SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Tác nhân gây đen xơ mít tại một số tỉnh thành phía Nam và đề xuất giải pháp phòng trừ

04-07-2024

Các nghiên cứu trước đây đều cho rằng giả thuyết nguyên nhân dẫn đến bệnh đen xơ mít là do vi khuẩn. Mít bị bệnh không có triệu chứng bên ngoài, chỉ khi được bổ ra mới thấy rõ được dấu hiệu của bệnh. Điều này cho thấy bệnh đen xơ mít còn khó phát hiện và việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh không dễ dàng, gây khó khăn cho việc tìm biến pháp xử lý. Vì vậy, việc đưa ra giải pháp, khuyến cáo cho gặp không ít khó khăn. Người dân đã phòng ngừa bệnh đen xơ mít bằng các sử dụng ngẫu nhiên một số loại thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường để ngăn ngừa bệnh lây lan nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả. Để có thể đưa ra các giải pháp và khuyến nghị phù hợp đối với bệnh đen xơ mít, đồng thời giúp người dân trong việc canh tác đạt năng suất và chất lượng cao, nhóm nghiên cứu trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu tác nhân gây đen xơ mít tại một số tỉnh thành phía Nam và đề xuất giải pháp phòng trừ” với mục tiêu đánh giá thực trạng, tác nhân gây đen xơ mít Thái tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang và đề xuất một số giải pháp phòng trừ.

Phát triển cây mít ở Việt Nam: Tình hình, Thách thức và Cơ hội xuất khẩu

Mít là một trong những cây ăn trái được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký ban hành Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030. Ổn định diện tích khoảng 50 ngàn ha, sản lượng 600-700 ngàn tấn. Đến năm 2022, cả nước trồng gần 60.000 ha mít, sản lượng gần 550.000 tấn. Ở Việt Nam cây Mít đã được trồng trên khắp các tỉnh thành trên cả nước, diện tích nhiều tập trung ở vùng Đông Nam Bộ như: Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai. Theo truyền thống, mít chủ yếu được trồng trong vườn hộ gia đình, trồng thành rừng hoặc trang trại. Đến nay các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã phát triển trồng mít mạnh gồm Vĩnh Long, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ…

Mít xuất khẩu sang Trung Quốc được phân nhiều loại giá. Giá mít xuất khẩu Trung Quốc chênh lệch giữa các loại 5.000-10.000/kg. Cây mít là một trong những cây quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo hiện nay ở Việt Nam nói riêng và một số nước Đông Nam Á nói chung. Đẩy mạnh việc duy trì và phục hồi các giống mít đặc sản địa phương, chọn tạo, nhập nội, mở rộng các giống mới chất lượng, thuận lợi cho tiêu thụ và chế biến. Xây dựng hệ thống vườn đầu dòng, đảm bảo cung cấp giống có chất lượng phục vụ sản xuất.

Nhưng để trồng được các loại mít chất lượng, mang lại nguồn thu nhập cao, các nhà nông cần phải quản lý dịch bệnh và có kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác tốt. Đặc biệt vào mùa mưa, sâu và dịch bệnh thường lan nhanh. Bệnh nghiêm trọng nhất gây giảm chất lượng và giảm giá mít gặp phải hiện nay là bệnh xơ đen.

Hiện trạng và giải pháp ngăn ngừa bệnh đen xơ mít tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Tiền Giang

Kết quả điều tra tại ba tỉnh cho thấy hiện trạng tại TP Hồ Chí Minh, bệnh đen xơ mít chủ yếu xuất hiện vào mùa mưa, với 62,5% vườn mít bị bệnh từ 10-40% và 34,4% bị dưới 10%. Ở Đồng Nai, bệnh không xuất hiện vào mùa khô, nhưng 56,5% vườn mít bị bệnh từ 10-40% vào mùa mưa. Tại Tiền Giang, bệnh xuất hiện ở cả hai mùa, với 52-67% vườn mít bị bệnh từ 10-40%.

Theo thực tế điều tra diễn biến bệnh, trong mùa khô tại TP Hồ Chí Minh, bệnh xuất hiện sớm và tập trung từ giai đoạn đậu trái đến 50 ngày sau đậu trái (NSĐT), cao nhất ở giai đoạn 10-30 NSĐT, và không xuất hiện ở giai đoạn 60-90 NSĐT. Vào mùa mưa, bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn với tỷ lệ cao hơn, đặc biệt ở giai đoạn 20-50 NSĐT (33,33%-55,56%) và vẫn xuất hiện ở giai đoạn thu hoạch 100 NSĐT với tỷ lệ 22,22%.

Như vậy, đa phần bệnh đen xơ mít xuất hiện vào mùa mưa với tỷ lệ cao hơn gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển của mít, gây khó khăn trong quá trình canh tác và trồng trọt của người dân. Từ hiện trạng trên, nhóm nghiên cứu tiến hành tìm hiểu và đưa ra các giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng đen xơ mít giúp ích cho người dân trong quá trình canh tác và đạt hiệu quả cao.

Kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu

Nghiên cứu đã bước đầu xây dựng được bản đồ về phân bố tỷ lệ đen xơ mít vào mùa mưa tại ba tỉnh TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Tiền Giang. Bệnh đen xơ gây hại đặc biệt trên giống mít Thái khá sớm, đặc biệt xuất hiện nhiều vào mùa mưa thời điểm 20-30 NSĐT, có thể nhận diện qua hình dạng trái, mầu gai và cuống. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Pantoea stewartii subsp. stewartii. Vi khuẩn có thể xâm nhiễm ở tất cả các giai đoạn hình thành và phát triển trái. Ngoài giống mít Thái siêu sớm vi khuẩn Pantoea stewartii subsp. stewartii chủng HCM09 cũng thể hiện khả năng gây bệnh trên múi mít giống mít Tố Nữ, mít Lá Bàng và mít Nghệ trong điều kiện phòng thí nghiệm và một số loại cây trồng khác trong điều kiện nhà lưới.

xo mit 0.jpg

Trái mít bị bệnh đen xơ được phát hiện từ sớm

Xác định được các hoạt chất thuốc hóa học gồm Oxolinic acid (1,88 g/L và 3,75 g/L), Bronopol (0,69 g/L và 1,38 g/L), Oxytetracycline hydrochloride + Streptomycin sulfate (0,25 g/L và 0,50 g/L) có khả năng kiểm soát vi khuẩn Pantoea stewartii subsp. stewartii chủng HCM01 trong điều kiện phòng thí nghiệm và phòng trừ bệnh đen xơ mít trên đồng ruộng.

Tiếp đến, nghiên cứu xây dựng thành công 03 mô hình thử nghiệm biện pháp quản lý bệnh đen xơ trên cây mít thái tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Tiền Giang với hiệu quả kiểm soát bệnh đạt trên 100% tại thời điểm thu hoạch mít.

Ba mô hình thử nghiệm đen xơ mít tại 3 tỉnh đa số đều cho thấy, giống mít ít có trái bị bệnh đen xơ ở giai đoạn tỉa trái và không ghi nhận mít bị đen xơ ở giai đoạn thu hoạch nhờ sử dụng mô hình quản lý tổng hợp bệnh đen xơ mít, mô hình này cho thấy tỉ lệ ra trái ít bị đen xơ hiệu quả hơn so với mô hình quản lý bệnh xơ đen theo tập quán nông dân. Ngoài ra, mô hình quản lý bệnh đen xơ mít tổng hợp cho hiệu quả cao là do sử dụng phối hợp các loại thuốc có tính kháng cho cây mít, thuốc trừ khuẩn, kết hợp với bổ sung Canxi-bo giúp trái mít phát triển tốt, hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh.

xo mit 1.jpg

Trái mít không bị đen xơ sau thu hoạch

Sau khi tiến hành nghiên cứu và tìm hiểu, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số các giải pháp phòng trừ bước đầu bao gồm các bước:

(1) Sử dụng phân bón Canxi-Bo vào giai đoạn làm bông, trước đậu trái và sau đậu trái.

(2) Sử dụng các hoạt chất tăng kích kháng cho cây giai đoạn làm bông và nuôi trái.

(3) Tỉa và tuyển trái, loại bỏ các trái có các biểu hiện bên ngoài nghi ngờ nghiêm bệnh (cuống, gai, mầu và hình dạng trái).

(4) Phun xịt các thuốc BVTV chứa các hoạt chất Oxolinic acid (1,88 g/L và 3,75 g/L), Bronopol (0,69 g/L và 1,38 g/L), Oxytetracycline hydrochloride + Streptomycin sulfate (0,25 g/L và 0,50 g/L), Kasugamycin 20g/L vào giai đoạn 10-30 ngày sau đậu trái và 1-2 lần trong giai đoạn nuôi trái.

Các giải pháp mà nhóm nghiên cứu đưa ra sẽ giúp người dân hạn chế và ngăn chặn được mít bị đen xơ ngay từ khi mít còn nhỏ, tăng khả năng sinh trưởng, cho ra được giống mít chất lượng.

xo mit 2.jpg.png

Tổ chức hội thảo về bệnh đen sơ mít, nguyên nhân và giải pháp phòng trừ cho địa phương

Nhóm nghiên cứu cũng đã tổ chức nhiều buổi hội thảo khoa học tại nhiều địa phương để thông tin cho bà con nông dân về bệnh đen sơ mít, nhóm nghiên cứu đã thu được những kết quả tích cực. Bà con nông dân đã hiểu rõ hơn về bệnh đen sơ mít, nhận thức được các nguyên nhân gây bệnh và nắm vững các phương án phòng trừ hiệu quả. Nhiều nông dân đã áp dụng ngay các biện pháp phòng ngừa và điều trị mà nhóm nghiên cứu đề xuất, giúp giảm thiểu đáng kể tác động của bệnh lên cây trồng. Sự tương tác và trao đổi kinh nghiệm giữa các nông dân và chuyên gia trong buổi hội thảo đã tạo nên một không khí hợp tác và học hỏi lẫn nhau, góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng canh tác của bà con. Nhờ vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cách tiếp cận dễ hiểu, buổi hội thảo đã thành công trong việc nâng cao nhận thức và đem lại những giải pháp thực tiễn, giúp bà con nông dân bảo vệ vườn cây của mình và cải thiện năng suất.

xo mit 3.jpg

Tỉa và tuyển trái, loại bỏ các trái nghi ngờ nhiễm bệnh

Tóm lại, nghiên cứu này đã giúp người dân hiểu rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến bệnh đen xơ mít và từ đó đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giúp việc canh tác và trồng mít mang lại hiệu quả cao hơn, không chỉ về chất lượng trái mít mang lại mà còn duy trì các giống mít có chất lượng tốt nhằm phát triển hơn các giống mít chất lượng trong tương lai. Từ đó mang lại nguồn thu nhập ổn định về kinh tế, đem lại giá trị lợi nhuận kinh tế cao trong ngành nông nghiệp. Ngoài ra, kết quả của đề tài nghiên cứu này đã mang lại ý nghĩa quan trọng trong việc tìm ra giải pháp mới cho ngành nông nghiệp trong tương lai.

Thông tin liên hệ:

Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Khu phố 6, P. Linh Trung, Tp. Thủ Đức, TP.HCM

Điện thoại: (028) 38966780

Website: https://www.hcmuaf.edu.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353