hành trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng khoa học tính toán để giải quyết các vấn đề của TP.HCM như bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, giao thông, ngập lụt, ô nhiễm không khí, an toàn thông tin,… Thời gian qua, phía chuyên gia Đức đã có mối quan hệ hợp tác và hỗ trợ Đại học Bách Khoa TP.HCM trong đào tạo nguồn nhân lực ngành khoa học tính toán. Hai bên cũng đang đặt vấn đề hợp tác triển khai một số chương trình nghiên cứu trong lĩnh vực tính toán hiệu năng cao để phát triển các mô hình ứng dụng tính toán trong tương lai.

"Sở KH&CN sẵn sàng đồng hành, thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng các chương trình nghiên cứu lâu dài trong mảng khoa học tính toán, qua đó hỗ trợ giải quyết các vấn đề trong tương lai cũng như giải quyết các bài toán ứng dụng cụ thể của TP.HCM", ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.

Lam Vân (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378