Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhận thức, tư duy về Khoa học và Công nghệ
19-07-2024Ngày 10/9/2012, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm và làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xem xét tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và việc chuẩn...
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Ngũ Hiệp)
Cùng dự buổi làm việc với với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Hoàng Văn Phong, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phái viên Tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia cùng lãnh đạo các cơ quan Ban Đảng Trung ương, các Bộ, ban, ngành.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã báo cáo tình hình hoạt động KH&CN thời gian qua theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc (Khóa XI) và Chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ. Theo đó, hoạt động của ngành KH&CN nói chung và của Bộ KH&CN nói riêng trong những năm qua tập trung vào thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN. Các định hướng, nội dung, nhiệm vụ KH&CN đã bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Kết quả hoạt động KH&CN đã đáp ứng tốt và kịp thời hơn nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhất là phục vụ trực tiếp quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế trong bối cảnh kinh tế thế giới và đất nước đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển KH&CN, từ năm 2000, Bộ KH&CN đã tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN với 8 đạo luật chuyên ngành và gần 300 văn bản hướng dẫn thi hành, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, công nghệ cao, năng lượng nguyên tử, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đo lường. Hệ thống pháp luật đã tạo thuận lợi cho các nhà khoa học, doanh nhân, người quản lý,… tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo, đồng thời tạo động lực cho KH&CN phát triển và góp phần đàm phán thành công gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Xuất phát từ các đề tài, dự án KH&CN do Nhà nước đầu tư, rất nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào đời sống, sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Năm 2011 đánh dấu sự đầu tư hiệu quả của Nhà nước thông qua Dự án quy mô lớn Chế tạo giàn khoan tự nâng 90m nước; kết quả nghiên cứu công nghệ sản xuất xăng sinh học và dầu diezen sinh học đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các nhiên liệu này; lần đầu tiên Việt Nam tự thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp điện lực 3 pha 500 kV - 3x150 MVA với chất lượng tương đương của Châu Âu. Đồng thời, đánh dấu sự thành công của các nhà nghiên cứu khi làm chủ công nghệ và sản xuất được các chip bán dẫn, thẻ và đầu đọc có khả năng ứng dụng cao; sáng tạo ra các phần mềm an toàn, an ninh mạng;…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung đánh giá thành tựu, kết quả nổi bật, cũng như những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong hoạt động KH&CN. Đồng thời xác định rõ những công việc cần tiến hành trong thời gian tới, để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN. Các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhận thức về KH&CN và giáo dục đào tạo, phải coi KH&CN là sức mạnh của kinh tế; cơ chế chính sách là vấn đề cốt lõi nhất để phát triển KH&CN; cần khắc phục sự xói mòn tâm huyết và cống hiến của các nhà khoa học; chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ KH&CN; tạo môi trường thuận lợi, có cơ chế chính sách đồng bộ, đủ mạnh, phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN để phát huy hơn nữa tài năng, trí tuệ của đội ngũ các nhà khoa học, khắc phục tình trạng hành chính hóa trong hoạt động KH&CN;…
Phát biểu tham luận tại buổi làm việc, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong cho rằng, thành tựu KH&CN của nước ta không hề nhỏ. Nếu nhìn ngang, không nước nào có thu nhập bình quân đầu người ở mức 1.000 – 1.500 USD/người/năm có được những kết quả nghiên cứu và thành tựu KH&CN như nước ta hiện nay. Nhiều tổ chức nước ngoài đã đánh giá, riêng đối với ngành nông nghiệp, KH&CN đóng góp 35% vào thành tựu của ngành này. Việt Nam hiện là chuyên gia hàng đầu của ngành nông nghiệp đối với Châu Phi và Nam Mỹ. Tuy nhiên, KH&CN chưa đạt được vai trò là động lực then chốt. KH&CN cần trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và có vai trò dẫn dắt toàn bộ nền kinh tế của đất nước phát triển. Việc phân bổ Ngân sách Nhà nước dành cho KH&CN còn dàn trải. Trong thời gian tới, để KH&CN phát triển cần tập trung vào hai điểm mấu chốt: thay đổi chính sách đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN; sử dụng cán bộ KH&CN và trọng dụng người tài.
Đánh giá về những thành công trong hoạt động KH&CN thời gian qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cơ chế quản lý hoạt động KH&CN đã chuyển biến tích cực trong việc xác định các nhiệm vụ khoa học từ chỗ chủ yếu do giới khoa học đề xuất đến kết hợp nhu cầu thực tiễn và đặt hàng của quản lý nhà nước. Về vấn đề cơ chế tài chính, hiện cơ chế chuyển từ giám sát các định mức theo đầu vào sang căn cứ vào hiệu quả lũy tiến đầu ra để chọn đề tài cũng đang được thực hiện. Hoạt động của các đơn vị sự nghiệp đã chuyển đổi mạnh mẽ theo tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thị trường KH&CN tuy còn mới nhưng 10 năm qua đã có nhiều chuyển biến, hoạt động giao dịch của quốc gia, địa phương đã trở thành định kỳ, mặc dù chủ yếu vẫn là giao dịch sản phẩm.
Theo Phó Thủ tướng, KH&CN và giáo dục đào tạo chưa trở thành cấu phần trong các hoạt động của ngành, địa phương. Trong hoạt động xây dựng kế hoạch của ngành, địa phương chưa có cấu phần kế hoạch KH&CN đi cùng. Kế hoạch hoạt động của các ngành cũng chưa kèm theo kế hoạch phát triển KH&CN. Cần đầu tư xây dựng kế hoạch KH&CN 5 năm trên cơ sở kế hoạch 10 năm của các ngành, địa phương. Đây là công cụ để xây dựng mô hình phát triển mới mà ở đó, vai trò người đứng đầu rất quan trọng. Các bộ trưởng cần đặt hàng KH&CN phải làm gì cho ngành phát triển và lãnh đạo tỉnh phải đặt hàng KH&CN làm gì cho địa phương. Hiện Bộ KH&CN đang cụ thể hóa vấn đề này. Về vấn đề chọn và đánh giá sản phẩm, cần chuyển căn cứ từ định mức đầu vào sang hiệu quả đầu ra và trách nhiệm người làm đề tài. Ngân sách xây dựng cơ bản, ngân sách thường xuyên thì làm theo chu kỳ kế hoạch. Ngân sách cho nghiên cứu khoa học thì duyệt xong đề tài, dự án lúc nào cấp tiền lúc đấy. Cùng với đó, ngành KH&CN cần đẩy mạnh quy hoạch nhân lực KH&CN. Cần tập trung ưu đãi cho 3 đối tượng: cán bộ KH&CN đầu đàn; người phụ trách đề tài, đề án cấp quốc gia; cán bộ KH&CN trẻ xuất sắc. Ngành KH&CN cần hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống mạng lưới nghiên cứu khoa học. Trong đó, coi các trường đại học là cấu thành của hệ thống KH&CN cả nước, xây dựng các trung tâm xuất sắc làm nòng cốt cho từng nhóm nội dung nghiên cứu. Cùng với đó, triển khai các hợp tác KH&CN có tầm quốc gia, thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế để giải quyết nhiệm vụ quốc gia, hợp tác với các nước mạnh về KH&CN; làm rõ vốn dành cho nghiên cứu ứng dụng; đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN;…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Ngũ Hiệp)
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh và đánh giá cao các đồng chí lãnh đạo Bộ KH&CN cùng các đơn vị đã chuẩn bị tốt báo cáo cho buổi làm việc này. Báo cáo được trình bày rất nghiêm túc, công phu, thẳng thắn, trách nhiệm, phân tích cả những mặt được, chưa được, nguyên nhân và kiến nghị phương hướng, giải pháp sắp tới.
Tổng Bí thư cho rằng, thời gian qua mặc dù điều kiện kinh tế tài chính có hạn, điểm xuất phát thấp nhưng hoạt động KH&CN đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Những thành tựu KH&CN bao gồm cả khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, KH&CN, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng,... đã đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đường lối, chính sách, luật pháp..., những luận điểm cơ bản, con đường phát triển đi lên của đất nước được vạch rõ trong các văn kiện của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các giai đoạn,... đều phải dựa trên những luận cứ khoa học và thực tiễn. Trước đây nước ta dân ít, ruộng nhiều, nhưng làm không đủ ăn. Bây giờ ruộng đất thu hẹp lại, dân đông hơn (86,7 triệu người), nhưng không những đủ lương thực, mà còn xuất khẩu 7 triệu tấn gạo/năm. Vẫn con người ấy, đồng ruộng ấy, kết quả ấy có được rõ ràng là nhờ KH&CN. Xuất khẩu cà phê, hạt điều..., những thành tựu nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực y tế, công nghiệp, xây dựng,… biết bao công trình đã được xây dựng, đi vào vận hành, phục vụ hiệu quả sản xuất và đời sống của nhân dân, làm thay đổi bộ mặt đất nước. Trình độ dân trí không ngừng được nâng lên. Ngành KH&CN cần tổng kết lại những kết quả đã đạt được, tiếp tục phát huy thành tựu và kinh nghiệm rút ra trong quá trình phát triển, khắc phục những hạn chế, yếu kém để tập trung phát triển KH&CN hơn nữa.
Tổng Bí thư đã nhấn mạnh 7 nội dung ngành KH&CN cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể:
Thứ nhất, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhận thức, tư duy về KH&CN trong điều kiện mới.
Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế chính sách để phát triển KH&CN. Đây là điểm mấu chốt. Cơ chế chính sách bao gồm chính sách đầu tư, cơ chế tài chính, giao kế hoạch, đặt hàng, khoán sản phẩm,… Trong đó, cần nhấn mạnh đổi mới cơ chế tài chính sao cho tập trung được mọi nguồn lực trong nước và nước ngoài.
Thứ ba, đổi mới hệ thống tổ chức làm công tác nghiên cứu triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN, bao gồm mạng lưới các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp làm KH&CN cho phù hợp điều kiện kinh tế thị trường.
Thứ tư, đổi mới công tác quản lý, làm sao để phát huy thế mạnh nguồn nhân lực, khuyến khích người tài, tạo môi trường dân chủ và thuận lợi cho cán bộ KH&CN yên tâm công tác. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Bộ KH&CN.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác KH&CN, sử dụng cán bộ KH&CN hiện có và có chính sách trọng dụng người tài. Đào tạo nhân lực một số ngành mũi nhọn, lĩnh vực trọng điểm và có chính sách tôn vinh cán bộ KH&CN. Nên chọn một ngày là Ngày KH&CN.
Thứ sáu, phối hợp với các cơ quan, các ngành, các cấp kịp thời và nhịp nhàng hơn, làm các ngành hiểu chúng ta hơn.
Cuối cùng, Tổng Bí thư lưu ý Bộ KH&CN cần hết sức quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng con người, tổ chức, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay, coi đây là nhân tố hết sức then chốt để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thay mặt lãnh đạo và cán bộ của Bộ KH&CN, Bộ trưởng Nguyễn Quân bày tỏ sự vui mừng được đón Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương, các Bộ, ban, ngành; được nghe các ý kiến góp ý tâm huyết, thẳng thắn về công tác quản lý KH&CN và các hoạt động khác của ngành KH&CN, đặc biệt là đánh giá của Tổng Bí thư về kết quả hoạt động KH&CN thời gian vừa qua. Những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư thực sự rất quan trọng để ngành có thể đổi mới thực sự theo tinh thần của Đề án mà Chính phủ đã giao là đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN. Với tâm huyết và sự ủng hộ của các đại biểu, các bộ ban, ngành, hy vọng Bộ KH&CN sẽ có nhiều đóng góp mới, đáp ứng được sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong thời gian tới.
Nhân chuyến thăm và làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã cùng trồng cây lưu niệm tại trụ sở Bộ KH&CN.