Tập huấn tư duy và hành động 5S nhằm nâng cao hiệu quả làm việc
27-11-2024Ngày 27/11/2024, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức lớp tập huấn “Tư duy và hành động 5S, nâng cao hiệu quả làm việc”.
Tại lớp tập huấn, các học viên tiếp cận và tìm hiểu mô hình 5S. Đây là mô hình quản lý, sắp xếp nơi làm việc có nguồn gốc từ Nhật Bản, đã được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam nghiên cứu và áp dụng. 5S là mô hình mang đến những lợi ích, năng suất chất lượng rất hiệu quả cho các tổ chức, doanh nghiệp nếu thực sự áp dụng, triển khai.
Theo báo cáo viên Nguyễn Thế Nam (Trung tâm Hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2), mục đích của việc áp dụng 5S không chỉ đơn thuần ở việc nâng cao điều kiện và môi trường làm việc trong một tổ chức, mà quan trọng hơn là làm thay đổi cách suy nghĩ, thói quen làm việc và tăng cường khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân trong tổ chức. Triết lý áp dụng 5S là tự mỗi người giữ cho nơi làm việc của mình sạch và ngăn nắp là cách làm tối ưu; thay vì cố gắng dọn dẹp nơi làm việc, trước tiên hãy cố gắng không làm bẩn nó (phòng bệnh hơn chữa bệnh).
Trong khuôn khổ lớp tập huấn, các học viên đã tìm hiểu và thực hành lần lượt các bước trong 5 khâu Seiri – Sàng lọc, Seiton – Sắp xếp, Seiso – Sạch sẽ, Seiketsu – Săn sóc, Shitsuke – Sẵn sàng. Theo đó, khâu Sàng lọc sẽ giúp phát hiện những vật, tài liệu thừa – không còn sử dụng, hoặc tìm lại được những vật, tài liệu có ích vốn đã thất lạc. Khâu Sắp xếp sẽ giúp nơi làm việc hiệu quả (dễ tìm, dễ thấy, thuận tiện khi sử dụng vật, tài liệu) và hỗ trợ nắm bắt thời hạn tối thiểu và tối đa lưu giữ vật, tài liệu. Khâu Seiso – Sạch sẽ giúp tạo môi trường làm việc sạch sẽ, thoải mái, máy móc được vận hành tốt, và vệ sinh dọn dẹp cũng là một hành động để kiểm tra. Khâu Seiketsu – Săn sóc là duy trì sự sạch sẽ ngăn nắp, động viên khen thưởng cái tốt, cuốn hút mọi người cùng tham gia. Khâu Shitsuke – Sẵn sàng là làm các việc kể trên một cách tự giác, tạo thành thói quen yêu thích thực hành 5S.
Trong quy trình triển khai 5S, tổ chức sẽ thành lập Ban 5S. Người phụ trách 5S trong tổ chức có vai trò cực kỳ quan trọng, là tấm gương về 5S để mọi người noi theo. Việc triển khai 5S cần tuyên truyền cụ thể về mục tiêu, hoạt động, hướng dẫn thực hiện từng S, kết quả đánh giá… 5S cần bắt đầu bằng giáo dục và đào tạo để mọi người đều thấu hiểu và tự nguyện tham gia.
Hoàng Kim (CESTI)