So sánh kết quả điều trị sớm và trung hạn của phương pháp tạo hình mô trĩ bằng laser và phẫu thuật Longo
02-04-2025Trong nghiên cứu này, quy trình kĩ thuật mới được điều chỉnh hoàn thiện, góp phần bổ sung thêm một phương pháp điều trị bệnh lí trĩ hiện nay ở Việt Nam.
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN "So sánh kết quả điều trị sớm và trung hạn của phương pháp tạo hình mô trĩ bằng laser và phẫu thuật Longo". Nhiệm vụ do Bệnh viện Bình Dân chủ trì thực hiện, PGS.TS. Dương Văn Hải làm chủ nhiệm.
Đại diện nhóm nghiên cứu (phải) trình bày kết quả của nhiệm vụ và lắng nghe các nhận xét, góp ý tại buổi nghiệm thu
Đối với bệnh trĩ, laser được sử dụng trong các phương pháp điều trị khác nhau, như là: cắt trĩ thường, triệt mạch búi trĩ và phương pháp tạo hình mô trĩ bằng laser (Laser Hemorrhoidoplasty - LHP). Phương pháp LHP đã được ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, các nghiên cứu về phương pháp này có hoặc không có so sánh với phương pháp khác như phẫu thuật Milligan-Morgan đều ghi nhận các kết quả khả quan như: thời gian phẫu thuật ngắn, thời gian hồi phục ngắn, tỉ lệ biến chứng thấp, ít đau,…
Từ năm 2016, Bệnh viện Bình Dân bắt đầu triển khai thực hiện kĩ thuật tạo hình mô trĩ bằng laser (LHP) để điều trị bệnh trĩ. Trong nhiệm vụ này, nhóm nghiên cứu chọn phẫu thuật Longo làm phương pháp để so sánh. Phẫu thuật Longo là phương pháp điều trị bệnh trĩ có nhiều ưu điểm như thời gian hậu phẫu ngắn, mức độ đau hậu phẫu thấp và thời gian hồi phục ngắn.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu tập trung vào các mục tiêu: (1) so sánh kết quả lâm sàng, mức độ đau hậu phẫu và tỉ lệ biến chứng giữa hai phương pháp phẫu thuật; (2) so sánh thời gian phẫu thuật, thời gian nằm viện giữa hai phương pháp phẫu thuật; (3) khảo sát mức độ hài lòng của bệnh nhân về phương pháp phẫu thuật và tỉ lệ tái phát trong thời gian 12 tháng sau phẫu thuật.
Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ tại Sở KH&CN TP.HCM chiều 27/3
PGS.TS. Dương Văn Hải cho biết, nhóm nghiên cứu đã thu thập được số lượng mẫu thỏa mãn tiêu chí chọn mẫu là hai nhóm bệnh nhân: nhóm LHP (198 trường hợp) và nhóm Longo (216 trường hợp).
Kết quả cho thấy, đối với mục tiêu (1), hai phương pháp phẫu thuật đều đem lại hiệu quả điều trị và mức độ cải thiện triệu chứng là tương đương nhau. Điểm đau trung bình giữa hai phương pháp phẫu thuật có sự khác biệt ở hậu phẫu ngày 1 với phẫu thuật Longo ít đau hơn có ý nghĩa thống kê, còn ở những ngày hẫu phẫu sau đó ở ngày 7 và 14 thì không có sự khác biệt về điểm đau. Tuy nhiên nếu sử dụng phương pháp so sánh điểm xu hướng thì điểm đau giữa hai nhóm không có sự khác biệt trong các ngày hậu phẫu. Sự khác biệt tỉ lệ biến chứng chung của nhóm Longo cao hơn nhóm LHP, có ý nghĩa thống kê.
Kết quả đối với mục tiêu (2), thời gian phẫu thuật trung bình ở nhóm LHP ngắn hơn ở nhóm phẫu thuật Longo. Tuy nhiên khoản chênh lệch thời gian phẫu thuật trung bình giữa hai nhóm không lớn. Thời gian nằm viện có sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm. Nhìn chung thời gian nằm viện ở cả hai nhóm ngắn, từ 1 đến 2 ngày.
Kết quả mục tiêu (3) cho thấy, tỉ lệ tái phát sau thời gian theo dõi 12 tháng ở nhóm Longo cao hơn nhóm LHP, có ý nghĩa thống kê (7 trường hợp tái phát ở nhóm Longo và nhóm LHP không ghi nhận tái phát). Tuy nhiên sau khi sử dụng phương pháp so sánh điểm xu hướng thì tỉ lệ này không có sự khác biệt giữa hai nhóm. Mức độ hài lòng của bệnh nhân về hai phương pháp phẫu thuật không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Mức độ hài lòng của bệnh nhân ở cả hai phương pháp pháp phẫu thuật cao.
Các thành viên Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm nghiên cứu
Nhìn chung kết quả điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp LHP tương đương với phẫu thuật Longo. Nhóm nghiên cứu đề xuất thực hiện LHP như là một phương pháp điều trị bổ sung cho những phương pháp điều trị bệnh trĩ hiện có tại Việt Nam. Nhiệm vụ đã hoàn thiện quy trình phẫu thuật mới tạo hình mô trĩ bằng laser, có thể đưa vào thực hiện rộng rãi, góp phần tạo niềm tin cho người bệnh khi áp dụng được kĩ thuật chuyên sâu tiến bộ tiệm cận với trình độ của các nước có nền y khoa hiện đại.
Lam Vân (CESTI)