Tìm hiểu thực trạng để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động chuyển giao công nghệ từ Viện trường cho doanh nghiệp
23-08-2022Điều đáng mừng là Viện – trường đã hình thành thói quen chủ động hợp tác với doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.
Ngày 19/8/2022, Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) tổ chức Hội thảo “Thực trạng cơ chế, chính sách và giải pháp tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu hình thành từ ngân sách nhà nước”. Hội thảo thuộc Đề án thành phần “Thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh khu vực phía Nam”.
Ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu đề dẫn hội thảo
Tại hội thảo, các đơn vị, tổ chức đã trình bày các tham luận gồm: “Thực tiễn triển khai thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ ngân sách nhà nước ở trường Đại học Bách Khoa”, “Công tác chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học tại Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao”, “Thực tiễn thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu ở Viện Công nghệ Nano”.
Các báo cáo tham luận cho thấy Viện – trường đã hình thành thói quen chủ động hợp tác với doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Điển hình như Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) đã thực hiện tổng số 5.594 hợp đồng trong giai đoạn 2012-2021, doanh thu chuyển giao công nghệ từ năm 2015 tới nay đều vượt mức 100 tỷ đồng/năm. Trong giai đoạn 2010-2021, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao (AHRD) đã chuyển giao công nghệ cho trên 65 doanh nghiệp, tổ chức, hộ nông dân ở địa bàn TP.HCM, các tỉnh khu vực phía Nam, Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung Bộ và phía Bắc theo các tiêu chí “chìa khóa trao tay”, “cầm tay chỉ việc”, đồng thời tổ chức trên 110 lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn, dạy nghề với hơn 5.200 lượt người tham dự về các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Viện Công nghệ Nano (INT) triển khai hợp tác với nhiều địa phương và doanh nghiệp, thực hiện các dự án ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, môi trường, y sinh, mực in nano bạc… phục vụ phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ cộng đồng.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm tại Tọa đàm “Những điểm nghẽn cần tháo gỡ về cơ chế chính sách và giải pháp nhằm tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu”. Đó là những vấn đề về triển khai các mô hình thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; rà soát, đánh giá hiện trạng và xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ….
Không chỉ vậy, các đại biểu còn nêu một số hạn chế trong hoạt động chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như khâu định giá sản phẩm – công nghệ muốn chuyển giao chưa có cơ chế rõ ràng. Hay quy định phân chia lợi nhuận chưa thống nhất, đặc biệt khi kết quả nghiên cứu khoa học cần phát triển thêm để phù hợp với nhu cầu thực tế.
Hoàng Kim (CESTI)