SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thành tựu và định hướng trong phát triển giáo dục STEM tại TP. Hồ Chí Minh

23-12-2024

Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục STEM trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nghiên cứu để nâng cao nhận thức cho giáo viên tương lai về giáo dục STEM, cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng liên quan đến giáp dục STEM để thực hiện thành công trong nhà trường là vô cùng quan trọng. Vì thế đề tài: “Phát triển giáo dục STEM cho sinh viên Sư Phạm từ kinh nghiệm của Đài Loan trong bối cảnh triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở Thành phố Hồ Chí Minh” do GS.TS Huỳnh Văn Sơn – Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành nghiên cứu. Tiên phong trong việc đưa giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) trở thành một nội dung trọng tâm, nhằm đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghiệp 4.0 và xu hướng giáo dục toàn cầu. Đây là nỗ lực chiến lược để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, với những kết quả nổi bật và những định hướng rõ ràng cho tương lai.  

Tầm quan trọng của giáo dục STEM trong bối cảnh hiện nay

Giáo dục STEM là “công cụ” đào tạo thế hệ công dân mới với năng lực thích ứng cao trong môi trường kinh tế - xã hội thay đổi nhanh chóng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, STEM đã được triển khai mạnh mẽ trong chương trình giáo dục phổ thông mới (2018), hướng tới phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Giáo dục STEM đã chứng minh được tầm quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp và nâng cao vị thế quốc gia. Tại Hoa Kỳ, STEM đóng góp từ 50%-85% tăng trưởng GDP trong 50 năm qua. Các báo cáo năm 2010 chỉ rõ Hoa Kỳ đứng thứ 6 về khả năng cạnh tranh dựa trên đổi mới, minh chứng cho tác động to lớn của STEM trong chiến lược quốc gia. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tăng cường nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. STEM trở thành phương pháp giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo khả năng cạnh tranh trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng.

Giáo dục STEM đang trở thành trọng tâm phát triển toàn cầu, với sự đầu tư mạnh mẽ từ các quốc gia để thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững. Tại Hoa Kỳ, kế hoạch chiến lược STEM 2018 đã mở ra cơ hội giáo dục chất lượng cho mọi cấp học. Ở Mỹ Latinh, Brazil tập trung nâng cao giáo dục phổ thông, trong khi Argentina và Nam Phi chú trọng nghiên cứu công nghệ sinh học, y tế và đổi mới xã hội. Tại châu Âu, Anh, Đức, và các quốc gia khác ưu tiên STEM qua các chính sách dài hạn, với Đức dẫn đầu về số lượng sinh viên theo học ngành này. Ở châu Á, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Đài Loan đều áp dụng các chương trình giáo dục STEM phù hợp với bối cảnh quốc gia, nhấn mạnh sự tích hợp liên ngành, thực hành, và sáng tạo. Sự phát triển giáo dục STEM không chỉ đáp ứng nhu cầu kinh tế mà còn định hình một tương lai bền vững và đổi mới. STEM đóng vai trò then chót trong việc đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế và công nghệ. Các quốc gia đang vận dụng STEM như một chiến lược lâu dài, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh và đối mới cho thế hệ tương lai.

Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục STEM trong xu thế phát triển chung, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách và hoạt động nhằm thúc đẩy giáo dục STEM ở các cấp học. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2017 để tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tích hợp nội dung STEM vào giáo dục phổ thông. Các hoạt động nổi bật bao gồm ngày hội STEM, câu lạc bộ ngoại khóa, và các cuộc thi công nghệ - kỹ thuật, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên. Năm 2016, Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội đồng Anh thí điểm giáo dục STEM tại 14 trường ở nhiều tỉnh thành, tạo nền móng cho chương trình quốc gia. Tại TP.HCM, giáo dục STEM được chú trọng với mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong dạy học, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển thành phố thông minh. Tuy nhiên, việc xây dựng giáo dục thông minh đòi hỏi sự hiểu biết toàn diện, đầu tư có hệ thống và triển khai khoa học để đạt hiệu quả bền vững.

Giáo dục STEM - Bước đi chiến lược   

Các kết quả đạt được không chỉ phản ánh sự đầu tư bài bản và tâm huyết của nhóm nghiên cứu mà còn là cơ sở để phát triển giáo dục STEM bền vững tại Việt Nam. Với tiềm năng ứng dụng cao, những sản phẩm khoa học này hứa hẹn thúc đẩy sự đổi mới trong đào tạo giáo viên và tạo dựng một thế hệ trẻ đầy sáng tạo, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu công nghiệp và công nghệ hiện đại.

STEM1.jpg

STEM2.jpg

STEM3.jpg

STEM4.jpg

Một số hình ảnh thực hiện về giáo dục STEAM cho sinh viên Sư Phạm

Nghiên cứu về giáo dục STEM không chỉ mang lại những giá trị về mặt lý thuyết mà còn thúc đẩy nhiều hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Các hiệu quả nổi bật bao gồm:

  • Bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu: Đề tài góp phần nâng cao năng lực hợp tác, làm việc nhóm giữa các cá nhân và tổ chức. Đồng thời, từng cá nhân tham gia được rèn luyện kỹ năng độc lập nghiên cứu như: quan sát, phân tích, chứng minh, trình bày, tổng hợp tài liệu, phân tích định lượng và định tính kết quả nghiên cứu.
  • Công bố quốc tế: Kết quả nghiên cứu sẽ được đăng tải trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus hoặc các tạp chí uy tín trong nước. Đây là cơ hội để nâng cao năng lực viết bài và công bố quốc tế, đồng thời gia tăng số lượng các công bố quốc tế của Việt Nam.
  • Thúc đẩy giao lưu và học thuật: Đề tài thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, giảng viên, và chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục STEM. Các hội thảo khoa học tổ chức từ nghiên cứu này là không gian để giao lưu, chia sẻ và học hỏi về ứng dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo trong giáo dục.

Nghiên cứu này cũng mang lại những giá trị rõ nét đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh:

  • Đề xuất giải pháp phát triển giáo dục STEM: Kết quả nghiên cứu cung cấp các giải pháp thiết thực giúp cải thiện và nâng cao giáo dục STEM, đặc biệt đối với sinh viên sư phạm – lực lượng giáo viên tương lai.
  • Xây dựng nền tảng đào tạo và bồi dưỡng: Nghiên cứu góp phần định hướng mô hình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, sinh viên sư phạm về STEM, tạo cơ sở liên kết với các mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới.
  • Đóng góp cho chính sách giáo dục: Dựa trên dữ liệu và kết quả nghiên cứu, các định hướng và kế hoạch, chính sách giáo dục mới sẽ được đề xuất nhằm triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018.
  • Hội nhập quốc tế: Nghiên cứu tạo ra sự liên kết đồng bộ với các cộng đồng nghiên cứu quốc tế, mở rộng khả năng giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục STEM.

Với những thành quả ấn tượng đã đạt được, đề tài này không chỉ đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục STEM mà còn góp phần nâng cao vị thế của giáo dục Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Những thành tựu trong phát triển giáo dục STEM tại TP. Hồ Chí Minh là minh chứng cho một bước tiến quan trọng trong hành trình đổi mới giáo dục của thành phố, đồng thời cũng là nguồn động lực thúc đẩy Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục vươn tầm quốc tế. Với chiến lược rõ ràng và sự đồng hành từ các cơ quan quản lý, các trường đại học, và cộng đồng, Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng khẳng định vị thế tiên phong trong giáo dục STEM tại Việt Nam. Thành phố đang nỗ lực xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời tạo dựng nền tảng vững chắc để phát triển bền vững trong tương lai góp phần khẳng định các bước đi hướng đến việc xây dựng thành phố thông minh.

Thông tin liên hệ

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: 280 An Dương Vương, Phường 4, Quận 5, Thành Phố Hồ Chí Minh

              222 Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (+84) - (28) - 38352020        Fax: (+84) - (28) - 38398946

Email: hainc@hcmue.edu.vn

Website: https://www.hcmue.edu.vn/vi/

 


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378