Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tiếp và làm việc với Đoàn tiểu bang Victoria, Australia
24-10-2024Buổi làm việc nhằm tìm hiểu về cách thức đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số đang được thực hiện tại TP.HCM cũng như sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM dành cho cộng đồng. Đồng thời, tìm hiểu khả năng hợp tác trong các dự án nghiên cứu và đổi mới chung… Qua đó, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số giữa TP.HCM với tiểu bang Victoria nói riêng, Việt Nam với Australia nói chung.
Ngày 24/10/2024, tại trụ sở của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã diễn ra buổi gặp gỡ và làm việc giữa Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ - ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở, ông Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở với Đoàn công tác của tiểu bang Victoria, Australia. Đây là hoạt động nhằm tăng cường hợp tác, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ giữa TP.HCM và tiểu bang Victoria, góp phần xây dựng mối quan hệ giữa TP.HCM với tiểu bang Victoria nói riêng, Việt Nam với Australia nói chung ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.
Đoàn công tác của tiểu bang Victoria, Australia đến thăm và làm việc tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM đã giới thiệu các thông tin mới về chủ trương định hướng xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; những tiềm năng, thế mạnh, những chỉ số đánh giá của thế giới, những định hướng mới trong xây dựng và phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố ở giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai. Đồng thời, đề xuất các nội dung trọng tâm sẽ đưa vào nghiên cứu để thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới; hỗ trợ kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp của tiểu bang Victoria nói riêng và của cả Australia nói chung đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và khoa học công nghệ.
Nói về các hoạt động hợp tác liên quan đến Australia trong thời gian qua, ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ thêm, với lĩnh vực đổi mới sáng tạo, Sở đã làm việc cùng đoàn chuyên gia từ University of Technology Sydney (UTS) và đại diện bang New South Wales liên quan đến mô hình Rapido cho các trường viện tại TP.HCM về thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các trường viện cũng như hợp tác quốc tế về R&D. Bên cạnh đó, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM đã học tập từ mô hình Sydney Startup Hub trong chuyến công tác tại Australia để tham mưu Thành phố.
Ngoài ra, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ, Sở cũng đã thực hiện các nhiệm vụ như: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo vật liệu Nanocomposite dựa trên nền nano vàng với Polyurethane nhằm tạo ra sản phẩm mẫu thử nghiệm băng dán kháng khuẩn” do Trung tâm Nghiên cứu Triển khai, Khu Công nghệ cao chủ trì hợp tác cùng Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp của khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO) thực hiện. Qua đó, CSIRO hỗ trợ hoàn thiện quy trình chế tạo Nano vàng dạng ngôi sao và lưỡng tháp tam giác giúp cho Trung tâm có thể dần hoàn thiện công nghệ hướng tới chuyển giao cho doanh nghiệp để có thể sản xuất số lượng lớn nhằm đưa sản phẩm này vào trong lĩnh vực mỹ phẩm và vật tư tiêu hao y tế. Kết quả nghiệm thu năm 2022 của nhiệm vụ đã giúp cho việc phát triển nội địa hoá các vật tư tiêu hao trong lĩnh vực y tế. Khi thương mại hoá thành công đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế trong nước có cơ hội tiếp cận những công nghệ mới trong lĩnh vực này.
Hay “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo cảm biến áp suất sử dụng vật liệu Silicon Carbide (SiC) ứng dụng trong hệ thống trạm quan trắc ngập lụt đô thị trực tuyến và triển khai lắp đặt tại địa bàn huyện Nhà Bè, TP.HCM” do Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ cao chủ trì hợp tác cùng Đại học Griffith thực hiện. Qua đó, Đại học Griffith đã hỗ trợ chế tạo cảm biến áp suất sử dụng vật liệu Silicon Carbide (SiC) dựa trên kết quả nghiên cứu, thiết kế từ nhóm thực hiện nhiệm vụ. Hệ thống này, được kỳ vọng sẽ góp phần trong công cuộc hiện đại hóa trang bị, công nghệ trong hoạt động Khí tượng thủy văn, cảnh báo ngập, góp phần xây dựng đô thị thông minh, có thể đóng vai trò quan trọng trong các dự án Trí tuệ Nhân tạo (AI), đặc biệt là những đề tài liên quan đến ngập lụt của TP.HCM.
Hiện nay, nhiệm vụ đang được Sở triển khai thực hiện như: “Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn 2030” do Trường Đại học Bách Khoa chủ trì phối hợp cùng với các trường Đại học, Lab nghiên cứu về AI tại Australia thực hiện nhằm học tập, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các chính sách, mô hình thương mại hoá nghiên cứu AI trong các Trường Đại học, các Lab, nhóm chuyên gia lĩnh vực AI của Australia.
Buổi làm việc giữa Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Đoàn công tác của tiểu bang Victoria, Australia
Về hợp tác quốc tế, ông Nguyễn Việt Dũng đã nêu một số hoạt động mà Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã và đang triển khai gồm: Tổ chức các khóa tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phối hợp tổ chức các hội thảo quốc tế về nhiều lĩnh vực như: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Smart City, Chuyển đổi số... Ngoài ra, Sở cũng rất chú trọng việc học tập và tham quan các mô hình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở các nước Phần Lan, Australia, New Zealand, Canada, Israel… Ươm tạo các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện Sở đang triển khai mô hình hợp tác quốc tế trong ươm tạo, đã thí điểm với Israel qua VICAP 2022.
Trên tinh thần trao đổi cởi mở, thiện chí, hợp tác và hữu nghị giữa hai bên, Đoàn công tác của tiểu bang Victoria, Australia cùng Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã thống nhất tiếp tục nghiên cứu để thúc đẩy quá trình hợp tác các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM và của tiểu bang Victoria cũng như của Australia. Hai bên sẽ phối hợp mời các đối tác của tiểu bang Victoria cũng như của Australia sang Việt Nam cùng tham gia Diễn đàn đại học khởi nghiệp TP.HCM hay Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP.HCM - WHISE năm 2024 và những năm tiếp theo.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cũng gợi mở, đề xuất phương hướng thúc đẩy hợp tác giữa TP.HCM với tiểu bang Victoria trong thời gian tới, như: Triple helix connection (Public-Private-Academia); Chiến lược thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ trường đại học; Mô hình, chính sách chiến lược trong thu hút khu vực tư nhân tham gia cùng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Mô hình, quy trình đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái; Kết nối đưa startup Việt Nam phát triển ra thế giới, chuyển giao công nghệ; Nâng cao năng lực quản lý, xây dựng chính sách, đổi mới sáng tạo trong khu vực công. Bên cạnh đó, lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ sẽ phối hợp triển khai các hoạt động kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM với các địa phương tại Australia; Hợp tác triển khai các hoạt động ươm tạo cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức Thành phố trong hoạt động quản lý điều hành, xây dựng chính sách và các hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công; Hợp tác xúc tiến chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực thông qua việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ... Hai bên mong muốn trong thời gian tới sẽ có những hợp tác mạnh mẽ hơn thông qua các dự án và hoạt động cụ thể.
Đoàn công tác của tiểu bang Victoria, Australia chụp ảnh lưu niệm với Đại diện Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng các phòng ban chuyên môn thuộc Sở
Nhật Linh (CESTI)