TP.HCM đảm bảo công tác đo lường trong kinh doanh xăng dầu trên địa bàn
26-04-2024Với mục đích tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật, chủ trương chính sách của nhà nước về hoạt động đo lường đến các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, là cầu nối để các bên cùng nhau trao đổi, thảo luận các vấn đề còn vướng mắc trong việc thực hiện đảm bảo đo lường trong kinh doanh xăng dầu và việc xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng tại chính đơn vị mình. Đồng thời là dịp để các đơn vị đề xuất các giải pháp xây dựng, phát triển hoạt động đo lường nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế cho các đơn vị trên địa bàn TP.HCM.
Ngày 26/4/2024, tại trụ sở Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đã diễn ra Hội thảo “Đảm bảo đo lường trong kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP.HCM”. Hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (SMQ, trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) là đơn vị triển khai thực hiện. Tham dự Hội thảo về phía SMQ có bà Võ Đình Liên Ngọc - Phó Chi cục trưởng. Về phía Sở Công Thương TP.HCM có bà Trần Thị Thái Hòa - đại diện Phòng Quản lý thương mại. Về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có ông Đặng Công Luân - đại diện Thanh tra Sở. Về phía các báo cáo viên có ông Mai Phước Vinh - Trưởng phòng Phòng Quản lý Đo lường SMQ; ông Dương Văn Thông - Phó Trưởng phòng Phòng Đo lường - Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM (SMEQ, trực thuộc SMQ); ông Phạm Huy Trung - Phó Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Nam Dương; ông Bùi Đình Trung - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đ.P; ông Đặng Vĩnh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Hóa đơn điện tử M-Invoice cùng đại biểu là thương nhân đầu mối, các tổ chức, cá nhân kinh doanh và phân phối xăng dầu trên địa bàn Thành phố.
Đại biểu là thương nhân đầu mối, các tổ chức, cá nhân kinh doanh và phân phối xăng dầu trên địa bàn Thành phố cùng tham dự
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Võ Đình Liên Ngọc - Phó Chi cục trưởng SMQ cho biết, hoạt động đo lường có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và là công cụ đắc lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Cụ thể, ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án 996). Đề án 996 tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên triển khai áp dụng hiệu quả Chương trình đảm bảo đo lường để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá.
Để triển khai Đề án 996 tại TP.HCM, năm 2022 Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 520/QĐ-UBND ngày 21/02/2022 về Kế hoạch “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong năm 2024, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với vai trò đầu mối, chủ trì triển khai Đề án 996 tại TP.HCM cũng đã tham mưu cho Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố ban hành Kế hoạch số 811/KH-SKHCN ngày 14/3/2024 về “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế năm 2024”.
Bà Võ Đình Liên Ngọc - Phó Chi cục trưởng SMQ phát biểu khai mạc Hội thảo
Cũng theo bà Võ Đình Liên Ngọc, với mong muốn tuyên truyền các văn bản về Đề án 996 và phổ biến Công văn số 54/BKHCN-TĐC ngày 08/01/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phối hợp triển khai thực hiện Công điện số 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số cũng như thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân TP.HCM theo Công văn số 1419/UBND-KT ngày 22/3/2024 về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Thành phố. Trong đó, giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ động phối hợp với các cơ quan thuế, Sở Công Thương hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu thực hiện các giải pháp khả thi, hiệu quả đảm bảo quy định pháp luật về đo lường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đúng quy định pháp luật.
“Trong năm 2022, 2023 chúng tôi cũng đã triển khai và phối hợp với nhiều đơn vị để tổ chức hàng loạt hội thảo và lớp tập huấn về đo lường cho các doanh nghiệp cũng như các đơn vị, tổ chức và cá nhân trên địa bàn Thành phố. Năm nay cũng không ngoại lệ, trong buổi sáng ngày hôm nay là Hội thảo về đảm bảo đo lường trong kinh doanh xăng dầu với nhóm đối tượng mục tiêu là các thương nhân đầu mối, các tổ chức, cá nhân kinh doanh và phân phối xăng dầu trên địa bàn TP.HCM. Hội thảo sáng ngày hôm nay chúng ta không chỉ trao đổi về đo lường làm sao để giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu; giảm tổn thất kinh tế do loại trừ, khắc phục các lỗi trong kiểm định, hiệu chuẩn, sử dụng chuẩn đo lường, phương tiện, thiết bị đo, thử nghiệm và việc thực hiện các phương pháp đo, thử nghiệm; giảm chi phí nghiên cứu, vận hành do đổi mới, áp dụng phương pháp đo mới, sử dụng chuẩn đo lường, phương tiện, thiết bị đo, thử nghiệm mới có chất lượng và công nghệ cao hơn; nâng cao hiệu quả kiểm soát chất lượng cung cấp dịch vụ; tăng cường kiểm soát môi trường… mà còn là hỗ trợ các tổ chức, đơn vị hoạt động trong kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố triển khai hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý về xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng. Chúng tôi mong muốn rằng, Hội thảo này sẽ tạo diễn đàn cho cơ quan quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm góp phần xây dựng, triển khai chương trình đảm bảo đo lường, sử dụng hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp kinh doanh và phân phối xăng dầu cũng như các đơn vị cung cấp thiết bị, giải pháp công nghệ ngày càng hoàn thiện và hiệu quả hơn”, bà Võ Đình Liên Ngọc chia sẻ.
Ông Mai Phước Vinh - Trưởng phòng Phòng Quản lý Đo lường SMQ chia sẻ báo cáo tham luận của mình tại Hội thảo
Tại Hội thảo ông Mai Phước Vinh - Trưởng phòng Phòng Quản lý Đo lường SMQ đã phổ biến Quyết định số 520/QĐ-UBND ngày 21/6/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Kế hoạch số 811/KH-SKHCN ngày 14/3/2024 của Sở Khoa học và Công nghệ về “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế năm 2024” cũng như Công văn số 54/BKHCN-TĐC ngày 8/1/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phối hợp triển khai thực hiện Công điện số 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số”.
“Hiện nay, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính gồm: Phát triển hạ tầng đo lường của Thành phố; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường; Hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa; Truyền thông về hoạt động đo lường. Trong đó có, các nội dung tổ chức bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho cán bộ tham gia hoạt động đo lường và doanh nghiệp; huấn luyện và tư vấn doanh nghiệp triển khai áp dụng chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ; truyền thông về vai trò của đo lường trong đời sống xã hội và trong công nghiệp cũng như nội dung chương trình đảm bảo đo lường; tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo, diễn đàn về đo lường và vai trò của đo lường trong doanh nghiệp… Riêng, năm 2024 phải: Duy trì, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn hệ thống chuẩn đo lường của Thành phố, đảm bảo độ chính xác và tính liên kết chuẩn đến hệ thống chuẩn đo lường quốc gia Việt Nam; Phát triển hạ tầng đo lường Thành phố đủ năng lực kiểm định được tối thiểu 60% phương tiện đo thông dụng thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm định trên địa bàn Thành phố; Phát triển ít nhất 02 phương tiện đo đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp; Rà soát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp; Phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, TP. Thủ Đức trong công tác quản lý hoạt động đo lường, tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp; Huấn luyện, bồi dưỡng, phổ biến, tư vấn cho 400 lượt doanh nghiệp triển khai áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ; Xây dựng các bài viết về vai trò của đo lường trong đời sống xã hội và trong công nghiệp cũng như nội dung Chương trình đảm bảo đo lường nhằm kết nối các hiệp hội, doanh nghiệp;Tổ chức 01 hội thảo về đo lường. Còn đối với, Công văn số 54 hướng dẫn thực hiện một số nội dung về triển khai hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu sẽ tập trung vào 3 nhóm đối tượng gồm: Thương nhân kinh doanh xăng dầu, các cơ sở sản xuất/nhập khẩu cột đo xăng dầu và các tổ chức kiểm định cột đo xăng dầu”, ông Mai Phước Vinh chia sẻ.
Ông Phạm Huy Trung - Phó Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Nam Dương chia sẻ các giải pháp của đơn vị mình tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo ông Phạm Huy Trung - Phó Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Nam Dương đã trình bày báo cáo tham luận với nội dung “Giải pháp thực hiện trong việc nâng cấp, cải tiến, cải tạo cột đo xăng dầu phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng”. Đối với cột đo xăng dầu điện tử do Công ty TNHH Kỹ thuật Nam Dương sản xuất thì nâng cấp, cải tạo bộ chỉ thị điện tử của cột đo xăng dầu (Nâng cấp tính năng truyền nhận dữ liệu, thiết kế giao thức truyền thông - Protocol; Nâng cấp tính năng lưu trữ dữ liệu đến 500 lần giao dịch gần nhất; Thay thế lại những linh kiện trong bo mạch đã qua thời gian sử dụng, để đảm bảo truyền thông ổn định) và lắp đặt hệ thống quản lý dữ liệu tập trung - hệ thống DCS-POS. Đối với cột đo xăng dầu điện tử của các hãng sản xuất khác thì doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu liên hệ với hãng sản xuất cột đo xăng dầu mình đang sử dụng để được hỗ trợ nhằm giảm chi phí khi đầu tư, nâng cấp cột đo và nếu các hãng sản xuất khác không có giải pháp hổ trợ thì Công ty TNHH Kỹ thuật Nam Dương đề xuất.
“Hiện nay, cột đo xăng dầu và hệ thống DCS-POS do công ty Nam Dương sản xuất đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phê duyệt mẫu và Quyết định phê duyệt mẫu cũng như hình ảnh đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục. Do đó, việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng chính xác và nhanh chóng, việc áp dụng này cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp quản trị hệ thống cửa hàng kinh doanh bán lẻ thông qua phần mềm quản lý bán hàng và tạo tiền đề cho sau này phát triển thêm phương thức bán hàng không tiền mặt cũng như nâng cao năng lực quản lý, không những thế đối vối với cơ quan quản lý nhà nước sẽ có đầy đủ dữ liệu để phục vụ cho việc thanh, kiểm tra sau này. Đơn vị chúng tôi cũng kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước phải có các lớp hướng dẫn, tập huấn cho doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu nắm bắt thêm thông tin về quy định Luật thuế và các văn bản pháp quy về đo lường, để doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các quy định, có định hướng trong việc nâng cấp, cải tiến, cải tạo cột đo xăng dầu nhằm đáp ứng đúng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Riêng, với doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu, nên tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước trước khi chọn giải pháp đầu tư, nhằm đảm bảo thực hiện đúng chủ trương quản lý của nhà nước, tránh thiệt hại sau khi thực hiện”, ông Phạm Huy Trung chia sẻ.
Ông Dương Văn Thông - Phó Trưởng phòng Phòng Đo lường SMEQ chia sẻ báo cáo tham luận của mình tại Hội thảo
Trình bày báo cáo tham luận với nội dung “Đảm bảo đo lường trong hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo sử dụng trong lĩnh vực xăng dầu”. Ông Dương Văn Thông - Phó Trưởng phòng Phòng Đo lường SMEQ chia sẻ, hoạt động đo lường có vai trò quan trọng và không thể thiếu đối với đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. SMEQ cung cấp các dịch vụ kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, SMEQ cũng tham gia các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ, hoạt động sự nghiệp khác phục vụ công tác quản lý nhà nước.
“Đối với công tác đảm bảo đo lường, SMEQ đã thực hiện công tác đảm bảo đo lường cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thông qua kiểm định, hiệu chuẩn các phương tiện đo như: cột đo xăng dầu, ca đong, bình đong, nhiệt kế, thước đo bồn, bể đong cố định, xi téc ô tô, điện trở tiếp đất và chống sét…”, ông Dương Văn Thông chia sẻ.
Tại Hội thảo, ông Dương Văn Thông cũng đã trình bày các nội dung liên quan đến, Điều 6, Theo Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25/8/2015 quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu và Thông tư số 08/2018/TT-BKHCN ngày 15/6/2018 sửa đổi, bổ sung khoản 7 điều 6 Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25/8/2015.
Ông Bùi Đình Trung - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đ.P trình bày tham luận tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, ông Bùi Đình Trung - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đ.P đã trình bày tham luận với chủ đề “Giải pháp thực hiện việc nâng cấp, cải tiến, cải tạo cột đo xăng dầu phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng”.
Cụ thể, Công ty TNHH Đ.P đã hợp tác cùng Công ty CP SMARTPETRO Việt Nam xây dựng giải pháp in kết quả đo tập trung và kết xuất dữ liệu kết quả đo phục vụ quản lý và xuất hoá đơn xăng dầu theo từng lần bơm.
“Với giải pháp này, sẽ giúp các doanh nghiệp: Theo dõi mọi hoạt động, quản lý việc kinh doanh tại cửa hàng xăng dầu bất kỳ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu theo thời gian thực (real-time); Kết xuất các báo cáo kinh doanh tháng, quý, năm một cách nhanh chóng và chính xác trên hệ thống; Không còn phải thực hiện các công việc ghi chép sổ sách, thống kê, giao ca bán hàng, quản lý và thống kê giao dịch với các khách hàng công nợ một cách thủ công như trước đây; Đáp ứng được việc xuất hóa đơn điện tử tự động cho từng lần bán theo đúng Nghị định 123/2020/NĐ-CP thông qua việc tích hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ T-VAN hóa đơn điện tử; Với mô hình cung cấp dịch vụ sử dụng giải pháp PETROCloud sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí vận hành, chi phí đầu tư trang thiết bị cho việc sử dụng phần mềm cũng như chi phí nhân sự cho việc xuất hóa đơn điện tử và quản lý, thống kê hóa đơn điện tử đã bán trong ngày…”, ông Bùi Đình Trung chia sẻ.
Ông Đặng Vĩnh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Hóa đơn điện tử M-Invoice trình bày tham luận tại Hội thảo
Ông Đặng Vĩnh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Hóa đơn điện tử M-Invoice trình bày về “Giải pháp thực hiện xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu”. Cụ thể, qua khảo sát khoảng 200 đơn vị xăng dầu đang sử dụng xuất hóa đơn điện tử của M-Invoice. M-Invoice chia các đơn vị theo tính chất có khả năng đáp ứng để áp dụng việc xuất hóa đơn cho từng lần bán hàng như sau: Nhóm 1: Nhóm các doanh nghiệp có giải pháp phần mềm bán hàng, quản lý xăng dầu riêng đáp ứng nhu cầu xuất hóa đơn theo từng lần phát sinh (nhóm có thể tích hợp với M-Invoice để khởi tạo, phát hành hóa đơn điện tử thông qua API và nhóm không có khả năng tích hợp nhưng M-Invoice có thể tích hợp qua Tool/Job đồng bộ tự động); Nhóm 02: Nhóm các doanh nghiệp/cửa hàng không có phần mềm bán hàng, quản lý xăng dầu theo từng lần phát sinh thì giải pháp đáp ứng có phần khó khăn hơn bởi việc phải tích hợp hệ thống ghi nhận từng lần phát sinh phải tích hợp với các trụ bơm hiện nay. Tuy nhiên, việc tích hợp này có thể nói là rất khó khăn khi các chủng loại trụ bơm hiện nay ở Việt Nam rất đa dạng.
“Do đó, khi doanh nghiệp sử dụng phần mềm bán hàng thì đối với đối tác phần mềm đã tích hợp với M-Invoice (khoảng hơn 100 giải pháp phần mềm đã tích hợp) có thể triển khai ngay. Đối với đối tác phần mềm chưa tích hợp nhưng có khả năng tích hợp - khoảng 05 ngày. Đối với đơn vị không có khả năng tích hợp: M-Invoice sẽ khảo sát thực tế và đưa ra giải pháp tích hợp và cấu hình tham số đồng bộ - khoảng 10 ngày; Doanh nghiệp không sử dụng phần mềm bán hàng thì có thể triển khai được ngay và thủ tục đăng ký cũng như mua sắm thiết bị khoảng 1-2 ngày. M-Invoice là tổ chức truyền, nhận và lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử ký hợp đồng trực tiếp với Tổng Cục thuế”, Đặng Vĩnh Hà nói.
Đại biểu đặt câu hỏi cho các báo cáo viên tại Hội thảo
Ông Đặng Công Luân - đại diện Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM giải đáp một số vấn đề thắc mắc của doanh nghiệp tại Hội thảo
Đại diện Ban tổ chức, các báo cáo viên cùng đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu đều là thương nhân đầu mối, các tổ chức, cá nhân kinh doanh và phân phối xăng dầu trên địa bàn Thành phố cũng đã cùng chia sẻ những khó khăn, đặt câu hỏi trao đổi với các báo cáo viên về việc triển khai Chương trình đảm bảo đo lường trong hoạt động kinh doanh và phân phối xăng dầu cũng như việc sử dụng hóa đơn điện tử thực tế tại đơn vị của mình.
Nhật Linh (CESTI)